Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Nhà đầu tư nước ngoài cần mang đến công nghệ sạch thay vì công nghệ rẻ gây ô nhiễm’

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tăng trưởng kinh tế không thể mãi dựa vào chi phí lao động thấp, các ưu đãi đầu tư và cũng không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá. Đã đến lúc Việt Nam ưu tiên tăng trưởng bền vững và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần phải đóng góp vào chiến lược này bằng cách mang đến đây công nghệ sạch thay vì công nghệ rẻ nhưng gây ô nhiễm.

Đây là một trong nhiều thông điệp chia sẻ của ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, về câu chuyện “đầu tư xanh”, trong bối cảnh Việt Nam cam kết đưa lượng phát thải ròng về mức 0 (net zero) tại Hội nghị COP26 vào tháng 11 năm ngoái.

KTSG Online: Đặt mục tiêu phát thải ròng ngang hàng với các nước phát triển khác, ông có nghĩ rằng tham vọng này của Việt Nam là quá lớn?

– Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam: Không đâu. Tham vọng sẽ buộc chúng ta phải hành động thực sự. Tôi tin rằng các mục tiêu có tính thử thách sẽ giúp tất cả chúng ta nảy sinh những ý tưởng sáng tạo để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tôi cũng đã học được trong thời gian ở Việt Nam rằng một khi người Việt Nam được giao các nhiệm vụ có tính thử thách, họ có một quyết tâm đáng kinh ngạc để chinh phục chúng.

Tại Việt Nam, chúng ta đã và sẽ tiếp tục chứng kiến những tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo, giao thông vận tải, du lịch, thương mại, năng lượng và các hoạt động kinh tế khác. Tác động là có thật và sẽ rất đáng kể nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ.

Việt Nam đang trải qua chu kỳ kinh tế của mình và Chính phủ đã nhận thức rằng tăng trưởng kinh tế không thể dựa vào chi phí lao động thấp và các ưu đãi đầu tư mãi và cũng không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá. Đã đến lúc Việt Nam ưu tiên tăng trưởng bền vững và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần phải đóng góp vào chiến lược này, bằng cách mang đến đây công nghệ sạch thay vì công nghệ rẻ nhưng gây ô nhiễm.

Ở góc độ cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy khu vực doanh nghiệp đã sẵn sàng và chấp nhận để tham gia vào các hoạt động giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Hiện có thể nói khu vực tư nhân ngày càng tham gia nhiều hơn, trong nhiều ngành như năng lượng tái tạo, nước sạch, thu gom và xử lý chất thải, chất thải rắn, tuy nhiên quy mô còn khiêm tốn và với mức doanh thu chưa tương xứng.

Nền kinh tế Việt Nam có thể mất khoảng 12,5 tỉ đô la mỗi năm vì biến đổi khí hậu. Trong hình là hạn hán tại ĐBSCL vào năm 2020. Ảnh: Lê Toàn.

KTSG Online: Quy mô chưa lớn có lẽ là do chi phí các dự án “xanh” thường rất cao, giảm lợi nhuận và từ đó giảm động lực ở chủ đầu tư?

– Ở vào giai đoạn ban đầu, sẽ phát sinh yếu tố chi phí trong việc đầu tư vào các quy trình, sản phẩm và cơ sở hạ tầng xanh. Tuy nhiên, nếu không đầu tư thì chi phí cũng sẽ xuất hiện. Chẳng hạn, nếu không giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu, kinh tế Việt Nam sẽ chịu thiệt hại 3,5% vào năm 2050. Nếu tính toán mức thiệt hại ngay từ bây giờ, nền kinh tế Việt Nam sẽ mất khoảng 12,5 tỉ đô la mỗi năm.

Là người làm việc trong lĩnh vực luôn phải cân nhắc lợi ích kinh tế, tôi có thể chia sẻ rằng đầu tư vào các dự án xanh sẽ mang lại lợi nhuận gấp đôi, bao gồm lợi nhuận về mặt kinh tế, các con số và một lợi nhuận khác, đó là khoản đầu tư dài hạn cho một tương lai bền vững của con em chúng ta.

Lấy ví dụ về việc HSBC Việt Nam tài trợ cho Nhà máy Nhựa tái chế Duy Tân. Khoản vay này không chỉ được đánh giá bình thường như bất kỳ khoản vay nào khác, mà còn phải được thông qua các tiêu chí nghiêm ngặt hơn trong quy trình quản lý và phê duyệt tín dụng dành cho tài chính bền vững của HSBC và cả bộ nguyên tắc của Hiệp hội thị trường cho vay (Loan Market Association) và Hiệp hội thị trường cho vay châu Á – Thái Bình Dương (Asia Pacific Loan Market Association) phối hợp ban hành.

Tôi cho rằng khi các tổ chức tài chính, cơ quan quản lý, người tiêu dùng,… bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn về cơ sở hạ tầng xanh, chi phí đầu tư sẽ đi xuống. Sẽ đến lúc mà chi phí tài trợ cho một dự án xanh sẽ thực sự rẻ hơn một dự án không thân thiện với môi trường. Chúng tôi đã thấy điều này khi trao đổi với các nhà đầu tư vào các công cụ nợ và chứng khoán.

Đầu tư vào dự án xanh không chỉ là một phương trình tài chính cần xem xét, đôi khi đó như một cuộc đua, chúng ta buộc phải đầu tư vì đó là điều đúng đắn cần làm, chứ không chỉ vì để đảm bảo lợi nhuận. Đầu tư vào các hoạt động xanh và bền vững là để chúng ta có thể trao cho các thế hệ tương lai một hành tinh tươi đẹp hơn.

HSBC Việt Nam tài trợ cho dự án nhà máy nhựa tái chế của Nhựa Duy Tân. Ảnh: DNCC.

KTSG Online: Nhưng cũng có dư luận cho rằng “xanh” chỉ là trào lưu nhất thời, mang tính truyền thông hơn là hiệu quả. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

– Trên thực tế, từ năm 2012, tăng trưởng xanh được cụ thể hóa trong “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” của Việt Nam với sứ mệnh chiến lược là giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sản xuất xanh, xanh hóa lối sống và tiêu dùng.

HSBC Việt Nam bắt đầu cung cấp khoản tín dụng xanh đầu tiên vào năm 2017. Đến ngày 25-1 vừa qua, chúng tôi cam kết thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỉ đô la để tài trợ cho các hoạt động bền vững tại Việt Nam đến năm 2030. Kế hoạch đã nhận được nhiều sự hỗ trợ và chỉ đạo của Chính phủ, và tôi tin cam kết này sẽ nhân rộng sự đóng góp đáng kể của HSBC trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của đất nước.

Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta ngừng việc nghĩ rằng quảng bá một hành động tốt là PR và như vậy là không hay. Nếu chúng ta làm những việc tốt thực sự và mang lại tác động tốt đến xã hội và cộng đồng thì điều đó cần được ghi nhận và ảnh hưởng sẽ được nhân rộng.

Người tiêu dùng, cơ quan quản lý, nhà đầu tư và người dân sẽ nhìn thấu những ai sử dụng yếu tố xanh chỉ như một công cụ PR và những ai đang theo đuổi những giá trị thực mà nó mang lại. Chúng ta có phương tiện để giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, để sáng tạo và đổi mới trong việc tìm cách phát triển mà không phá hủy môi trường, và chúng ta cần tin tưởng rằng bản thân sẽ đạt được điều đó.

Cuối tháng 1 vừa qua, HSBC công bố cam kết thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỉ đô la tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam cho đến năm 2030.

KTSG Online: Theo ông, đâu là những thách thức của Việt Nam trong bức tranh ‘đầu tư xanh’ hiện nay?

– Sự tham gia của khu vực tư nhân có ý nghĩa quyết định khi nguồn vốn quốc gia để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu vẫn còn hạn chế. Ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng 30% kinh phí cần thiết, trong khi chi phí cần khoảng 3-5% GDP vào năm 2030, tức khoảng 35 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2021-2030.

Ngoài ra, có một số thách thức cần vượt qua trong vài năm tới như thiếu nhân lực có chuyên môn, thiếu các tiêu chuẩn thị trường nhất quán về phân loại dự án “xanh”, thiếu các cam kết mạnh mẽ và có thể đo lường được từ các tên tuổi lớn tham gia vào thị trường, sự chưa đồng bộ của kỳ hạn dài của khoản vay và kỳ hạn ngắn của nguồn vốn và việc thiếu dữ liệu ESG (môi trường – xã hội – quản trị) minh bạch.

KTSG Online: Vậy Việt Nam nên làm gì trong giai đoạn tới đây?

– Chúng ta có thể học hỏi các nước phát triển đã đi trước. Các chính sách của Chính phủ cần đi theo độ dài của dự án để có được niềm tin của khu vực tư nhân. Hiện tại, nhiều khoản đầu tư của khu vực tư nhân chỉ có thời hạn 4-5 năm, sau đó họ sẽ chuyển sang lĩnh vực khác do lo ngại về chính sách.

Chính phủ cần mở rộng danh mục các ngành nghề thuộc lĩnh vực tăng trưởng xanh, áp dụng nhiều ưu đãi đầu tư hơn để thu hút nhiều nguồn lực về tài chính, công nghệ. Tất cả các giải pháp cần phối hợp đồng đều với nhau, với việc tăng cường khung pháp lý và năng lực hiệu quả trong việc thực thi các chính sách. Đồng thời, thị trường sẽ cần các cơ quan quản lý và chính quyền sử dụng uyển chuyển cả “củ cà rốt” và “cây gậy”, tức cơ chế khuyến khích lẫn chế tài. Cơ quan quản lý sẽ là chất xúc tác cho sự thay đổi này.

Ở vai trò là nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cá nhân và người tiêu dùng, chúng ta có thể yêu cầu sản phẩm sử dụng phải có đóng góp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Điều này có nghĩa là những công ty không theo đuổi các mục tiêu bền vững sẽ phải đối mặt với doanh thu suy giảm và bị hạn chế các cơ hội trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

1 BÌNH LUẬN

  1. “Công nghệ sạch” không chỉ có nghĩa là làm ra sản phẩm dịch vụ sạch trên cơ sở công nghệ hiện đai. Nhiều khi không cần đao to búa lớn, vốn khủng tiền to, chỉ cần quay trở về công nghệ truyền thống cũng là đủ để đáp ứng yêu cầu sạch, an toàn và chất lượng cho xã hội và người tiêu dùng . Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là cần có những “Con người sạch”, có tư tường/ tư duy làm ăn sạch sẽ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới