Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhắm tới ngành công nghệ cao của ngày hôm qua có thể là tai họa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhắm tới ngành công nghệ cao của ngày hôm qua có thể là tai họa

Hồng Phúc – Huỳnh Hoa thực hiện

TS. Edmund J.Malesky.

(TBKTSG) – Tiến sĩ Edmund J. Malesky, Phó giáo sư trường Cao học Quan hệ quốc tế và Nghiên cứu Thái Bình Dương thuộc Đại học California, San Diego là người đã đồng hành với chương trình PCI trong thời gian dài. Từ các cuộc khảo sát thực tế ở doanh nghiệp, ông đã rút ra được những bài học đáng quan tâm.

TBKTSG: Từ những dữ liệu thu thập được qua các đợt điều tra, ông thấy bức tranh của kinh tế tư nhân ở Việt Nam thế nào?

TS. Edmund J.Malesky: Nói ngắn gọn, quy mô bình quân của doanh nghiệp tư nhân là khá nhỏ bé so với tiêu chuẩn quốc tế, chỉ có khoảng 50 nhân viên và chưa tới 5 tỉ đồng tài sản. Khu vực tăng trưởng nhanh nhất là dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, nhưng chúng tôi đã bắt đầu nhìn thấy sự tăng trưởng nhanh của ngành dịch vụ phục vụ doanh nghiệp (như kế toán, tư vấn và đào tạo) mà chúng tôi coi là một sự phát triển rất tích cực. Trong công nghiệp chế biến, khu vực kinh doanh tăng trưởng nhanh nhất là chế biến thực phẩm, dệt may và điện tử tiêu dùng. Phần lớn các doanh nghiệp đều có cái nhìn tích cực về khả năng tăng trưởng trong tương lai, có 66% số doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch mở rộng trong vòng hai năm tới.

Dù sao vẫn có một ngoại lệ – doanh nghiệp một người chủ (sole proprietorship) có cái nhìn tiêu cực hơn về sự điều hành và triển vọng kinh doanh so với các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; chỉ có 49% doanh nghiệp một người chủ có kế hoạch mở rộng mà thôi. Chúng tôi vẫn chưa biết chắc nguyên nhân của tình trạng này nhưng chúng tôi dự định sẽ nghiên cứu nó.

TBKTSG: Theo ông, doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam có đủ sức và cơ hội để định hình tương lai của mình hay không?

– Tôi nghĩ câu trả lời thực sự tùy vào chỗ chúng ta đang nghĩ tới doanh nghiệp nào. Một số doanh nghiệp tư nhân chắc chắn có rất nhiều sức mạnh.

Nói chung, nếu nói tới việc quản lý các hoạt động và đưa ra những quyết định kinh doanh mang tính chiến lược thì câu trả lời là có. Các nhà doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng trở nên hiểu biết hơn, thành thạo hơn trong việc tận dụng các cơ hội trong nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, ở những góc độ khác, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới chính sách điều hành, thì câu trả lời là không. Cuộc khảo sát PCI phát hiện rằng, sự minh bạch rất hạn chế của những tài liệu về kế hoạch đã cản trở khả năng của nhà đầu tư trong việc đánh giá một cách thích hợp những rủi ro mà họ phải đối mặt và lập kế hoạch đủ xa cho tương lai. Sự thiếu niềm tin vào các tổ chức pháp luật đang hạn chế số lượng các đối tác mà doanh nghiệp muốn hợp đồng làm ăn. Và sự thất vọng với chất lượng lao động cũng ngăn cản nhiều hoạt động, không cho phép mở rộng hơn nữa những sản phẩm và những quá trình sản xuất có tính phức tạp về công nghệ.

Cuối cùng, trong khi vai trò của các hiệp hội ngành nghề như là tiếng nói của doanh nghiệp đã được cải thiện, vẫn chưa rõ trong việc tương tác với các nhà hoạch định chính sách để giúp định hình các chính sách kinh tế trong tương lai, khu vực kinh tế tư nhân có đang giữ một vai trò xây dựng như nó có thể làm hay không.

TBKTSG: Lần đầu tiên, chương trình tiến hành khảo sát thêm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Từ kết quả thu được, ông đánh giá tác động lan tỏa của nhóm doanh nghiệp này tới khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam thế nào?

– Nhìn chung, một nhà đầu tư điển hình đang hoạt động ở Việt Nam là một doanh nghiệp tương đối nhỏ, hướng tới xuất khẩu, và có suất lợi nhuận thấp, làm gia công cho một nhà sản xuất đa quốc gia lớn hơn – và do đó thường định vị ở điểm thấp nhất trong dây chuyền giá trị sản phẩm.

Các doanh nghiệp FDI thường thuê ngoài (outsource) một số lượng ít các hàng hóa và dịch vụ trung gian từ các nhà sản xuất trong nước. Điều đó có nghĩa là tác động lan tỏa của năng lực công nghệ và tài năng quản lý đã bị hạn chế rất nhiều. Đa phần các nhà đầu tư này bị cuốn hút tới Việt Nam bởi lợi thế về chi phí, hình thành từ mức lương thấp và sự ổn định chính trị của chế độ ở Việt Nam; sự ổn định đó cho phép nhà đầu tư lập kế hoạch mang tính chiến lược với niềm tin rằng các chính sách sẽ không thay đổi trong một thời gian.

Chúng tôi thấy rõ rằng, các nhà đầu tư mà Việt Nam kỳ vọng sẽ thu hút vào đây trong tương lai thường đánh giá cao chất lượng lao động, quyền sở hữu trí tuệ và sự tôn trọng hợp đồng. Để tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư thế hệ kế tiếp, các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ phải xem xét hàng loạt chính sách cải cách mới.

Thu hút các nhà đầu tư thế hệ kế tiếp không có nghĩa là “chọn người thắng cuộc” thông qua các chiến lược ưu đãi có chọn lọc mà lịch sử cho thấy chính phủ các nước đang phát triển không thể thực thi có hiệu quả, tạo ra những sự méo mó lâu dài trong nền kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam không thể biết điều quan trọng sắp tới là gì, cho nên việc nhắm tới các ngành công nghiệp công nghệ cao hàng đầu của ngày hôm qua có thể là một tai họa; thay vì vậy hãy nhắm tới hệ thống chính sách phát triển kỹ năng của người lao động, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sự tôn trọng hợp đồng – là những cái mà nhà đầu tư sành sỏi luôn thấy hấp dẫn. Một sự đầu tư như vậy sẽ mang lại lợi ích bất kể lĩnh vực kinh tế nào sẽ đổ vào Việt Nam trong tương lai.

Điều đó cũng có nghĩa là cần xem xét nghiêm túc vấn đề doanh nghiệp FDI ít thuê dụng các nhà sản xuất nội địa của Việt Nam. Tại sao mối quan hệ kinh doanh giữa doanh nghiệp FDI và nền kinh tế nội địa lại hạn chế như vậy? Các nhà sản xuất trong nước không biết chắc được chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà đầu tư tương lai trong khi các nhà đầu tư không hiểu biết đầy đủ về khả năng của các nhà sản xuất nội địa trong nền kinh tế. Các cơ quan xúc tiến đầu tư có thể làm tốt hơn việc chuyển tải các tiêu chuẩn như vậy tới các nhà sản xuất trong nước và đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu tốt hơn về sự phối hợp các đối tác kinh doanh giữa doanh nghiệp FDI và các nhà cung cấp trong nước.

TBKTSG: Vài năm trước, có một số tỉnh thành cạnh tranh với nhau để giành vốn FDI thông qua việc cắt giảm thuế, tiền thuê đất và nhiều biện pháp khác. Kết quả khảo sát có cho thấy sự khác biệt nào về sức hút đối với doanh nghiệp FDI không?

– Trong cuộc khảo sát năm nay chúng tôi xem xét kỹ các chính sách ưu đãi. Có hơn 60% những người trả lời khảo sát đã được các tỉnh thành ưu đãi về thuế dưới hình thức nào đó, chủ yếu là dưới hình thức miễn thuế có thời hạn. Điều đó mang lại lợi ích cho các công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và công nghiệp chế biến, trong khi các nhà đầu tư về dịch vụ hoặc xây dựng thì không được lợi như vậy.

Về bản chất, các nhà đầu tư không muốn đuổi theo sự ưu đãi để dấn thân vào những nơi không thuận lợi. Thay vì vậy, họ muốn chấp nhận một lời mời tệ hơn nếu được bố trí vào một nơi có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Điều này có một hàm ý chính sách rất quan trọng cho nhiều tỉnh đã từng sử dụng không thành công các biện pháp ưu đãi về thuế và đất đai như là nguồn tiên quyết để thu hút đầu tư. Bản thân các chính sách ưu đãi không bao giờ là đầy đủ và có khuynh hướng bị lãng phí, hy sinh nguồn thu nhập thiết yếu cho các nhà đầu tư sẽ đến cho dù có ưu đãi hay không.

Hơn thế nữa, khi sự ưu đãi có hiệu quả, chúng chỉ hấp dẫn nhiều nhất đối với các nhà sản xuất công nghiệp nhẹ, các dịch vụ có giá trị gia tăng thấp – những nhà đầu tư có khả năng thu lợi rất nhanh trong khoảng thời gian mà sự ưu đãi còn hiệu lực. Chúng ít có sức hấp dẫn những hoạt động có giá trị gia tăng cao, đòi hỏi thời gian khởi động dài hơn và sẵn sàng chấp nhận lỗ lã trong những năm đầu triển khai dự án. Vì vậy, chính sách ưu đãi có xu hướng hấp dẫn loại nhà đầu tư mà các chiến lược gia về kinh tế của Việt Nam nói rằng, họ muốn giảm sự lệ thuộc vào. Một sự đầu tư tốt hơn chính là đầu tư cải thiện về lâu về dài sự điều hành, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới