Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà máy thép hay cảng trung chuyển Vân Phong?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà máy thép hay cảng trung chuyển Vân Phong?

Một góc vịnh Vân Phong – Ảnh: Vietnamnet

(TBKTSG Online) – Một sự kiện ở lĩnh vực đầu tư gây chú ý trong tháng 1 vừa qua là việc khởi công dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong bị ngưng lại mà nguyên nhân chính là do tập đoàn Posco (Hàn Quốc) – nhà sản xuất thép đứng thứ 3 thế giới, đã đề nghị đầu tư một tổ hợp nhà máy thép quy mô lớn tại vịnh Vân Phong.

Theo kế hoạch, lẽ ra Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã khởi công dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động) hôm 25-1. Thế nhưng, ngày 15-1, Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu tạm dừng.

Công văn nêu: “Về việc khởi công công trình cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn khởi động), do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu chưa khởi công để làm rõ một số vấn đề có liên quan”.

Dự án công trình cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động) đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, phê duyệt dự án đầu tư, theo đúng quy hoạch khu kinh tế Vân Phong do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 3-2005. Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong tỉnh Khánh Hòa cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này vào tháng 7-2007. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 197 triệu đô la Mỹ, dự kiến xây dựng tại vũng Đầm Môn của vịnh Vân Phong (thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh).

Dự án cảng bao gồm các hạng mục chính là hai bến tàu container dài khoảng 690m, có khả năng tiếp nhận các loại tàu biển chở từ 6.000-9.000 TEU (trên 70.000-100.000 tấn), cùng các công trình vũng quay tàu, luồng tàu, xây dựng đường giao thông…

Một trong những phương án đề xuất của Posco

Tuy nhiên, vào tháng 5-2007, Tập đoàn Posco đã ký bản ghi nhớ cùng Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) về việc phát triển tổ hợp nhà máy thép tại Vân Phong. Posco đã đề nghị dành toàn bộ khu vực trung tâm bán đảo Hòn Gốm của vịnh Vân Phong, với tổng diện tích 960 héc ta (theo sơ đồ hình bên) cho tập đoàn này đầu tư xây dựng nhà máy thép liên hợp cùng hai tổ hợp nhà máy nhiệt điện than có tổng công suất 1.100 MW.

Cuối tháng 1-2008, theo thông tin UBND tỉnh Khánh Hòa, Văn phòng Chính Phủ đã có công văn gửi UBND tỉnh Khánh Hòa và các bộ, ngành có liên quan, thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc đồng ý về chủ trương cho lập dự án nhà máy thép liên hợp Vinashin-Posco tại vị trí tiềm năng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong thuộc khu vực Hòn Ông theo qui hoạch chi tiết được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt tại quyết định số 1714/QĐ-BGTVT ngày 21/8/2006.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Vinashin thông báo và thống nhất với đối tác Posco làm việc với Bộ GTVT (cơ quan phê duyệt kế hoạch) và UBND tỉnh Khánh Hòa thỏa thuận vị trí cụ thể. Dự án phải sử dụng công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và chỉ được đầu tư một nhà máy điện tối đa 1.000 MW đủ để phục vụ vận hành nhà máy thép.

Sau khi dự án được thành lập và thẩm định bảo đảm khả thi, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh quy hoạch chung vịnh Vân Phong và giao Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong.

Vịnh Vân Phong nằm ở Đông Bắc tỉnh Khánh Hòa, hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan đẹp, khí hậu ôn hòa, có điều kiện để trở thành vùng du lịch sinh thái. Vịnh nằm gần ngã ba các tuyến hàng hải tấp nập trên thế giới như tuyến châu Âu – Bắc Á, châu Úc – Đông Bắc Á và Đông Bắc Á – Đông Nam Á. Với độ sâu tự nhiên 20-25m và không bị sa bồi, kín gió vì được bán đảo Hòn Gốm và nhiều đảo che chắn, vịnh Vân Phong còn là một nơi lý tưởng cho ngành hàng hải.

Nếu được phê duyệt, dự án Nhà máy thép của Posco tại Vân Phong được xem là dự án lớn nhất hiện nay về sản xuất thép được đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 11,5 tỉ đô la Mỹ, được chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1 là 3,5 tỉ đô la Mỹ, giai đoạn 2 là 8 tỉ đô la Mỹ).

Song song với việc chấp thuận cho lập dự án thép liên hợp Vinashin-Posco, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Vinalines tiến hành khởi công hai bến khởi động dự án cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong để bảo đảm tiến độ dự án. Nhưng trên thực tế, quy hoạch của dự án sản xuất thép thuộc Tập đoàn Posco tại Vân Phong có một phần trùng với dự án cảng trung chuyển container quốc tế đã được quy hoạch trước đó.

Từ khi dự án thép của Posco xin được đầu tư tại Vân Phong đã gây ra nhiều sự tranh cãi trong dư luận. Sự tranh cãi không chỉ vì sản xuất thép sẽ làm ô nhiễm môi trường ở một vịnh nước sâu có một không hai trên thế giới như Vân Phong mà còn phá vỡ quy hoạch tổng thể đã được Chính phủ phê duyệt là “khu kinh tế tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, các ngành kinh tế khác và xây dựng đô thị”.

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, hiện trong các bộ, ngành và địa phương có ý kiến đồng tình nhưng cũng có ý kiến không đồng tình trong việc phát triển dự án khu liên hợp nhà máy thép thay cho cảng trung chuyển quốc tế. Vì vậy mời bạn đọc cùng tham gia bình luận, phản biện, ghi lại ý kiến của mình vào box đặt ở bên dưới. 

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới