Thứ ba, 12/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhà sản xuất nhỏ ‘liêu xiêu’ trước làn sóng hàng giá rẻ nước ngoài tràn vào

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các cơ sở gia công sản xuất tiêu dùng trong nước ngày càng bị đuối sức và “thoi thóp” trước làn sóng hàng hóa giá rẻ các nước tràn vào, nhất là hàng hóa bán trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nước ngoài.

Các chuyên gia cảnh báo nếu để các nền tảng bán lẻ xuyên biên giới như Taobao, Temu, Shein... bán hàng giá rẻ vào Việt Nam mà không có biện pháp kiểm soát về chất lượng, áp thuế... thì có thể gây thiệt hại nặng nề, thậm chí là “triệt tiêu” các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.

Rời thị trường vì khó cạnh tranh

Nỗ lực duy trì hoạt động sau khó khăn bởi đại dịch, bà Phương Thúy, chủ một cơ sở may quần áo cung cấp cho các tiểu thương chợ sỉ Tân Bình (TPHCM) giờ đây buộc phải đóng cửa vì lượng khách hàng giảm và không cạnh tranh được với hàng giá rẻ.

Các cơ sở may mặc quy mô nhỏ gặp khó với hàng giá rẻ bán online. Ảnh minh họa: L. H

Rất buồn vì gắn bó với ngôi chợ này hơn 30 năm nay, nhưng theo bà Thúy, nếu tiếp tục duy trì thì bà sẽ bị lún sâu vào nợ nần. Bởi lẽ việc kinh doanh các sản phẩm thời trang của nhiều tiểu thương tại đây ngày càng giảm mạnh, thu không đủ bù chi, dẫn đến các khách hàng đóng cửa.

Cơ sở của bà theo đó cũng bị ảnh hưởng với các khoản nợ khó đòi lên đến cả trăm triệu đồng. "Khách hàng của họ phần lớn là ở tỉnh lẻ mua số lượng lớn về bỏ mối bán lại, nhưng 2-3 năm nay họ than rằng hàng hóa giá cao, ít mẫu mã rất khó cạnh tranh với hàng bán online", bà Thúy chia sẻ.

Lướt vào một cửa hàng online, bà Thúy chỉ vào đầm bé gái tương tự cơ sở bà gia công, rồi thắc mắc cách nào họ làm được sản phẩm giá thấp đến vậy. Bà tính toán, tiền nguyên liệu và công may chiếc áo đó tại cơ sở bà đã cao hơn 35.000 đồng.

Bà Thúy cho rằng, những sản phẩm giá thấp trên các chợ online phần lớn là hàng từ Trung Quốc. “Họ có nguyên liệu tại chỗ, sản xuất với số lượng lớn hoặc hàng tồn nhiều… nên đưa ra giá bán rất thấp. Việc sản xuất quy mô nhỏ như cơ sở bà khó có thể cạnh tranh được”, bà Thuý cho hay.

Không riêng cơ sở của bà Thúy mà theo một chuyên gia trong ngành, có đến vài chục cơ sở may mặc quy mô 10-50 công nhân đã phải đóng cửa, ngưng sản xuất do kinh doanh sụt giảm nhiều hoặc sản phẩm làm ra kém cạnh tranh với hàng hóa bán online.

Đây là những cơ sở chủ yếu phục vụ thị trường trong nước mà phần lớn là ở các chợ truyền thống hoặc các cửa hàng nhỏ lẻ. Trong khi đó, người tiêu dùng có xu hướng mua hàng online, nhất là các mặt hàng thời trang với giá rất thấp nên những cơ sở may quy mô nhỏ khó cạnh tranh được.

Sản phẩm nhựa gia dụng trong nước cũng gặp khó với hàng Trung Quốc bán Online. Ảnh minh họa: LH

Trong ngành cao su và nhựa, các doanh nghiệp cũng đang chịu áp lực lớn từ sự cạnh tranh hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TPHCM (RUPA), cho biết các doanh nghiệp giầy dép than rằng một đôi dép sản xuất trong nước có giá 300.000 - 400.000 đồng thì hàng nhập từ Trung Quốc bán rẻ hơn 20-30% qua các kênh TMĐT.

"Sự tiện lợi của việc giao hàng tận nơi và giá thành thấp hơn mà các nền tảng TMĐT Trung Quốc cung cấp đã khiến các nhà sản xuất Việt Nam khó theo kịp", ông Quốc Anh lo lắng, và nói thêm: "Ngành giày dép cao su, nhựa của Việt Nam chịu tác động trước làn sóng hàng Trung Quốc trên kênh TMĐT".

Cần có biện pháp kịp thời

Không dừng lại giày dép, quần áo hay đồ nhựa gia dụng, trước sự tăng trưởng mạnh kênh TMĐT và sự đổ bộ của Temu, Taobao, 1688.com..., Chủ tịch RUPA cảnh báo rằng ngành sản xuất tiêu dùng trong nước với quy mô nhỏ và vừa sẽ bị "tiêu diệt" chứ không đơn thuần chỉ là "sàng lọc".

"Người tiêu dùng trong nước giờ đây có thể mua hàng trực tiếp từ các nền tảng TMĐT Trung Quốc, với thời gian giao hàng chỉ vài ngày, cước phí thấp hoặc miễn phí. Cách thức mua bán mới này đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt cho các nhà sản xuất trong nước, những doanh nghiệp vốn đã gặp khó khăn với chi phí sản xuất cao", ông Quốc Anh nói.

Đơn cử sàn Temu (Trung Quốc) dù chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam, nhưng người dùng Việt Nam vẫn có thể vào các cửa hàng trên điện thoại, tải ứng dụng này và mua hàng. Và sàn này đang hoạt động rầm rộ với các chính sách bán hàng giá siêu rẻ, khuyến mại sâu đã thu hút nhiều người Việt.

Trên thực tế các sàn Trung Quốc như Temu, Taobao... rất đa dạng mặt hàng siêu rẻ kèm chính sách miễn phí vận chuyển, khách nhận hàng không ưng được trả ngay lại tiền, khiến doanh nghiệp Việt thất thế.

Giao diện của Temu trong những ngày đầu tại Việt Nam. Ảnh chụp màn hình

Ông Quốc Anh lưu ý điều bất công là những sàn như Taobao, Temu và Shein bán hàng vào Việt Nam mà không phải nộp thuế và hưởng lợi từ hệ thống logistics mạnh mẽ do Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm thuế nhập khẩu và chi phí sản xuất cao, khiến họ không thể cạnh tranh một cách hiệu quả. Nói về ngành mình, ông nêu, nguyên liệu sản xuất như cao su, hóa chất, nhựa... doanh nghiệp nhập về cảng đã phải chịu thuế VAT. Muốn hoàn thì rất khó, chậm chạp.

Các sản phẩm nội địa bán trên các kênh truyền thống cũng phải chịu nhiều loại thuế. Điều này khiến họ gặp bất lợi so với hàng hóa không chịu thuế bán qua kênh TMĐT.

Trao đổi với báo chí, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, giá rẻ ở trên các sàn TMĐT chưa hẳn do sự tiến bộ của khoa học công nghệ, mà có thể do phía nhà bán hàng không phải chịu các loại thuế, điều đó sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây có thể là nguyên nhân khiến cho số lượng doanh nghiệp Việt Nam ngừng hoạt động ngày càng tăng.

Do vậy, theo ông Ngân, cần kiểm soát chặt chẽ để chống gian lận thương mại, trốn thuế, đảm bảo công bằng, minh bạch. Đặc biệt cần tuyên truyền, khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng trong nước.

"Chúng ta mua được hàng giá rẻ nhưng đừng quên chất lượng sản phẩm ấy thế nào. Sâu xa hơn, nếu mua những hàng hoá thiếu sự công bằng trong kinh doanh sẽ giết chết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, hệ quả là thất nghiệp", ông nêu quan điểm và kêu gọi cần có cảnh báo mạnh hơn, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, quản lý thuế.

Sự cạnh tranh không công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước đã khiến các nhà sản xuất trong nước yêu cầu Chính phủ áp đặt thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc được bán qua các nền tảng TMĐT, để có một sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất nội địa.

Chia sẻ thêm, ông Ngân cho rằng cần phải hành động ngay để tránh những tác động lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Các giải pháp về hàng rào kỹ thuật, thương mại, thuế... cần được sớm nghiên cứu, triển khai.

Về phía các doanh nghiệp trong nước, cần nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh để ứng phó với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường; hạn chế phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu...

Nếu không kịp thời đưa ra giải pháp, "cơn bão TMĐT" xuyên quốc gia có thể sẽ làm thay đổi cục diện sản xuất của Việt Nam và điều này được dự báo sẽ xảy ra sớm.

"Tình hình không chỉ đơn thuần là cạnh tranh nữa, nó đã trở thành vấn đề bảo vệ thị trường và sản xuất trong nước. Đây là một vấn đề kinh tế vĩ mô cần sự can thiệp của Chính phủ", ông Chủ tịch RUPA nhấn mạnh, và lưu ý do sản xuất kém cạnh tranh nên nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải nhập sản phẩm từ Trung Quốc, dán nhãn thương hiệu Việt Nam và bán ở thị trường nội địa.

1 BÌNH LUẬN

  1. không chỉ hàng hóa công nghiệp , mà các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng bị hàng Trung Quốc lấn át , chúng ta chỉ có lợi thế một sản phẩm nông nghiệp duy nhất đó là Sầu riêng , nhưng chưa biết tương lai về lâu dài .

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới