Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà nước phải làm gì cho nông dân?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà nước phải làm gì cho nông dân?

Người nông dân rất cần được Nhà nước hỗ trợ bằng các chính sách khác nhau để hòa nhập vào quá trình phát triển của đất nước – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Để trợ giúp nông dân hòa nhập vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần thiết phải có sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước.

>> Nông dân thời công nghiệp hóa

>> Trăm đường thua thiệt

>> Để người nông dân bớt thua thiệt

Theo chúng tôi, Nhà nước nên ưu tiên các chính sách sau đây:- Chính sách đất đai: Những vấn đề cơ bản của phát triển nông thôn đều xuất phát từ đất đai. Do đó chính sách đất đai chính là sự đột phá cần làm.

Nếu như khoán 10 đã đưa đất đai từ sự quản lý tập trung sang tay người nông dân để họ chủ động sản xuất hiệu quả và đã tạo ra một xung lực mới cho nông nghiệp thì hiện nay cần có một chính sách đất đai làm rõ quyền sở hữu, quyền quản lý, cơ chế chuyển dịch, chuyển nhượng cho thuê để tích tụ đất đai sản xuất hàng hóa lớn.

Cũng cần làm rõ vai trò Nhà nước trong việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế của xã hội trong chính sách thu hồi, quy hoạch đất đai để đảm bảo chức năng sản xuất, môi trường và an ninh lương thực. Ở đây, Nhà nước nên chuyển từ quản lý đất đai hành chính hiện nay sang quản lý thị trường đất đai. Cần sửa đổi Luật Đất đai, sao cho nông dân thực sự sử dụng mảnh ruộng của mình một cách lâu dài, ổn định để họ có thể vay vốn, đầu tư.

Ngoài ra, cũng nên cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp (nông dân) cho những ai làm nông nghiệp được phép tích tụ đất nông nghiệp. Như vậy, thị trường đất nông nghiệp sẽ không bị lẫn lộn với các loại đất khác, và cần đảm bảo mặt bằng giá đất để nông dân tiếp cận được. Những nông dân không muốn làm nông nghiệp, sẽ được đào tạo làm nghề khác. Có như vậy mới có thể xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp và vững mạnh.

Người dân cho rằng, với các khu vực xây dựng công trình công ích, họ có thể nhận đền bù theo giá Nhà nước. Nhưng khi thu hồi đất cho doanh nghiệp đầu tư hoặc kinh doanh theo giá thị trường, thì không thể buộc nông dân hy sinh khi chỉ nhận đền bù theo giá Nhà nước quy định.

Tại nhiều vùng, nông dân bảo nếu doanh nghiệp mua quyền sử dụng đất đó, sau đó có quyền bán đi bán lại, thì họ cũng xin mua như doanh nghiệp để tổ chức sản xuất nhưng không được chấp nhận. Như vậy, với loại đất nông nghiệp mà các doanh nghiệp thuê, phải coi như đất thương mại có thể giải quyết theo hướng: 1. Giá cả đất đai phải theo giá thị trường; 2. Nông dân có quyền cử đại diện tham gia thương thảo giá đất đền bù; 3. Cho thuê đất, nông dân có quyền được hưởng phần trăm từ tiền thuê đất hàng năm.

Với đất lúa, cấp phép cho đầu tư hạ tầng phải nhất thiết theo quy hoạch. Việc quy hoạch vùng sản xuất lúa, bảo đảm diện tích an ninh lương thực là chiến lược đất đai cấp bách.

– Hạ tầng nông thôn: Chúng ta đang đứng trước khó khăn là nhu cầu hạ tầng nông thôn rất lớn, trong khi nguồn lực Nhà nước lại có hạn. Việc xây dựng hạ tầng nông thôn có thể giải quyết theo hướng: Nhà nước cần xây dựng quy hoạch hạ tầng nông thôn đến cấp xã, từ đó xác định việc nào Nhà nước làm, việc nào kêu gọi tư nhân đầu tư kinh doanh có ưu đãi của Nhà nước; Nhà nước hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng về cung cấp nước sạch cho nông thôn, mạng lưới đường điện, thông tin… có thể ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư. Ở những vùng quá khó khăn, Nhà nước đầu tư, giao cho các doanh nghiệp công ích thực hiện.

Bước đầu nên quy hoạch các thị trấn, thị tứ, các cụm xã… để tiến hành đầu tư tạo ra những trung tâm hạ tầng tốt, một mạng lưới điểm sáng về hạ tầng trong nông thôn. Tại những điểm này, các doanh nghiệp, người dân có thể có đầy đủ hạ tầng hiện đại về đường, điện, thông tin, đi lại, dịch vụ… để sản xuất kinh doanh, tiếp cận thế giới bên ngoài. Chính những điểm sáng hạ tầng này, sẽ thúc đẩy phần còn lại, kết nối và tạo ra sự hài hòa hạ tầng nông thôn mà không lãng phí. Việc xây dựng hạ tầng nông thôn không nên bắt dân đóng góp quá nhiều, hãy cho nông dân được sự bình đẳng như cư dân đô thị trong hỗ trợ đầu tư hạ tầng của Nhà nước.

– Chính sách khoa học công nghệ (KHCN): Nói KHCN cho nông thôn thời gian vừa qua, mọi người nghĩ ngay đến KHCN nông lâm ngư nghiệp. Nông thôn đang thay đổi từng ngày, nhưng những nguồn cung ứng KHCN về các lĩnh vực khác cho nông dân còn rất ít ỏi. Khi nói đến cung ứng KHCN, chúng ta chỉ quan tâm đến nguồn KHCN từ các viện nghiên cứu là chính.

Trong khi đó, chúng ta chưa thực sự tạo ra một thị trường sản phẩm KHCN rộng lớn mà nguồn cung ứng có thể từ doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại và các cơ sở nghiên cứu tư nhân. Nông dân hiện nay đang thiếu thông tin trong lựa chọn sản phẩm KHCN, chất lượng sản phẩm KHCN chưa được kiểm tra quản lý chặt chẽ. Ngoài ra, chúng ta chỉ quan tâm đến các sản phẩm KHCN, mà ít khi nghiên cứu các điều kiện để chuyển giao KHCN. Phần lớn nông dân tiên tiến được hưởng lợi các chính sách chuyển giao KHCN hơn là các nông dân nghèo.

– Thông tin ở nông thôn: Có thể nói thông tin ở nông thôn đã được cải thiện rất nhiều, đó là nhờ phát thanh, truyền hình là nguồn thông tin chính cho người dân nông thôn còn thông tin từ nguồn báo chí, sách thì hầu như vắng mặt tại nông thôn. Nhà nước nên có chính sách ưu đãi phát hành, giảm giá báo chí cho các vùng nông thôn để tăng cường đưa báo chí về nông thôn.

– Đào tạo nguồn nhân lực: Việc đào tạo nguồn nhân lực cần được xác định trên cơ sở nông dân cần nghề gì hiện nay và trong 10-20 năm tới. Với đòi hỏi trước mắt, cần hỗ trợ chuẩn hóa, pháp lý hóa các cơ sở đào tạo tư nhân, Nhà nước làm tư vấn đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho đô thị, các khu công nghiệp. Gắn việc đào tạo, sau khi xem xét đủ điều kiện, với việc cấp chứng chỉ nghề nghiệp, thẻ hành nghề.

Nhà nước hỗ trợ các đối tượng nghèo tham gia những chương trình đào tạo này. Với chiến lược lâu dài, cần hỗ trợ con em ở nông thôn được đào tạo tốt từ mẫu giáo đến học nghề, đại học. Cần nhanh chóng ưu đãi mở các trường dạy nghề gắn với đào tạo trung học phổ thông như các nước đã làm, hỗ trợ các em ở nông thôn học nghề gắn với học văn hóa.

– Tăng cường năng lực cán bộ cho nông thôn: Qua nghiên cứu của chúng tôi, có một nghịch lý là tại nhiều địa phương, đến 80-90% cán bộ cơ sở cấp xã được đào tạo về chính trị, nhưng về chuyên môn quản lý nhà nước chỉ có 20-30%, thậm chí nhiều nơi là 0%.

Sự mất cân đối này, là minh chứng cho sự yếu kém của chính quyền cơ sở. Mặt khác, sự luân chuyển cán bộ giữa các cấp, từ xã lên tỉnh và Trung ương, hầu như ít xảy ra và làm cho cán bộ cấp xã không có cơ hội thăng tiến, do đó ít hấp dẫn giới trẻ. Cũng như cán bộ cơ sở, cán bộ các cấp trên, không có kinh nghiệm quản lý, cọ xát thực tiễn dễ dẫn đến lý thuyết suông. Do đó cần thay đổi cơ chế chính sách này.

– Chính sách về đầu tư là quyết định: Nhà nước cần xác định rõ từng vùng sinh thái, sản xuất, an ninh… để quy hoạch cho đầu tư từ nguồn ngân sách và kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư. Hiện nay, các thành phần kinh tế, hộ nông dân không dám đầu tư dài hạn ở nông thôn do sợ rủi ro về quy hoạch.

Quá trình đầu tư ở nông thôn hiện nay chủ yếu là một quá trình từ bên ngoài, do người bên ngoài đến quyết định hơn là chính những người nông thôn. Đôi khi sự ưu đãi cho các nhà đầu tư đến từ bên ngoài lại nhiều hơn chính các nhà đầu tư tại chỗ.

Quá trình đầu tư bị hành chính hóa, ít được điều hành theo cơ chế thị trường, vì vậy có một số nơi đã tạo ra sự chiếm đoạt nguồn lực, cơ hội công ăn việc làm của nông dân. Do vậy, để bảo vệ nông dân trong xu thế hiện nay nên hình thành cơ chế đầu tư theo cơ chế thị trường và minh bạch; giúp nông dân thực sự được tổ chức, có thông tin để đàm phán với các nhà đầu tư nếu lấy đất của họ; tạo ra cơ chế để nông dân tham gia được vào quá trình đầu tư.

LÊ HUY NGỌ (1) – VŨ TRỌNG BÌNH (2)

(1) Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

(2) Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới