Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà nông vất vả lo chống hạn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà nông vất vả lo chống hạn

Trong ảnh là một con kênh dẫn nước giữa đồng ruộng chỉ còn lại vài vũng nước cho bò uống giữa cánh đồng khô nứt nẻ tropng đợt hạn 2005 ở huyện Cư M’gar, Dak Lak. Nông dân đang lo ngại hạn hán năm nay có khả năng lặp lại trận hạn lịch sử năm 2005 – Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Mới bước vào đầu mùa khô nhưng nông dân nhiều địa phương ở miền Trung, Tây Nguyên, Đông nam bộ đang phải vật lộn với tình hình hạn hán đang đe dọa sản xuất nông nghiệp, báo hiệu một mùa khô khốc liệt vì tháng 5 mới là thời gian nắng nóng và khô hạn nặng nhất của mùa khô.

Bình Phước: Thợ khoan giếng tất bật

Trong cái nắng gắt gao người nông dân nhiều nơi ở Bình Phước mò mẫm, đào bới, không phải là tìm vàng như ở Quỳ Hợp, Quỳ Châu của Nghệ An mà là đang lần tìm nguồn nước tưới cho cây hồ tiêu. Nắng hạn gõ cửa từng nhà, khuấy đảo cuộc sống bình yên của bao vùng quê Bình Phước.

Ngay trung tâm xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, người dân ở hai ấp 8.B và 8.C vẫn phải từng ngày vật lộn để tìm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Đứng cạnh 2 cái giếng trơ đáy mà 60 hộ đồng bào dân tộc Stiêng vẫn dùng để lấy nước sinh hoạt bao đời nay, anh Điểu Đum, thôn 8.B cho biết: “Hai cái giếng này chưa bao giờ hết nước, nhưng năm nay từ trước tết, giếng đã cạn khô, người Stiêng chúng tôi lại phải đào giếng ở ngoài đồng”. Hiện nay xã Lộc Hòa có 4 giếng nước khoan phục vụ sinh hoạt, nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Vang, Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa: “Trong toàn xã, các hồ, giếng của người dân đã cạn, giờ dân tập trung lấy nước ở giếng sinh hoạt cộng đồng nên các giếng này không đủ để phục vụ nhu cầu”.

Một mùa khô khốc liệt đã hiện hữu, không riêng gì người dân ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, hàng trăm hộ dân ở nhiều xã của huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước cũng đang khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt trầm trọng chứ chưa nói tới nước cho cây trồng. Gần 2 tháng qua, gia đình anh Bùi Văn Hà và hơn 100 trong tổng số 240 hộ dân ở ấp 9, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp phải chắt lọc, dè sẻn từng can nước để sinh hoạt, bởi vì từ trước tết, giếng nước của các hộ dân này đã cạn khô.

Nắng hạn, cây lúa, cây hồ tiêu, cây cà phê (những loại cây cần nhiều nước tưới) được trồng nhiều ở Bù Đốp và Lộc Ninh đang có nguy cơ mất trắng. Xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, là một trong những xã trồng nhiều cây hồ tiêu nhất của tỉnh Bình Phước và chính cây hồ tiêu đã giúp biết bao gia đình nơi đây thoát khỏi đói nghèo. Nhưng năm nay, nắng hạn hoành hành, cây hồ tiêu phần thì chết, phần thì trụi lá.

“Gia đình trồng gần 3.000 nọc tiêu nhưng hai cái hồ và một cái giếng đã cạn từ trước tết, không có nước tưới nên hồ tiêu chết chỉ còn 2.000 nọc, những nọc còn sống cũng chẳng thể thu hoạch được gì. Chúng tôi giờ chỉ còn biết cầu trời cho mưa, nếu không năm nay hồ tiêu sẽ mất trắng” – Ông Nguyễn Văn Minh, ấp 8.B, xã Lộc Hòa bộc bạch. Cũng theo ông Minh, trên diện tích 1 hécta người ta trồng khoảng 2.000 nọc tiêu, hồ tiêu là loại cây rất khó chăm sóc và phải sau 4 năm mới cho thu hoạch, không tính tiền công, 1 héc ta hồ tiêu trong 4 năm phải đầu tư xấp xỉ 600 triệu đồng.

Không nỡ nhìn bao mồ hôi, tiền của chết cháy trong nắng hạn, hàng trăm hộ dân ở xã Lộc Hòa đã khoan giếng với ước mong tìm nguồn nước tưới nhưng không phải cứ khoan sâu là có nước ngầm. “Khoan hai cái giếng rồi, nhưng không có nước, vẫn cứ phải lần mò tìm kiếm nguồn nước bởi cả nhà tôi sống dựa vào diện tích hồ tiêu, năm ngoái một héc ta hồ tiêu cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm” – anh Nguyễn Hữu Chiến, tổ 3, ấp 6, xã Lộc Hòa lý giải.

Mới đầu mùa khô nhưng lại là thời gian tất bật với những thợ khoan giếng. “Dân tự tìm đến nhà thuê chúng tôi đi khoan giếng, từ đầu mùa khô đến nay có gần 50% số giếng tôi khoan không có nước, dù đã khoan sâu tới 120 mét” – anh Phạm Văn Tiếu, một thợ khoan giếng cho biết. Nông dân Bình Phước đang lo ngại đợt hạn hán lịch sử vào mùa khô năm 2005 có thể lập lại trong năm nay.

Hàng nghìn nông dân ở các xã Hưng Phước, Phước Thiện, Thanh Hòa,… huyện Bù Đốp lại đau đầu về diện tích lúa chết cháy và cây cà phê héo khô. Anh Nguyễn Văn Đua, xã Hưng Phước, huyên Bù Đốp nói: “Vì không có nước, nên gần 3 sào lúa của gia đình tôi chết sau 2 tháng kể từ ngày gieo sạ”. Xã Hưng Phước có toàn bộ 160 héc ta trồng lúa nước, nhưng nắng hạn kéo dài nên các gia đình phải ngậm ngùi đứng nhìn ruộng lúa chết từ trước tết.

Theo ông Huỳnh Huy Hoàng, Trưởng ấp 9, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp: “Chuyện thiếu nước sinh hoạt hay nước tưới cho cây lúa và cà phê đã trở thành điệp khúc trong mùa khô nhiều năm nay”.

Năm 2011, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước dự báo là năm khó khăn nhất về nguồn nước từ trước đến nay, bởi lẽ mùa mưa năm 2010, tổng lượng mưa trung bình đo được tại các trạm trên địa bàn toàn tỉnh thấp hơn mức trung bình của các năm trước năm là 200,2mm, lượng dòng chảy ở các sông suối giảm nhiều, đặc biệt là mực nước ở các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh này hiện nay còn rất thấp.

Chính quyền tỉnh Bình Phước dự kiến phải chi ra ít nhất 30 tỉ đồng để hỗ trợ nông dân chống hạn.

Tây Nguyên lo cứu cây trồng

Mới bước vào đầu mùa khô nhưng tỉnh Dak Lak đã có 1.460 héc ta cây trồng các loại bị khô hạn, có khả năng mất trắng, trong đó có 536 héc ta lúa nước, 683 héc ta bắp lai, diện tích còn lại là đậu đỗ và và cây công nghiệp các loại.

Các huyện Lắk, Krông Bông, Cư M’Gar là những địa phương có diện tích cây trồng vụ đông xuân bị khô hạn nhiều nhất. Các huyện Ea Kar, Ma Đ’Rắk đã huy động lực lượng lao động, phương tiện nạo vét các hồ đập Krông Jing, Ea Bôi, Ea M’rol, Cư Kroá để kịp thời lấy nước cứu hàng trăm héc ta lúa, cây hoa màu vụ đông xuân trên địa bàn.

Các địa phương vùng trọng điểm cây lúa nước, cây cà phê như Krông Pắk, Cư M’Gar có một số hồ, đập có trữ lượng nước còn nhiều đã hướng dẫn nông dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm và có kế hoạch cụ thể trong việc điều hòa nguồn nước hợp lý giữa tưới cây lúa nước và chống hạn cho cây cà phê không để xảy ra tình trạng tranh giành nguồn nước vốn thường diễn ra mỗi khi xảy ra hạn hán.

Còn tại Kon Tum, tính đến ngày 25/2, có gần 1.400 héc ta cây trồng bị hạn, trong đó có hàng trăm héc ta có khả năng mất trắng với thiệt hại ban đầu lên tới 62 tỉ đồng.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Kon Tum cho biết, trước tình hình hạn hán đang xảy ra khá nghiêm trọng ở các địa phương, UBND tỉnh đã xuất ngân sách 860 triệu đồng giúp 6/9 huyện, thành phố và 1 công ty để chống hạn.

HV (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới