Nhà máy bia, đường tính chuyện sản xuất nhiên liệu sinh khối
Lan Nhi
![]() |
Tại một nhà máy sản xuất bia bằng năng lượng tái tạo của Heineken. |
(TBKTSG Online) – Sau 11 nhà máy đường dùng bã mía để làm nhiên liệu sinh khối (biomass) phục vụ sản xuất và bán điện lên lưới quốc gia, đến lượt các nhà máy bia chính thức tham gia vào việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo này.
Trao đổi với TBKTSG Online cuối tuần trước, ông Matthew Wilson, Giám đốc đối ngoại Heineken Việt Nam, cho biết hiện 4/6 nhà máy sản xuất của hãng bia này tại Việt Nam đã vận hành bằng năng lượng sinh học và sinh khối, đảm bảo 100% nhu cầu nhiệt năng cho quá trình sản xuất bia. Dự kiến đến năm 2019, hai nhà máy còn lại của Heineken sẽ sử dụng năng lượng sinh khối, đảm bảo cho việc tất cả các nhà máy tại Việt Nam của doanh nghiệp sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất.
Bằng cách bao tiêu, thu mua trấu của người dân tại các vùng sản xuất và các vùng khác, Heineken đã bỏ ra khoảng 1,5 triệu đô la Mỹ/năm tại bốn nhà máy để sử dụng nguồn nguyên liệu trấu đầu vào đốt các nồi hơi tạo nhiệt, nấu bia trong quá trình sản xuất. Việc sử dụng nhiên liệu sinh học theo cách này vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất so với đốt gỗ, củi, lại giảm được 38% lượng khí thải C02 so với năm 2015.
Trước Heineken, có đến 44 nhà máy sản xuất đường trong cả nước sử dụng phụ phẩm nguồn bã mía tại chỗ vào làm nhiên liệu phục vụ cho sản xuất. Nhiều nhà máy trong số này tính đến bước tiếp theo là triển khai các dự án phát triển năng lượng tái tạo bằng cách đầu tư các dự án sản xuất điện từ nguồn sinh khối nhằm tạo thêm giá trị gia tăng và lợi nhuận cho dự án. Nhưng đến nay, mới có 11 nhà máy đường sản xuất được điện từ nguồn nhiên liệu sinh khối, đạt tổng công suất lắp đặt 351.6 MW. Và trong số này, tính đến đầu năm 2017 có gần 100 MW đang được nối lưới và hưởng giá điện ở mức 5,8 cent Mỹ/kWh.
Mức giá tính cho các dự án sinh khối đồng phát nhiệt điện như vậy, theo đánh giá của các chủ đầu tư dự án điện sinh khối từ bã mía là thấp. Vì giá điện sinh khối từ trấu, bã mía hiện được mua với giá hơn 7 cent Mỹ/kWh. Tuy nhiên, Heineken chưa tính bước tiếp theo là sản xuất điện từ trấu và bán lên lưới của EVN.
Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), ở Việt Nam có hơn 80 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp có nhiều nguồn năng lượng sinh khối cho sản xuất năng lượng nhưng hiện chỉ có một phần rất nhỏ sinh khối, chiếm 1% tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở Việt Nam được sử dụng cho sản xuất năng lượng.
Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2030 có 2% điện được cung cấp từ nguồn điện sinh khối và ngày càng có nhiều dự án sản xuất công nghiệp, nông nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo là đầu vào sản xuất.
Mời xem thêm: