Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà cổ kêu cứu!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà cổ kêu cứu!

Đức Khánh

Nhà cổ vườn lan Bình Tây đang xuống cấp – Ảnh: ĐK.

(TBKTSG) – Ở đồng bằng sông Cửu Long hiện có hàng loạt ngôi nhà cổ cả trăm năm tuổi mang đậm giá trị văn hóa lịch sử đang bị xuống cấp hoặc bị sử dụng sai mục đích…

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, thành phố hiện có trên 70 ngôi nhà cổ, nhưng chỉ có nhà cổ “vườn lan Bình Thủy” ở quận Bình Thủy được Nhà nước công nhận là di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia vào năm 2009 đang được chủ nhà cố gắng tự giữ gìn. Số còn lại, trong đó có nhiều ngôi nhà hàng trăm năm tuổi đang bị xuống cấp trầm trọng do không có những giải pháp bảo tồn căn cơ.

Ngôi nhà cổ “vườn lan Bình Thủy” được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1870, chủ nhân là ông Dương Chấn Kỷ, một thương gia trí thức giàu có và cũng là một điền chủ thời bấy giờ. Nhà gồm 5 gian toàn bằng các loại gỗ quý như lim, căm xe, cà chất… Đến đầu của thế kỷ 20, ngôi nhà được thiết kế lại kết hợp hai lối kiến trúc Việt – Pháp, và hiện đang thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Chủ nhà hiện nay, ông Dương Minh Hiển, hậu duệ mấy đời của nhà họ Dương, cho biết: “Từ lúc được công nhận là di tích cấp quốc gia, ngôi nhà vẫn chưa được trùng tu, sửa chữa. Các vách tường, mái ngói, trần nhà hiện đang có dấu hiệu xuống cấp”.

Bên ngoài ngôi nhà này, chúng tôi thấy toàn bộ cổng rào bê tông và khung sắt đã xuống cấp nặng. Ở một số đoạn tường rào, các tiết tấu hoa văn xưa đã bị mất hoặc biến dạng. Chưa kể có nhiều quán sá dựng tạm bợ quanh khuôn viên ngôi nhà, càng làm xấu đi ngôi nhà cổ danh tiếng ở miền Tây.

Chính vì chưa có giải pháp bảo tồn căn cơ nên hàng loạt ngôi nhà cổ khác ở Cần Thơ cũng sắp sửa biến dạng từ nhà cổ thành… nhà nát. Cách nhà cổ Bình Thủy không xa lắm là dãy nhà cổ của anh em họ La, từ lâu đã bị một số cơ quan, ban ngành thành phố Cần Thơ dùng làm bệnh viện lao, trông hết sức nhếch nhác. Phần lớn các mái ngói, cổng, cửa ra vào đều đã được “cách tân”, làm mất đi những đường nét cổ kính ngày xưa. Ở nội ô thành phố Cần Thơ, còn có một khu nhà cổ rộng lớn có khuôn viên vuông vức gồm 18 căn trên đường Phan Đình Phùng, nay cũng chỉ còn bốn căn.

Không riêng ở Cần Thơ, nhiều ngôi nhà cổ ở một số tỉnh miền Tây khác như Vĩnh Long, Tiền Giang… cũng đang bị “biến tướng” và được dùng làm quán nhậu, quán cà phê… Ngoài ra, có nhiều chủ nhân của những ngôi nhà cổ, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, đã không đủ sức tự trùng tu nên buộc lòng họ phải bán đi di sản quý báu của cha ông mình.

Trong những cuộc mua bán này, có người đã biết tận dụng nét đẹp nhà xưa để kinh doanh du lịch. Thí dụ, năm 2002, ông chủ làng du lịch Mỹ Khánh – Cần Thơ chỉ bỏ ra vài trăm triệu đồng đã mua được căn nhà ba gian hai chái xây hồi năm 1906 ở làng Bình Thủy từ người cháu của đại điền chủ Trần Hi Ngươn để phục chế, phục vụ du khách gần xa.

Bà Trần Ngọc Nga, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, nói: “Phần lớn những ngôi nhà cổ hiện nay trên địa bàn thành phố đều do người dân làm chủ sở hữu, tự quản lý, nên mạnh ai nấy làm không có một khuôn khổ ràng buộc nào cả. Về góc độ quản lý, chúng tôi chỉ biết động viên, thuyết phục người dân để họ tự bảo quản, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa của người xưa để lại”. Không thấy bà Nga nhắc đến cơ chế hoặc kinh phí hỗ trợ từ phía Nhà nước cho việc bảo tồn, trùng tu nhà cổ xuống cấp. Trong khi đó, một cán bộ đang công tác tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ ngậm ngùi nói: “Khó khăn chung hiện nay là thẩm quyền của cán bộ bảo tàng chỉ ở mức khảo sát, thống kê, báo cáo, còn vấn đề kinh phí sửa chữa thì ngoài tầm tay. Trong hoàn cảnh ấy, chỉ mong ở ý thức tự gìn giữ của người dân”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới