Chủ Nhật, 24/09/2023, 19:41
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Nhà quê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà quê

Dương Văn Ni

(TBKTSG) – Trong ký ức, tôi chỉ nhớ chợ là nơi bán dầu lửa, đường, muối, chỉ, đinh, xà bông và hủ tiếu. Ngày nay, quả thật không dễ gì phân biệt được rạch ròi sự khác nhau giữa chợ và quê nếu chỉ dựa vào nơi bán những món hàng đó. Gần đây, khi mới áp dụng việc đội nón bảo hiểm, nhờ các biển báo dọc đường tôi mới biết đến ranh giới của thị xã, thị trấn hay thành phố.

Tuy nhiên, gần như mọi người biết khá rõ cái gì thuộc về quê hay chợ; từ những điều kiện sống như ăn, ở, đi lại, học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí cho đến những hành động, lời nói, cách ứng xử, ăn mặc và trang sức. Và có vẻ như cái gì tốt nhất, mắc nhất hay sang trọng nhất thì đều không có ở quê. Ngay cả trong cách gọi thì người ta cũng nói “trên” thành phố và “dưới” quê!

Thử xét về ăn uống thì những món ngon vật lạ đều tập trung vào thành phố. Những thứ mà chất lượng tốt nhất và số lượng ít nhất thì vùng quê khó mà thưởng thức được!Nhà ở thì cao nhất, mắc nhất cũng thuộc về thành phố. Người sống ở thành phố hưởng thụ phương tiện đi lại đa dạng hơn, mắc tiền hơn. Chuyện học tập cũng tương tự, ở thành phố có nhiều trường hơn.

Vì vậy, những người trẻ tuổi luôn hướng về thành phố cũng là điều tất nhiên, do nơi đây có nhiều cơ hội cho họ hơn là ở vùng quê.

Nhưng đó là những thứ có thể thấy được, so sánh được như to nhất hay nhỏ nhất. Thế còn những thứ mà chúng ta không thể thấy, nhưng chúng cũng quan trọng không kém gì những thứ thấy được, như sự thật thà? Có vẻ như những thứ này thì vùng quê chưa chắc đã ít hơn, đôi khi còn tỏ ra nhỉnh hơn thành phố.

Tôi còn nhớ như in “kỷ niệm” lần đầu tiên theo má đi chợ Tết. Người đi chợ đông nghẹt, chen lấn nhau giữa các sạp bán trái cây. Rồi một bà đi chợ quẹt rớt mấy trái xoài chín của sạp bán xoài. Tôi rất ngạc nhiên vì sao bà ấy không chịu lượm lên mà còn lẹ làng bỏ đi? Vì sợ người khác đạp lên mấy trái xoài nên tôi vội vàng ngồi xuống lượm chúng lên.

Bất thình lình, tôi bị túm cổ và người đàn ông lạ hoắc, chửi vào mặt: “Mày làm rớt xoài tao, thường đi!”. Tôi gần như chết lặng, mặt xanh như tàu chuối, ấm ớ không nói được lời nào. “Mày có chịu thường không?”. Ráng hết sức tôi mới nói được “Dạ, không phải con làm!”, “Vậy ai làm?”. Tôi nhìn quanh tìm người đàn bà kia, nhưng bà ấy đã biến mất trong đám đông từ lúc nào! Má tôi thì đang ngồi bán giỏ cam ở cuối chợ và tôi cũng không dám cho má biết. Thế là tôi phải thường mấy trái xoài đó bằng tất cả số tiền dành dụm để đi chợ Tết ăn hủ tiếu!

Sau này, sống và lớn lên ở thành phố, tôi mới hiểu phần nào và vì sao người đàn bà kia đã lẹ làng bỏ đi; vì sao ông bán xoài túm cổ tôi; và vì sao tôi phải thường dù không phải mình làm rớt! Tôi vẫn hy vọng là ông bán xoài đó cũng thấy là không phải tôi làm rớt, nhưng có lẽ cái ông ấy cần hơn là ai sẽ thường, chứ không phải chỉ muốn biết là ai đã làm rớt. Dù biết rằng nếu biết được người làm rớt thì “có thể” bắt họ bồi thường. Tuy nhiên, túm cổ một thằng nhỏ mười tuổi như tôi thì xem như ông ấy đã “chắc chắn” bắt được người phải thường rồi, nên việc muốn biết ai làm rớt đã không còn cần thiết nữa!

Những chuyện không-mong-muốn như vậy đã gán cho tôi biệt danh “nhà quê” trong suốt thời đi học và biệt danh “hai lúa” khi đã đi làm. Có lẽ những biệt danh này sẽ còn đeo đuổi tôi lâu dài trong cuộc sống. Nhiều lúc tôi bực mình vì chúng và cảm thấy “giá trị” của mình bị tổn thương. Cũng nhiều lần tôi tìm cách “thoát ly” khỏi chúng, nhưng xem ra các nỗ lực này đều bị thất bại. Dần dà rồi quen và nhận ra là chúng cũng không làm cản trở gì cho việc làm chồng, làm cha và làm một công dân. Vì vậy, tôi đã xem chúng như là bản chất khó thay đổi của mình. Âu cũng là một loại “thương hiệu” vậy!

Thế mới biết việc thay đổi bề ngoài của một con người dễ dàng bao nhiêu thì việc thay đổi bản chất càng khó khăn bấy nhiêu. Do đó, không phải ai sống ở quê thì kém sang trọng hơn người ở thành phố. Không phải ai có ít tiền thì “nghèo” hơn người có nhiều tiền. Người sống ở quê, người có ít tiền đôi khi lại “giàu” hơn người ở thành phố, nhất là những thứ chưa đo đếm được. Do đó, giá trị của mỗi con người, cộng đồng hay xã hội thì không nên chỉ dựa vào bề ngoài hay các chỉ tiêu đo đếm được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới