Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà nước có thể tạo thêm xúc tác cho sự hào phóng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà nước có thể tạo thêm xúc tác cho sự hào phóng

Khánh Bình

(TBKTSG) – Những ngày vừa qua, người Việt khắp nơi trên thế giới hướng về dải đất miền Trung đang bị tàn phá nặng nề bởi lũ lụt. Chúng ta đều biết động lực của làm việc thiện có thể xuất phát từ niềm tin tín ngưỡng (tạo phúc đức), tinh thần giúp đỡ người khác, ủng hộ các tổ chức từ thiện, tạo sự khác biệt hay quảng bá hình ảnh bản thân. Nhà nước, nếu có chính sách phù hợp, sẽ làm tăng mức độ hào phóng của người làm từ thiện.

 

Nhà nước có thể tạo thêm xúc tác cho sự hào phóng
Người dân bản Còi, xã miền núi Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bơi qua suối nhận hàng cứu trợ. Ảnh: NGUYỄN DÂN

Chính sách thuế thu nhập

Để khuyến khích người dân, doanh nghiệp ủng hộ tài chính cho các hoạt động từ thiện, các quốc gia và vùng lãnh thổ đều dùng chính sách thuế thu nhập. Tuy nhiên, có hai cách tiếp cận khác nhau: xem khoản ủng hộ từ thiện là chi phí hợp lý trước thuế hay khoản giảm trừ để sử dụng hiệu ứng tấm chắn thuế, và khấu trừ từ khoản thuế thu nhập phải nộp.

Ở cách tiếp cận thứ nhất, hiệu ứng tấm chắn thuế được sử dụng và sẽ có lợi cho bên làm việc thiện nếu thuế suất thuế thu nhập ở mức cao. Ví dụ như cùng một khoản đóng góp là 100 đồng, thì tấm chắn thuế trong trường hợp thuế suất 35% là 35 đồng, và thuế suất 20% là 20 đồng. Như vậy, cá nhân hay doanh nghiệp chịu mức thuế suất cao sẽ có nhiều lợi ích hơn trong việc ủng hộ tài chính cho từ thiện, khi các điều kiện khác không đổi so với cá nhân hay doanh nghiệp khác.

Nếu kết hợp được giữa chính sách thuế thu nhập khuyến khích sự hào phóng, và sự minh bạch, đơn giản trong việc tổ chức thực hiện từ thiện thì các tổ chức dân sự sẽ chia sẻ một phần gánh nặng với Nhà nước trong các hoạt động cứu trợ xã hội.

Với cách tiếp cận thứ hai, cơ quan thuế ấn định một tỷ lệ khấu trừ thuế thu nhập phải nộp dựa trên số tiền đã ủng hộ từ thiện. Tuy vậy, sẽ có quy định mức trần số tiền được khấu trừ. Ví dụ ở Pháp hiện nay, một người ủng hộ cho một quỹ từ thiện hay hội đoàn đã được công nhận (có giấy phép được nhận ủng hộ) sẽ được khấu trừ 66% số tiền đã ủng hộ, trong giới hạn tối đa là 20% thu nhập chịu thuế. Chẳng hạn một người độc thân phải đóng thuế thu nhập là 3.144 euro/năm (thu nhập chịu thuế là 30.000 euro), đóng góp từ thiện 2.000 euro thì số thuế thực đóng cuối cùng sẽ là 3.144 euro – 1.320 euro = 1.824 euro. Tính về số tuyệt đối của chi phí, người này chi thêm 680 euro làm từ thiện nhưng giá trị của khoản chi thêm này là 2.000 euro, vì chính phủ gánh chịu phần còn lại.

Ngoài chính sách thuế thu nhập, nhiều chính phủ hay chính quyền địa phương còn áp dụng chính sách đối ứng (matching) để khuyến khích sự hào phóng, và được kiểm chứng khá hiệu quả. Cụ thể, căn cứ vào mức đóng góp mà chính phủ sẽ đối ứng theo một tỷ lệ nhất định như 1:0,25; 1:0,5; 1:1 hay 1:2. Chẳng hạn ở Anh, các quỹ từ thiện huy động được 1 bảng thì chính phủ sẽ đối ứng 25 pence.

Tại Việt Nam hiện nay, việc khuyến khích ủng hộ từ thiện qua chính sách thuế thu nhập đã có nhưng hầu như không hiệu quả vì những lý do sau.

Thứ nhất là các mức thuế suất không có sự phân biệt đáng kể giữa các mức thu nhập khác nhau. Khung thuế suất hiện nay dày và khoảng cách không đáng kể, bậc thấp nhất thuế suất 5% và cao nhất chỉ là 35%. Số bậc thuế ít lại nhưng khoảng cách thuế suất giữa các bậc tăng lên sẽ điều tiết nhiều hơn người có thu nhập cao. Chẳng hạn từ 10% lên bậc tiếp theo là 30%, rồi 40%, rồi có thể hơn. Khi đó, người có phần thu nhập chịu thuế suất cao sẽ có xu hướng giảm thuế phải đóng qua việc khấu trừ thuế từ việc làm từ thiện. Ở nhiều nước, phần thu nhập cao nhất có thể chịu thuế suất đến 45%, thậm chí 55-60%.

Thứ hai là việc quản lý thuế đối với những người có thu nhập cao chưa được chặt chẽ. Các hoạt động giao dịch tiền mặt vẫn còn phổ biến, nhiều nguồn thu nhập bất hợp pháp hay ngoài tiền lương chưa được tính vào thu nhập chịu thuế, nên thuế thu nhập không phải là băn khoăn lớn đối với các đối tượng này.

Hiện nay, cơ cấu nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam chỉ vào khoảng 11,18% trong tổng nguồn thu thuế. Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 13,06%, thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm 23,02% và thuế giá trị gia tăng chiếm đến 32,66%. Như vậy, không chỉ nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân chiếm tỷ trọng thấp, mà điều tiết thuế thu nhập của người thu nhập cao cũng chưa đủ mạnh.

Thứ ba là việc được giảm trừ thu nhập chịu thuế chỉ được tính khi có chứng từ hợp lệ từ các tổ chức, đơn vị tiếp nhận được nhà nước công nhận. Mà điều này là một trở ngại lớn vì tính minh bạch, độ tin cậy của những nơi này là rất thấp dưới cái nhìn của người dân hay doanh nghiệp muốn đóng góp.

Minh bạch, xã hội hóa các hoạt động từ thiện

Quản lý nhà nước về hoạt động từ thiện nói chung hiện nay đã có Nghị định số 64/2008/NĐ-CP và Nghị định số 93/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc vận động, tiếp nhận, phân phối vẫn chỉ tập trung ở các cơ quan đơn vị như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cấp phép.

Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện phải thực hiện các yêu cầu chặt chẽ về công tác kế toán, kiểm toán, thống kê nhưng việc cấp phép còn hạn chế. Gần đây có hiện tượng một số cá nhân có ảnh hưởng lớn, đã rất thành công trong việc dùng uy tín cá nhân của mình để vận động quyên góp. Tuy nhiên, các đợt kêu gọi vận động đều mang tính bộc phát, không thể kéo dài và trở thành thường xuyên nếu chỉ do một cá nhân quán xuyến.

Ở nhiều nước, hoạt động từ thiện không chỉ tập trung ở các quỹ từ thiện, quỹ xã hội mà còn có thể thực hiện thông qua các hội đoàn. Việt Nam mặc dù chưa có luật về thành lập hội nhưng đã có Nghị định 45/2010/NĐ-CP và Nghị định 33/2012/NĐ-CP về tổ chức hoạt động và quản lý hội. Các hội cũng nên được phép thực hiện chức năng từ thiện nếu đảm báo tính minh bạch, công khai về kế toán, kiểm toán.

Như vậy, nếu kết hợp được giữa chính sách thuế thu nhập khuyến khích sự hào phóng, và sự minh bạch, đơn giản trong việc tổ chức thực hiện từ thiện thì các tổ chức dân sự sẽ chia sẻ một phần gánh nặng với Nhà nước trong các hoạt động cứu trợ xã hội. Người Việt vốn có truyền thống tương trợ lá lành đùm lá rách, tín ngưỡng về tạo phúc đức, nếu có thêm xúc tác phù hợp, thì sự hào phóng sẽ tăng đáng kể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới