Nhà băng vẫn còn dè dặt với Fintech
Thùy Dung
(TBKTSG Online) – Nhiều ngân hàng vẫn dè dặt trong quyết định hợp tác với các công ty tài chính công nghệ (Fintech) mà không nhận ra rằng, với số người chưa từng mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam còn nhiều và số người sử dụng smartphone ngày càng tăng, Fintech chính là cầu nối giúp họ mang các dịch vụ ngân hàng tới nhiều người dân hơn nữa.
![]() |
Dòng vốn đổ vào các công ty Fintech ASEAN ngày càng lớn. Ảnh: Ernst&Young. |
Theo thông tin tại Hội thảo “Toàn cảnh về Fintech khu vực Asean – Fintech Việt Nam đang ở đâu?” diễn ra ngày 12-4, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có số lượng các chương trình Incubator (vườn ươm khởi nghiệp), Accelerator (xúc tiến khởi nghiệp) và các chương trình tương tự nhiều thứ hai trong khu vực, chỉ sau Singapore. Đây là tín hiệu tốt đáng ghi nhận cho sự phát triển các công ty tài chính công nghệ (Fintech) tại Việt Nam.
Việt Nam cũng có một lợi thế nữa là dân số trẻ, am hiểu về công nghệ. Theo Ernst&Young (EY) Việt Nam, vẫn có tới 90% khoản thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt. Do đó, các công ty Fintech tại Việt Nam tập trung khá nhiều vào lĩnh vực thanh toán, tới 47% công ty Fintech Việt Nam làm về dịch vụ thanh toán, cao nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc, lãnh đạo Bộ phận Dịch vụ Tài chính và Tư vấn Công nghệ của EY Việt Nam, Phó chủ tịch Câu lạc bộ VietFintech chia sẻ: “Các công ty Fintech hiện quy mô còn nhỏ, các chính sách, quy định dành cho những công ty này còn hạn chế. Hơn nữa, nhiều ngân hàng hiện nay vẫn còn dè dặt trong quyết định hợp tác với các công ty Fintech”.
Nhiều ngân hàng vẫn không nhận ra rằng với số người chưa từng mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam còn nhiều và số người sử dụng smartphone ngày càng tăng, Fintech chính là cầu nối giúp họ mang các dịch vụ ngân hàng tới nhiều người dân hơn nữa.
Ngoài ra, cũng giống như các Fintech trong ASEAN, các Fintech Việt Nam còn gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân sự và các quy định pháp lý của Chính phủ. Theo các chuyên gia EY, việc hỗ trợ về mặt chính sách từ cơ quan chức năng sẽ là yếu tố hình thành nên một hệ sinh thái Fintech, khuyến khích sự sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh.
Xét trong khu vực ASEAN, Fintech có sự phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu của tổ chức Tracxn, năm 2017, riêng vốn đầu tư vào lĩnh vực Fintech toàn khu vực đã tăng vọt lên 45% so với năm ngoái, đạt mức 366 triệu đô la Mỹ.
Nhìn chung, các doanh nghiệp Fintech đều lạc quan về tình hình tăng trưởng trong tương lai, có tới 89% tin rằng khách hàng đã sẵn sàng chấp nhận các dịch vụ của họ; 61% dự kiến sẽ đạt được mức tăng trưởng doanh thu như mục tiêu trong vòng 12 tháng tới; và có tới 87% đang có kế hoạch mở rộng thị trường trong vòng 12 tháng tới. Ngoài các nước Đông Nam Á, những điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp Fintech là Mỹ, Anh và Trung Quốc.
Dù tăng trưởng mạnh mẽ, Fintech ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng phải đối mặt với hạn chế về vốn. Với hầu hết các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu phát triển, họ sẽ cần nhiều vốn hơn cho các giai đoạn tăng trưởng sau này, và 60% doanh nghiệp được khảo sát mong đợi sẽ có 1 triệu đô la Mỹ cho vòng gọi vốn tiếp theo.
“Khảo sát toàn cảnh về Fintech khu vực ASEAN 2018” do EY thực hiện là báo cáo mới nhất về các thông tin tổng quan về các doanh nghiệp Fintech tại khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Báo cáo được thực hiện trên 250 doanh nghiệp Fintech tại hơn 10 quốc gia, báo cáo “Khảo sát toàn cảnh về FinTech khu vực ASEAN 2018” cũng cung cấp những quan điểm, nhận định của chuyên gia trong ngành về hệ sinh thái Fintech trong khu vực, từ đó đưa ra những đề xuất cho Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi Fintech phát triển. |
Mời đọc thêm: