Thứ Ba, 26/09/2023, 16:58
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Nhà đầu tư không mặn mà dự án BOT đường sắt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà đầu tư không mặn mà dự án BOT đường sắt

Lê Anh

Nhà đầu tư không mặn mà dự án BOT đường sắt
Để cải tạo hệ thống đường sắt hiện nay cần số vốn đầu tư khá lớn. Trong ảnh là cầu đường sắt Bình Lợi dự kiến sẽ được xây đi trên cao – Ảnh: Anh Quân

(TBKTSG Online) – Tổng vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, các thủ tục hành chính vẫn còn nhiêu khê khiến các nhà đầu tư không mặn mà với các dự án BOT, BT đường sắt.

Năm 2010, Cục đường sắt Việt Nam đã đề xuất 20 dự án đường sắt đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), BT (chuyển giao – kinh doanh), BTO (xây dựng – chuyển giao – kinh doanh). Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai đến nay vẫn chưa có dự án nào được thực hiện.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam cho hay, mặc dù danh mục các dự án đã trình Bộ Giao thông Vận tải vào đầu năm 2010 nhưng đến nay chưa thực hiện được dự án nào bởi chưa có nhà đầu tư.

Trong số 20 dự án mời gọi đầu tư giai đoạn từ năm 2010 -2020, một số dự án có tổng mức đầu tư khá lớn như dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, chiều dài 381 km với đường đôi khổ 1435 mm, vốn đầu tư 91.200 tỉ đồng. Một số dự án khác như Biên Hòa (Đồng Nai) – Vũng Tàu chiều dài 114 km, vốn đầu tư dự kiến 15.000 tỉ đồng, tuyến Trảng Bom (Đồng Nai) – Hòa Hưng (TPHCM) dài 49 km, vốn đầu tư 11.000 tỉ đồng, trong đó có đoạn đi trên cao từ Bình Triệu đến ga Hòa Hưng…

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư đèo Cả cho biết, so với các dự án BOT đường bộ thì các dự án BOT đường sắt khó thu hút đầu tư hơn bởi việc thu hồi vốn các dự án đường sắt chậm. Hơn nữa lượng hành khách đi tàu hiện nay không lớn.

“Các dự án đường sắt có tổng mức đầu tư khá lớn, trong cơ chế thu hút đầu tư BOT và BT hiện nay vướng nhất là phần vốn của nhà đầu tư. Đơn cử như một dự án BOT có vốn đầu tư khoảng 20.000 tỉ đồng thì yêu cầu nhà đầu tư phải đáp ứng được từ 15-20% vốn. Với số vốn quá lớn như vậy thì nhà đầu tư khó mà đáp ứng được” ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, ngoài các vấn đề về vốn, chính sách, một vấn đề khác là thủ tục hành chính rườm rà hiện nay cũng khiến nhà đầu tư nản lòng.

Xây 3 cầu vượt đường sắt tại miền Trung

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ khởi công xây dựng 3 cầu vượt đường sắt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 12-9 để tách các phương tiện ra khỏi việc đi chung với đường sắt.

Theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, dự án này được thực hiện nhằm giảm tai nạn đường sắt ở các điểm giao cắt với đường bộ. Trong đó, sẽ xây dựng một cầu vượt tại Đà Nẵng, 2 cầu vượt còn lại sẽ xây dựng tại Quảng Ngãi.

Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng xây dựng 94 km đường gom, hàng rào cách ly và 55 đường ngang thuộc tuyến đường sắt Hà Nội -TPHCM, Yên Viên- Lào Cai, Hà Nội- Đồng Đăng…

Tổng kinh phí cho việc xây dựng 3 cầu vượt và đường gom trên tuyến đường sắt Hà Nội – TPHCM là 895,2 tỉ đồng. Dự án do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thiết kế và thi công, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 31-12-2013 theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ.

Việc xây dựng cầu vượt đường sắt sẽ xóa bỏ các đường ngang dân sinh bất hợp pháp, gây mất an toàn giao thông giữa các điểm giao cắt của đường bộ với đường sắt. Sau vụ tai nạn thảm khốc tại cầu Ghềnh (Đồng Nai) vào đầu tháng 2-2011, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xây dựng gấp 3 cầu đường bộ là đường bộ Đồng Nai mới, Tam Bạc (Hải Phòng), Thị Cầu (Bắc Ninh) để tách khỏi đường sắt.

Dự kiến, đến cuối năm 2012 và đầu năm 2013 cầu Thị Cầu và cầu đường bộ Đồng Nai mới sẽ được thông xe để tách hoàn toàn ra khỏi đường sắt.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới