Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà máy Toàn Phát được đánh giá cao, ‘điểm nghẽn’ thị trường chiếu xạ dần được tháo gỡ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà máy Toàn Phát được đánh giá cao, ‘điểm nghẽn’ thị trường chiếu xạ dần được tháo gỡ

Trung Chánh

(KTSG Online) – Chuyên gia của Cục Kiểm dịch thực vật Mỹ (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã sang kiểm tra thực địa nhà máy chiếu xạ của Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát. Chương trình dự kiến kéo dài đến ngày 2-4, nhưng bước đầu các chuyên gia của APHIS đánh giá cao nhà máy của Toàn Phát. Đây có thể là một bước tiến trong việc tháo gỡ "điểm nghẽn" trên thị trường chiếu xạ tại Việt Nam.

Chiếu xạ trái cây đi Mỹ: Toàn Phát 'phá thế' độc quyền của Sơn Sơn

Nhà máy Toàn Phát được đánh giá cao, 'điểm nghẽn' thị trường chiếu xạ dần được tháo gỡ
Chiếu xạ và kiểm dịch chất lượng trái vải tươi xuất sang Úc. Ảnh minh họa: TTXVN

Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn Online, ông Vương Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát xác nhận, các chuyên gia của APHIS đã chính thức sang kiểm tra thực địa nhà máy (tại tỉnh Long An) từ ngày 31-3-2021, tức kiểm tra xem nhà máy có đủ điều kiện thực hiện chiếu xạ hay có thiếu sót gì không.

“Hai ngày còn lại (tức ngày 1 và 2-4 – PV), sẽ thực hiện chiếu mẫu để phía Mỹ lấy dữ liệu và phân tích nhằm xác định nguồn của mình có đủ điều kiện để chiếu không”, ông Hiếu cho biết và thông tin, bước đầu các chuyên gia của Mỹ đánh giá cao nhà máy chiếu xạ của đơn vị này.

Theo ông Hiếu, sau khi chiếu mẫu, dữ liệu sẽ được gửi về Mỹ và trong vòng một tuần sẽ đọc và thông báo kết quả. “Nếu "ok" (tức việc chiếu xạ mẫu đáp ứng yêu cầu của Mỹ – PV), thì bao giờ mình muốn lấy giấy chứng nhận là việc của mình”, ông nói và cho rằng, tháng 9-2021 sẽ thực hiện chiếu lô đầu tiên, thì đúng theo chương trình, tháng 9-2021, họ sẽ trao giấy chứng nhận.

Với việc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát được phía Mỹ cho phép tham gia vào chương trình chiếu xạ trái cây đi thị trường Mỹ cũng đồng nghĩa chương trình này đã không còn là sự độc quyền của riêng Công ty cổ phần chế biến thuỷ hải sản Sơn Sơn – đơn vị quản lý Nhà máy Chiếu xạ Sơn Sơn.

Đoàn chuyên gia Mỹ kiểm tra thực địa nhà máy chiếu xạ Toàn Phát. Ảnh: Vương Hiếu.

Vì sao Sơn Sơn độc quyền chiếu xạ trái cây xuất khẩu đi thị trường Mỹ?

Theo quy định, một nhà máy chiếu xạ để được cấp mã số và cho phép thực hiện chiếu xạ trái cây xuất khẩu đi Mỹ phải trải qua thủ tục 3 bước.

Sau khi doanh nghiệp xây dựng nhà máy chiếu xạ, bước thứ nhất, là được Cục Bảo vệ thực vật cấp phép; thứ hai, phải có cam kết về vấn đề tài chính với Công ty cổ phần Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn nhằm mục đích chi trả các chi phí cho việc APHIS cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra, quản lý chương trình chiếu xạ; thứ ba, APHIS sang đánh giá và cấp phép cho nhà máy nếu đủ tiêu chuẩn chiếu xạ.

Tuy nhiên, ông Hiếu tiết lộ rằng, nhà máy chiếu xạ của đơn vị này đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp phép từ lâu, tức đã hoàn thành xong bước thứ nhất. Thế nhưng, sang bước cam kết tài chính với Sơn Sơn lại không thành công vì đơn vị này “không chấp nhận để Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát cùng tham gia vào chương trình”.

Việc một nhà máy chiếu xạ muốn tham gia cung cấp dịch vụ phải được Sơn Sơn đồng ý bắt nguồn từ năm 2006-2007, khi Việt Nam bắt đầu tham gia vào chương trình chiếu xạ đưa trái cây vào Mỹ. Lúc đó, kinh phí của nhà nước không có, muốn tham gia thì doanh nghiệp phải trả các chi phí liên quan đến công tác kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm dịch từng lô hàng trước khi xuất khẩu.

“Thời điểm đó, Sơn Sơn đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm này, tức đại diện cho chuỗi cung ứng của Việt Nam để làm việc với phía Mỹ, dù chương trình chiếu xạ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Mỹ ký kết”, ông Hiếu giải thích.

Do Sơn Sơn đứng ra chịu trách nhiệm cam kết tài chính với Mỹ nên đơn vị này được công nhận là “Cooperator”. Điều 2.3 của Irradiation Operational Work Plan (Bản kế hoạch hoạt động chiếu xạ) định nghĩa Cooperator là đơn vị được công nhận chính thức đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà đóng gói, và các cơ sở chiếu xạ tại Việt Nam để ký kết kế hoạch tài chính với APHIS.

“Phía Mỹ không đi thu phí từng đơn vị mà thông qua đại diện là Sơn Sơn. Do vậy, khi một đơn vị bất kỳ nào muốn tham gia vào chương trình chiếu xạ trái cây đi Mỹ, thì phải có công văn gửi đến Sơn Sơn với cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong chương trình này”, ông Hiếu giải thích.

Trước đây Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát đã nhiều lần gởi công văn cho Sơn Sơn, nhưng đơn vị này vẫn không đồng ý cho Toàn Phát tham gia chương trình.

Trước sự việc nêu trên, theo ông Hiếu, phía Mỹ đã thay đổi cách nhìn: APHIS đã công nhận thêm Toàn Phát là "Cooperator" thứ 2 tại Việt Nam, tức thay vì phải đạt thoả thuận tài chính với Sơn Sơn, thì Toàn Phát được quyền ký thỏa thuận trực tiếp với phía Mỹ. "Đây cũng là điểm mới, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khác khi muốn tham gia vào chương trình chiếu xạ trái cây xuất khẩu đi Mỹ”, ông Hiếu cho biết.

Cần sự thay đổi để tạo tín hiệu tích cực cho thị trường

Liên quan việc xuất khẩu trái cây sang thị trường Mỹ, báo cáo của Tổng cục hải quan cho thấy, trong tháng 1-2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt gần 13,2 triệu đô la Mỹ, giảm 19,2% so với tháng 12-2020, nhưng tăng 20,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong tháng đầu năm nay chiếm 4,26% tỷ trọng xuất rau quả toàn ngành trong khoảng thời gian này.

Riêng trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Mỹ đạt gần 169 triệu đô la Mỹ, tăng 12,5% so với cùng kỳ, chiếm 5,16% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường trong năm ngoái.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, mức giá chiếu xạ trái cây xuất khẩu hiện nay ở Việt Nam là khoảng 1 đô la Mỹ/kg, cao gấp đôi nếu so với Thái Lan. Các số liệu thống kê gần đây cho thấy, chỉ riêng thị trường Mỹ, sản lượng trái cây qua chiếu xạ xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 20.000 tấn/năm.

Như vậy có thể thấy, chiếu xạ trái cây là một lĩnh vực kinh doanh có tiềm năng phát triển tại Việt Nam, tuy nhiên, khi ở thế độc quyền như bấy lâu nay, nhà cung cấp dịch vụ chiếu xạ có thể đưa ra mức giá không theo quy luật của thị trường.

Trường hợp chi phí chiếu xạ tại thị trường Việt Nam cao hơn nước khác (thực tế đã xảy ra như nêu trên), phần nào làm cho giá thành sản phẩm của nông sản Việt bị đội lên, qua đó, cũng làm giảm đi sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Chính điều này, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã từng kiến nghị Chính phủ kêu gọi đầu tư thêm nhà máy chiếu xạ và khuyến khích nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia lĩnh vực này để khai thông điểm nghẽn trong xuất khẩu.

Theo đà tăng trưởng trong việc xuất khẩu trái cây (nông sản) vào Mỹ nói riêng và tại những thị trường có yêu cầu chiếu xạ khác nói chung, việc có thêm doanh nghiệp chiếu xạ tham gia như nêu trên đã phần nào giải quyết được "điểm nghẽn" độc quyền, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây có thêm sự lựa chọn đối tác cung cấp dịch vụ chiếu xạ để thỏa mãn và tối ưu hóa lợi ích của chính mình.

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới