Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà máy nước Kênh Đông: bế tắc việc thi công ống dẫn nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà máy nước Kênh Đông: bế tắc việc thi công ống dẫn nước

Văn Nam

Nhà máy nước Kênh Đông, huyện Củ Chi, TPHCM trong giai đoạn thi công – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Nhà máy nước Kênh Đông tại huyện Củ Chi, TPHCM công suất 200.000 m3/ngày đã xây dựng xong, thế nhưng chuyện phát nước của nhà máy này đang gặp bế tắc do thiếu ống dẫn nước từ nhà máy về Nhà máy nước Tân Hiệp để hòa vào mạng lưới cấp nước của thành phố, cung cấp cho người dân.

Trao đổi với TBKTSG Online chiều nay 12-1, ông Hà Văn Sang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Kênh Đông (chủ đầu tư), cho biết theo thiết kế được duyệt, ban đầu, tuyến ống dẫn nước dài 8 km sẽ được thi công từ nhà máy, chạy dọc theo kênh Thầy Cai về nhà máy nước Tân Hiệp.

Thế nhưng, khi chuẩn bị lắp đặt tuyến ống thì UBND huyện Củ Chi ra thông báo ngưng thực hiện vì kênh Thầy Cai sẽ được mở rộng theo quy hoạch.

Sau đó, chủ đầu tư điều chỉnh lại hướng đi của tuyến ống, theo đó, sẽ có khoảng 1,8 km ống đi qua phần đất của Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc (chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Phú Trung) để nối vào đường D4 của khu công nghiệp này dẫn về nhà máy nước Tân Hiệp.

Thế nhưng, đến tháng 3-2008, Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc đã có văn bản không đồng ý việc thi công tuyến ống nối vào đường D4. Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố triển khai phương án đưa toàn bộ tuyến ống ra khỏi khu công nghiệp vì vướng một dự án sân gôn, mặc dù dự án sân gôn được cấp phép sau, ông Sang cho hay.

Ông Sang giải thích, nếu không thi công được đường ống dẫn nước, nhà máy nước Kênh Đông sẽ bị “vô hiệu hóa”.

Hiện tại, mỗi tháng Công ty cổ phần cấp nước Kênh Đông phải trả khoản lãi vay ngân hàng cho dự án lên đến 4,5 tỉ đồng, nếu các cơ quan chức năng không sớm can thiệp để dự án càng kéo dài, khoản nợ ngân hàng mà công ty phải gánh chịu sẽ ngày càng tăng cao.

Theo ông Sang, do thời gian phát nước đã gần kề, dự kiến vào tháng 6 năm nay nên công ty buộc phải tính đến phương án thi công tuyến ống không đi qua khu công nghiệp, nhưng buộc phải băng qua phần đất của 37 hộ dân xã Tân Thông Hội khiến cho chiều dài tuyến ống tăng lên, tăng mức chi phí đầu tư so với dự kiến ban đầu.

“Tuy nhiên, việc thi công qua phần đất của 37 hộ dân tiếp tục gặp khó khăn do vướng chuyện đền bù, nhiều hộ dân không chấp nhận vì đất họ đang là ao nuôi cá, nuôi tôm khiến việc thi công đường ống dẫn nước đến giờ dường như rơi vào bế tắc”, ông Sang cho biết.

Để giải quyết khó khăn, Công ty cổ phần cấp nước Kênh Đông cũng đã có kiến nghị lên UBND thành phố nhờ can thiệp, yêu cầu Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc chấp thuận cho thi công đường ống qua phần đất khu công nghiệp, nhưng phản hồi từ phía UBND thành phố là chủ đầu tư nhà máy nước nên thỏa thuận với Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc về việc thi công tuyến ống.

“Tuần rồi, chúng tôi tiếp tục có văn bản gửi Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc và các ngành chức năng đề nghị được phép thi công tuyến ống qua khu công nghiệp, và đến nay, chúng tôi lại phải  tiếp tục… chờ đợi”, ông Sang nói.

Dự án nhà máy nước Kênh Đông khởi công xây dựng vào tháng 4-2008 có công suất xử lý 200.000 m3/ngày với tổng vốn đầu tư đến nay đã tăng trên 450 tỉ đồng.

Nhà máy này sẽ dành khoảng 150.000 m3 hòa vào mạng cấp nước của nhà máy nước Tân Hiệp để cung cấp nước sạch cho người dân địa phương; 50.000 m3 còn lại sẽ cung cấp cho các khu công nghiệp của hai huyện Đức Hòa và Đức Huệ, tỉnh Long An.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới