Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà khai thác vàng lớn nhất thế giới Newmont chi 19 tỉ đô la thâu tóm đối thủ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tập đoàn khai thác vàng Newmont Corp. (Mỹ) vừa đạt được thỏa thuận trị giá 28,8 tỉ đô la Úc (19,2 tỉ đô la Mỹ) để thâu tóm đối thủ Newcrest Mining (Úc). Thỏa thuận này sẽ củng cố vị thế của Newmont với tư cách nhà khai thác vàng lớn nhất thế giới với các mỏ nằm rải khắp châu Mỹ, châu Phi, Úc và Papua New Guinea.

Thương vụ thâu tóm Newcrest sẽ giúp Newmont củng cố vị thế nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters

Financial Times đưa tin hôm 15-5, hội đồng quản trị của Newcrest, nhà sản xuất lớn thứ tám thế giới, đã bỏ phiếu nhất trí với đề nghị thâu tóm trị giá 28,8 tỉ đô la Úc của Newmont. Giao dịch sẽ dựa vào hoán đổi cổ phiếu. Theo đó, các cổ đông của Newcrest sẽ nhận được 0,4 cổ phiếu của Newmont cho mỗi cổ phiếu mà họ sở hữu ở Newcrest. Giá cổ phiếu của Newmont đang giao dịch ở mức 45,94 đô la Mỹ.

Thỏa thuận trên còn cần sự đồng ý của cổ đông của hai bên cũng như sự phê duyệt của các cơ quản quản lý liên quan bao gồm Ủy ban thẩm định đầu tư nước ngoài của Úc (FIRB).

Nếu mọi thứ suôn sẻ, đây là là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp khai thác vàng của thế giới, vượt qua thương vụ Newmont mua lại đối thủ Goldcorp với giá 10 tỉ đô la vào năm 2019.

Thương vụ sẽ củng cố các hoạt động của Newmont ở Úc, Canada và Papua New Guinea. Đồng thời, có khả năng gây ra hiệu ứng lan rộng trong ngành công nghiệp khai thác vàng với các mỏ vàng nhỏ hơn của các công ty khai khoáng bị thâu tóm.

Đây cũng là ví dụ nhất về làn sóng thâu tóm trong ngành công nghiệp khai mỏ toàn cầu khi các công ty lớn tìm cách mua lại các đối thủ nhỏ hơn nhằm mở rộng quy mô và tiếp cận các trữ lượng khoáng sản cần thiết cho tiến trình chuyển đổi năng lượng. Newcrest sở hữu các mỏ vàng và đồng quan trọng ở Úc, Canada và Papua New Guinea. Đồng là kim loại cần thiết cho tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch vì kim loại này được sử dụng nhiều trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và xe điện. Nhu cầu đồng hàng năm của toàn cầu sẽ tăng lên 36,6 triệu tấn vào năm 2031, nhưng nguồn cung dự kiến chỉ khoảng 30,1 triệu tấn, dẫn đến mức hụt 6,5 triệu tấn vào đầu thập niên tới, theo hãng tư vấn quản lý McKinsey & Co.

Sau khi thương vụ trên hoàn tất, sản lượng khai thác vàng hàng năm của Newmont sẽ tăng lên mức 8 triệu ounce mỗi năm, cao gần gấp đôi so với đối thủ xếp ngay sau đó, Barrick Gold Corp. (Canada).

Động thái mua lại Newcrest của Newmont cũng cho phép tập đoàn này mở rộng mảng khai thác đồng. Newmont cho biết sản lượng đồng của công ty ở Úc và Canada sẽ tăng lên mức gần 175.000 tấn mỗi năm sau khi hoàn tất thâu tóm Newcrest.

Newmont tiếp cận Newcrest lần đầu tiên vào tháng 2 với lời đề nghị mua lại trị giá 17 tỉ đô la hoàn toàn bằng cổ phiếu nhưng bị từ chối. Đến tháng 4, Newmont nâng giá trị chào mua lên mức 29,4 tỉ đô la Úc. Giá trị thương vụ giảm xuống vào ngày hội đồng quản trị của Newcrest nhất trí thỏa thuận là do giá cổ phiếu của Newmont giảm trong hai tháng qua.

Tom Palmer, CEO của Newmont, nhận định thương vụ thâu tóm sẽ tạo ra giá trị đặc biệt lớn cho các cổ đông. “Thương vụ tạo ra một danh mục sản xuất vàng và đồng đã được xây dựng trong nhiều thập niên và dẫn đầu ngành”, Palmer nói.

“Giao dịch này sẽ kết hợp hai trong số các nhà sản xuất vàng hàng đầu thế giới, mang lại giá trị đáng kể cho các cổ đông của Newcrest”, Chủ tịch Newcrest, Peter Tomsett, cho biết trong tuyên bố.

Các công ty khai thác vàng trên toàn thế giới đang đối mặt với viễn cảnh đình trệ sản xuất do các trữ lượng vàng tiềm năng ngày càng khó khai thác hơn và chi phí đầu vào gia tăng. Điều đó được xem là chất xúc tác cho nhiều vụ sáp nhập và thâu tóm hơn khi các công ty trong ngành tìm cách tăng quy mô để nâng cao hiệu quả sản xuất. “Rất nhiều công ty khai thác vàng đang săn lùng các tài sản sẳn sàng bán”, Daniel Morgan, nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Barrenjoey, nói.

Thương vụ trên chốt khi giá vàng trên thị trường thế giới đang tiến sát mức cao kỷ lục. Ngân hàng ANZ nhận định các vấn đề của ngành ngân hàng Mỹ, khả năng dừng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng như bất ổn xung quanh trần nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới giúp củng cố vai trò trú ẩn tài sản an toàn của vàng.

 Theo Financial Times, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới