Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà máy lọc dầu Cần Thơ: chờ và chờ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà máy lọc dầu Cần Thơ: chờ và chờ

Lệ Hương

(TBKTSG) – Từng rất kỳ vọng về dự án nhà máy lọc dầu ở Cần Thơ sẽ hoạt động vào năm 2010, nhưng sau hai năm chờ đợi, phía chính quyền thành phố Cần Thơ đã tỏ vẻ lo lắng về tiến độ triển khai. Bởi đến giờ, mặt bằng nhà máy vẫn chưa có!

Thiếu vốn

“Đôi lúc nhà đầu tư không nhất thiết phải có vốn, mà chỉ cần có ý tưởng”, ông Nguyễn Văn Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Viễn Đông, đại diện chủ đầu tư nhà máy lọc dầu Cần Thơ phát biểu như vậy, tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng hồi tuần rồi. Một câu nói nhằm biện bạch cho khả năng tài chính hạn hẹp của chủ đầu tư khiến dự án này sau hai năm được cấp giấy phép, vẫn chưa triển khai được bao nhiêu. Thực tế trong hai năm qua, hoạt động chính của Viễn Đông vẫn là tìm đối tác, hay nói chính xác là tìm nguồn vốn để thực hiện dự án.

Và tuần rồi, chính ông Trần Thanh Cần, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) thành phố Cần Thơ, cũng thừa nhận: “Tôi có cảm giác bất an về vốn đầu tư của dự án này!”.

Nhà máy lọc dầu Cần Thơ được chủ đầu tư đề xuất từ năm 2004. Đến năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho nhà đầu tư lập dự án trình cấp thẩm quyền phê duyệt và đến tháng 5-2008, UBND thành phố Cần Thơ đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này.

Theo đề xuất, nhà máy đặt tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, có công suất hai triệu tấn dầu thô/năm, vốn đầu tư là 538 triệu đô la Mỹ, trong đó Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Viễn Đông góp 161,4 triệu đô la Mỹ (khoảng 30% vốn), còn lại là của Công ty Semtech Limited (Mỹ).

Tuy nhiên, vào tháng 7-2009, chủ đầu tư dự án xin điều chỉnh diện tích đất xây dựng nhà máy từ 250 héc ta xuống còn 50 héc ta và vốn đầu tư giảm xuống chỉ còn 350 triệu đô la Mỹ. Lý do mà phía chủ đầu tư đưa ra là đã điều chỉnh dây chuyền công nghệ của nhà máy, sau khi tham quan thực tế tại Trung Quốc.

Và đến đầu tháng 11-2009, Viễn Đông thông báo rằng Semtech khó khăn về vốn. Theo ông Đức, chỉ một tháng sau khi có giấy phép đầu tư, thị trường dầu thô trên thế giới biến động bất thường. Giá dầu thô từ 67 đô la Mỹ/thùng hồi tháng 6-2008 đã tăng dần đến cuối năm 2008 là 147 đô la Mỹ/thùng, kéo theo sự phá sản hàng loạt doanh nghiệp ở Mỹ. Và tháng 12-2008, chủ tịch HĐQT Semtech đột ngột qua đời gây thêm nhiều khó khăn. Chính vì thế, phía Semtech cho phép Viễn Đông tìm đối tác thay thế. Semtech bị loại bỏ khỏi liên doanh và sắp tới, Viễn Đông sẽ cùng với tập đoàn Hoa Việt và một công ty thành viên của tập đoàn này, tái cấu trúc nguồn vốn với 100% vốn trong nước để tiếp tục thực hiện dự án.

Nhưng chính Viễn Đông, dù cam kết sẽ góp 30% vốn bằng tiền mặt, rốt cuộc sẽ lại là vốn đi vay! Do đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã quyết định lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ những vấn đề xung quanh dự án này, sau đó báo cáo lãnh đạo Bộ KH-ĐT để có phương án giải quyết.

Mong manh!

Sau khi đổi đối tác là tập đoàn Hoa Việt cùng một công ty thành viên, phía Viễn Đông hứa hẹn rằng, nhà thầu (không nằm trong liên doanh) của dự án là Công ty Sumec (Trung Quốc) sẽ ứng 80% vốn đầu tư và cho trả chậm trong năm năm, với lãi suất 5%/năm mà không đòi hỏi phải có sự bảo lãnh từ phía Chính phủ Việt Nam.Chỉ có điều, theo Sở KH-ĐT Cần Thơ, đến giờ này vẫn chưa có dấu hiệu khả quan nào về nguồn vốn thực hiện từ phía các chủ đầu tư. Do đó, Sở KH-ĐT Cần Thơ cho biết, nếu đến cuối tháng 6-2010, chủ đầu tư nhà máy lọc dầu Cần Thơ không chứng minh được tính khả thi về nguồn vốn thực hiện, thì sở sẽ trình UBND thành phố xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Bởi đơn giản, nếu Sumec cho vay 80% vốn đầu tư như dự kiến, thì chính phía chủ đầu tư cũng phải có 20% vốn đối ứng, tức khoảng 70 triệu đô la Mỹ (khi vốn đầu tư giảm chỉ còn 350 triệu đô la Mỹ). Trong khi đó, hồi tháng 11- 2009, sau khi UBND thành phố Cần Thơ đồng ý giảm diện tích đất từ 250 héc ta xuống còn 50 héc ta theo đề xuất, thì phía Viễn Đông cũng không có kinh phí để ứng tiền đền bù giải tỏa, theo tính toán ít nhất vào khoảng 150 tỉ đồng.

Nhằm trấn an rằng dự án vẫn sẽ triển khai và có cơ sở để hoạt động tốt, phía Viễn Đông đưa ra chi tiết rằng tập đoàn Vitol Singapore đã sẵn sàng cung ứng dầu thô dài hạn, dự kiến là dầu Bintulu của Malaysia, cho nhà máy lọc dầu Cần Thơ. Kèm theo đó là thỏa thuận hỗ trợ vốn từ Sumec, thời gian cung cấp thiết kế kỹ thuật cơ sở dự án từ Sumec và Hec (Trung Quốc)… Tuy nhiên, đó chỉ mới là bản ghi nhớ!

Những động thái từ phía lãnh đạo thành phố Cần Thơ cho thấy sự kỳ vọng vào nhà đầu tư đã giảm dần. Nhưng theo ông Cần, dù phía Viễn Đông có thực hiện dự án hay không thì quy hoạch nhà máy lọc dầu vẫn được giữ nguyên và có thể mời gọi nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, ưu tiên lúc này vẫn là tiếp tục chờ phía Viễn Đông chứng minh nguồn vốn và tìm đối tác thích hợp, có khả năng tài chính để tiếp tục thực hiện dự án.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới