Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà sản xuất ô tô gia tăng nhập xe

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà sản xuất ô tô gia tăng nhập xe

Quốc Hùng

Xe BMW nhập khẩu thu hút người tiêu dùng trong nước – Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Các liên doanh lắp ráp – sản xuất xe ô tô trong nước đang gia tăng nhập khẩu khi thuế nhập khẩu ô tô đang có chiều hướng giảm, đặc biệt là các dòng xe lắp ráp tại khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Ngày 14-1 tại Hà Nội, Công ty Honda Việt Nam chính thức giới thiệu dòng xe hơi nhập khẩu nguyên chiếc đầu tiên của mình tại thị trường Việt Nam. Dự kiến mẫu xe nhập khẩu đầu tiên này là xe Accord 3.5L mà công ty đã trưng bày tại Triển lãm Vietnam Motor Show tháng 10-2010.

Như vậy, Honda Việt Nam là một trong những liên doanh lắp ráp ô tô sau cùng ở Việt Nam bắt đầu chính thức nhập khẩu xe hơi để phân phối. Trước Honda Việt Nam, một số nhà lắp ráp – sản xuất ô tô khác như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam, Mercedes-Benz Việt Nam… cũng đã nhập khẩu ô tô ngay sau khi Việt Nam mở cửa thị trường phân phối cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo lộ trình cam kết khi gia nhập WTO.

Điều đáng chú ý hiện nay là các nhà sản xuất lắp ráp xe hơi đang theo hướng nhập xe từ khu vực ASEAN để hưởng biểu thuế nhập khẩu mới có hiệu lực trong năm nay.

Doanh nghiệp dẫn đầu thị trường ô tô lắp ráp trong nước, Toyota Việt Nam, cũng tiết lộ sẽ nhập dòng xe năm chỗ Yaris về kinh doanh trong năm nay, sau khi đã nhập hai dòng xe là Land Cruiser từ Nhật Bản và Hilux từ Thái Lan. Toyota Việt Nam cho biết dòng xe nhỏ Yaris sẽ được công ty nhập về từ nhà máy ở Thái Lan thay vì một số nhà nhập khẩu hiện nay chủ yếu nhập dòng xe này từ Dubai.

Nhập khẩu thay lắp ráp

Như vậy có thể thấy, ngay khi biểu thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN có hiệu lực, tức là thuế nhập khẩu xe hơi từ khu vực ASEAN được giảm mạnh, trong năm 2011, các nhà lắp ráp và sản xuất ô tô ngay lập tức tận dụng cơ hội, nhập xe nguyên chiếc về kinh doanh thay vì phải lắp ráp. Theo công bố của Bộ Tài chính, năm 2011, thuế nhập khẩu ô tô du lịch nguyên chiếc sẽ giảm chỉ còn 72-82% so với mức 77-83% hiện nay. Các mức thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ còn tiếp tục giảm, khi mà mốc năm 2018 (thuế nhập khẩu ô tô là 0%) ngày càng đến gần hơn.

Thái Lan hiện đang được xem là trung tâm sản xuất và lắp ráp ô tô của khu vực Đông Nam Á với hàng loạt nhà máy của các hãng ô tô hàng đầu thế giới như Toyota, Ford, Honda, Nissan, Mitsubishi… Đất nước này có kinh nghiệm lâu năm về phát triển ngành công nghiệp phụ trợ so với Việt Nam và các nước khác trong khu vực, đang được các hãng sản xuất ô tô tập trung đầu tư, do đó Thái Lan được các chuyên gia dự báo có thể trở thành nguồn cung ô tô cho thị trường Việt Nam khi cam kết CEPT chính thức có hiệu lực (hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung của AFTA).

Các chuyên gia lo ngại với tình hình ngành công nghiệp phụ trợ ô tô trong nước “èo uột” như hiện nay thì các nhà lắp ráp ô tô sẽ dần chuyển hướng sang hình thức kinh doanh nhập khẩu trực tiếp.

Thực tế cho thấy hiện nay hầu hết các liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô đều đã được phép nhập khẩu xe nguyên chiếc. Trên thực tế đầu tư mạnh cho ngành công nghiệp ô tô của các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài đến thời điểm này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả, Toyota Việt Nam được xem là đơn vị có tỉ lệ nội địa hóa cao nhất so với các liên doanh khác nhưng đạt từ 19-37% tỉ lệ nội địa hóa theo phương pháp xác định giá trị của ASEAN tùy theo từng mẫu xe. Số hãng xe còn lại có tỉ lệ nội địa hóa rất thấp, thậm chí chỉ dừng lại ở những chi tiết không quan trọng như bọc da xe,…

Xe Hyundai Accent mới vừa nhập vào thị trường Việt Nam – Ảnh: Quốc Hùng

Theo các chuyên gia trong ngành, từ nay đến năm 2018 chỉ còn 8 năm nữa, thời gian không còn nhiều nếu nhìn lại những gì đã làm được trong 15 năm qua kể từ khi các nhà sản xuất ô tô nước ngoài vào Việt Nam. Điều này chắc chắn một số hãng xe sẽ chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc thay vì lắp ráp như hiện nay.

Trường hợp hãng xe BMW là điển hình. Sau khi quyết định chia tay với đối tác Việt Nam là VMC vào năm 2005 đã quay trở lại Việt Nam thông qua nhà nhập khẩu chính thức là Công ty Euro Auto với nhiều kỳ vọng sẽ tạo ra diện mạo mới cho nhãn hiệu này tại Việt Nam. Đến nay, Euro Auto ngày càng lớn mạnh trong việc xây dựng hình ảnh cũng như chăm sóc khách hàng và nhanh chóng giới thiệu những chiếc xe mới nhất mà BMW toàn cầu vừa tung ra. Theo các Euro Auto tình hình kinh doanh của công ty tăng trưởng năm sau, cao hơn năm trước. Cụ thể như năm 2010, tăng hơn 25% so với năm 2009.

Tương tự, như Nissan quay trở lại thị trường Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở việc lắp ráp. Tuy nhiện việc lắp ráp này không phải do công ty tự đầu tư nhà máy mà các dòng xe của Nissan được lắp ráp tại Liên doanh sản xuất ô tô Hòa Bình (VMC) dưới hình thức thỏa thuận lắp ráp theo hợp đồng. Mới đây, Nissan Việt Nam đã nhập khẩu dòng xe bán tải (pickup) Nissan Navara nguyên chiếc từ Thái Lan về phân phối.

Theo tính toán, quy mô thị trường ô tô phải ở mức hàng trăm ngàn xe/năm mới đảm bảo đầu tư có hiệu quả. Theo các chuyên gia trong ngành, trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO, Chính phủ sẽ không bắt buộc các doanh nghiệp lắp ráp ô tô nội địa hóa nữa nhưng do sức ép cạnh tranh với nhau ngày càng lớn, doanh nghiệp không muốn mất thị phần sẽ phải tìm cách nâng tỷ lệ phụ tùng sản xuất trong nước nhằm hạ giá thành sản phẩm. Nhưng điều này chỉ thích hợp đối với những hãng xe đã có thị phần tương đối lớn.

Trong năm 2010, các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước bán hơn 114.000 xe các loại (chưa kể xe nhập khẩu). Điều này cho thấy thị trường ô tô của Việt Nam lên hàng trăm ngàn xe/mỗi năm. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc lắp ráp như hiện nay thì thị trường xe trong nước với doanh số hàng tỉ đô la Mỹ/ mỗi năm, tương lai không xa sẽ nhường chỗ cho xe nhập khẩu khi rào cản thuế quan cho xe nhập khẩu không còn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới