Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà đầu tư muốn Chính phủ chia sẻ rủ ro trong PPP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà đầu tư muốn Chính phủ chia sẻ rủ ro trong PPP

Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Hợp tác công – tư (PPP) là mô hình được cho là hiệu quả thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế trong trung và dài hạn. Để “hút" nguồn vốn vào lĩnh vực này, các nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ nên chung tay chia sẻ rủi ro với họ.

Nhà đầu tư muốn Chính phủ chia sẻ rủ ro trong PPP
Nhà đầu tư mong muốn Chính phủ chia sẻ rủi ro trong mô hình PPP tại Việt Nam – Ảnh: Anh Quân.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018 được tổ chức ngày 4-12 tại Hà Nội, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp Anh rất quan tâm tới mô hình PPP. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần giải quyết trước khi nguồn tài chính quốc tế có thể “chảy” vào để hỗ trợ PPP tại Việt Nam.

“Các nhà tài trợ nước ngoài cần đảm bảo những hiệu quả nhất định trong việc thực hiện dự án và nhận được những quyền lợi tương xứng để tránh những rủi ro không muốn có”, ông Kenneth Atkinson nói.

Một trong những rủi ro được các nhà đầu tư nhắc tới là rủi ro về ngoại hối. Và để giải quyết được vấn đề này, phải có một bên chấp nhận rủi ro đó. Trong trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài phải chịu rủi ro này, chi phí của dự án sẽ tăng cao và khó có hiệu quả kinh tế nữa.

Theo vị Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam, rủi ro về ngoại hối chỉ là một trong nhiều rủi ro phát sinh trong mô hình PPP mà một bộ luật mới khó có thể giải quyết được hết. Do đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ nên xây dựng một cơ quan chuyên trách về từng mảng cơ sở hạ tầng, áp dụng thông lệ quốc tế rộng rãi, thống nhất thông qua một cơ chế điều phối.

Đồng quan điểm, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho hay PPP là phương thức thực hiện dự án trong đó các doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận từ việc đầu tư, xây dựng, bảo trì và vận hành cơ sở hạ tầng công cộng, trong khi Chính phủ giảm thuế và hỗ trợ một phần về tài chính.

Nghị định 63/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về PPP ban hành tháng 5-2018, có những khía cạnh tích cực như tinh giản các thủ tục hành chính cho các dự án PPP. Tuy nhiên, theo chủ tịch Kocham, "sự đảm bảo của chính phủ" trong việc chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và nhà đầu tư vẫn chưa được sửa đổi.

Do đó, việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý với quy định bảo đảm của chính phủ giảm thiểu rủi ro của các nhà đầu tư sẽ giúp các dự án PPP trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng được thực hiện tích cực hơn.

Cũng tại diễn đàn, ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho hay, phát triển cơ sở hạ tầng là một yêu cầu quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế về dài hạn của Việt Nam, trong đó áp dụng linh hoạt các cơ chế PPP chắc chắn là một trong những cách hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu này.

Vừa qua, Chính phủ đã có một số biện pháp khuyến khích mô hình PPP bằng việc ban hành Nghị định 63 vào tháng 5-2018. Nghị định này đã giúp đơn giản hóa thủ tục đầu tư PPP thông qua việc bỏ quy định phải xin Chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT) cho các dự án.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, ông Koji Ito đề xuất Chính phủ Việt Nam phải chịu một mức độ rủi ro nhất định trong việc chuyển đổi tỷ giá.

“Cho dù có khó khăn về tài chính, chính phủ vẫn phải xác định rõ danh mục các dự án trọng điểm cần sử dụng ngân sách chính phủ, bảo lãnh của chính phủ để triển khai”, JCCI đề xuất.

Liên quan tới vốn cho dự án PPP, ông Tony Foster, Trưởng Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho hay, vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề phát sinh do quy định của pháp luật cũng như trong quá trình thực hiện dự án. Điều này gây quan ngại cho các bên cho vay và ảnh hưởng đến việc huy động vốn cho các dự án PPP.

Một số số vướng mắc điển hình liên quan tới huy động vốn được ông Tony Foster đề cập bao gồm: hạn chế về thế chấp quyền sử dụng đất cho bên cho vay nước ngoài; các bảo lãnh của Chính phủ về rủi ro ngoại hối; nghĩa vụ của bên bao tiêu hàng hóa dịch vụ ngày càng hạn chế so với trước đây; chính sách mới về thuế trên lãi đối với khoản vay nước ngoài.

“Tất cả các nội dung này đã được đưa ra thảo luận nhiều lần trong quá trình xây dựng Nghị định về PPP cũng như các phiên họp trước đây của VBF”, ông Tony Foster nói.

Chính phủ hiện đang xây dựng kế hoạch xây dựng Luật PPP mới, vì vậy, nhóm Công tác Cơ sở Hạ tầng đề xuất Luật PPP mới nên làm rõ các quan điểm của Chính phủ liên quan đến các nội dung trên. Đồng thời, nhóm công tác cũng muốn Chính phủ làm rõ khả năng và cơ chế để nhà đầu tư có thể xin được các ngoại lệ liên quan đến các chính sách chung đó.

Theo dự thảo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện chương trình PPP, trong 20 năm gần đây, khoảng 200 dự án đã được cấp phép theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, có 158 dự án BOT và BT trong lĩnh vực giao thông; 9 dự án BOT trong ngành điện; 5 dự án xử lý nước thải.

Mời đọc thêm:

Muốn tham gia dự án PPP, nhà đầu tư phải có trên 15% vốn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới