Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến DN tư nhân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến DN tư nhân

Thanh Thương

Các đại biểu đang trao đổi bên lề hội thảo “đường đến Việt Nam”. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG online) – Là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số trong nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân là môi trường màu mỡ để nhà đầu tư nước ngoài có thể rót vốn. Tuy vậy, bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng cần những thay đổi để thích nghi với sự phát triển kinh tế toàn cầu.

Đó là nhận định của đa số các diễn giả trong hội thảo “Đường đến Việt Nam” do Công ty chứng khoán SSI tổ chức sáng ngày 11-11.

Tăng trưởng của doanh nghiệp tư nhân gấp 4 lần GDP

Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp thì cho đến 2010, cả nước có 540.000 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ có hơn 7.000 doanh nghiệp, trong khi số lượng doanh nghiệp tư nhân chiếm số lượng rất lớn với hơn 530.000 doanh nghiệp.

Từ năm 2000 đến 2010 quy mô các doanh nghiệp tư nhân đã tăng gấp 9 lần, vốn bình quân từ mức 900 triệu của năm 2000 đã lên đến 9 tỉ vào năm 2010. Doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP vào năm 2006 và đến 2010, con số này ước tính khoảng 48%. Khối doanh nghiệp này cũng tạo việc làm cho 51% lao động trong toàn xã hội. “Sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân vẫn đang càng ngày càng mạnh hơn, và đó là cơ hội đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các quỹ đầu tư quốc tế”, ông Muôn nhấn mạnh.

Ông Thomas Tobin, Tổng giám đốc của ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng trong khi tăng trưởng GDP của Việt Nam trung bình mỗi năm ở mức 7% thì các doanh nghiệp tư nhân có tốc độ tăng trưởng tốt hơn rất nhiều, trung bình cao hơn 4 đến 5 lần so với mức tăng trưởng của GDP. Vì vậy, với việc chi phí vốn tăng cao trong năm nay, cùng với những yếu tố vĩ mô chưa thực sự khởi sắc thì sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân là rất đáng quan tâm.

Bà Lê Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ SSI cho biết kể từ khi đất nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân hoạt động, cụ thể là cho ra đời Luật doanh nghiệp thì đã giúp cho nền kinh tế phát triển năng động hơn, quy mô của doanh nghiệp tăng nhanh theo từng năm. Và chính khu vực kinh tế tư nhân là hoạt động hiệu quả hơn cả.

Cụ thể là chỉ số ICOR, (đo lường hiệu quả đầu tư, tính trên lượng vốn cần tăng thêm, ICOR càng cao đồng nghĩa với hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế càng thấp) trong năm 2010 của doanh nghiệp tư nhân chỉ là 4,77%, trong khi các khu vực khác như nhà nước và đầu tư nước ngoài đều trên 12%. Với 1 tỉ đồng vốn thì doanh nghiệp tư nhân có thể tạo ra 1,8 tỉ đồng, trong khi doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài chỉ có thể tạo ra 0,8 tỉ đồng. (Chỉ số ICOR, dùng đo lường hiệu quả đầu tư, tính trên lượng vốn cần tăng thêm, ICOR càng cao đồng nghĩa với hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế càng thấp).

Trong khi đó, ông Marco Breu, giám đốc quản lý quan hệ đối tác của McKinsey.Co, Hà Nội cho rằng với tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại thì việc đầu tư ngắn hạn vào Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro do tăng trưởng tín dụng khá nóng, cùng với dự trữ ngoại tệ không cao khiến tỷ giá hối đoái có nhiều bất ổn, và các vấn đề khác. Tuy vậy, nếu nhìn trong dài hạn, việc đầu tư vào các doanh nghiêp là có thể tạo ra lợi nhuận tốt do sự tăng trưởng của các doanh nghiệp này khá ấn tượng trong thời gian qua.

Nên hỗ trợ nhiều hơn cho DN tư nhân

Điều còn đáng băn khoăn với doanh nghiệp tư nhân, theo bà Hằng là hiện tại quy mô vốn của doanh nghiệp tư nhân còn thấp, 85% doanh nghiệp tư nhân có vốn dưới 5 tỉ đồng với dưới 50 lao động. Nhiều doanh nghiệp còn do gia đình quản lý, vì vậy chiến lược phát triển dài hạn còn kém, công nghệ cũ kỹ, lạc hậu. Khi xảy ra khủng hoảng thì những hạn chế trên khiến cho doanh nghiệp tư nhân dễ bị tổn thương.

Thêm vào đó, bà Hằng cho rằng sự hội nhập quốc tế ngoài việc tạo ra môi trường rộng hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân thì sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt hơn cho các doanh nghiệp tư nhân khi các tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam ngày càng nhiều. Các chính sách đãi ngộ dành cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp giữ vai trò độc quyền của chính phủ cũng gây sức ép không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

Hiện tại, vì khó tiếp cận vốn ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp đã lên niêm yết tại các sàn chứng khoán, điều này giúp doanh nghiệp có thể thu hút được vốn qua kênh trái phiếu, cổ phiếu và hoạt động mua bán, sáp nhập ngày càng nhiều cũng đang cải thiện năng lực của doanh nghiệp tư nhân.

Ông Thomas Tobin cho rằng Việt Nam nên có những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho loại hình doanh nghiệp này để mang lại giá trị thăng dư cao hơn nữa trong tương lai. Và điều cụ thể cần làm là cải thiện các yếu tố vĩ mô như lạm phát, thâm hụt ngân sách, tỷ giá, nhập siêu, những điều này sẽ tạo ra môi trường hoàn thiện hơn cho các doanh nghiệp phát triển.

Theo ông Marco Breu vần đề Việt Nam cần lưu ý là năng suất lao động. Hiện tại năng suất lao động vẫn tăng nhưng chưa phù hợp với mức tăng GDP. Đây là một yếu tố quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững, vì Việt Nam không thể chỉ dựa vào lợi thế lao động giá rẻ mãi được.

Nhìn nhận về doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam, ông Jose Isido Camacho, Phó chủ tịch của Tập đoàn Credit Suisse khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào doanh nghiệp tư nhân, vì vậy nên mở luồng vốn nước ngoài và tạo điều kiện tốt hơn để họ dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn và ban hành các chính sách phù hợp cho sự phát triển của khối doanh nghiệp này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới