Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhân dân tệ tăng giá và xuất nhập khẩu của Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhân dân tệ tăng giá và xuất nhập khẩu của Việt Nam

Văn Thanh

Thương lái ở Bắc Giang thu mua trái vải để xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện nay, hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, nguyên liệu thô. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Ngày 22-6-2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) đã nâng tỷ giá giao dịch chính thức giữa nhân dân tệ và đô la Mỹ thêm 0,43% từ 6,827 lên 6,7980, đánh dấu lần điều chỉnh đầu tiên kể từ tháng 7-2008 sau khi tăng 21% từ ba năm trước đó. Quyết định này được đưa ra sau thời gian dài Mỹ và các nước phương Tây chỉ trích Trung Quốc duy trì giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp vô lý, tạo cạnh tranh không lành mạnh.

Sau ba tuần kể từ khi quyết định trên được ban hành và có hiệu lực, nhân dân tệ đã tăng 0,8% và đang đổi được 6,7746/đô la Mỹ và có thể lên 6,5/đô la Mỹ vào cuối năm 2011. Công ty Morgan Stanley tại Hồng Kông cho rằng, nhân dân tệ có thể tăng 4% trong năm nay và 6% trong năm 2011. Trong khi đó, Tập đoàn Ngân hàng DBS cho rằng, nhân dân tệ sẽ tăng 1,2% trong năm nay khi PBC hành động để kiềm chế lạm phát.

Nhằm kiềm chế tăng trưởng nóng hơn là do áp lực bên ngoài

Theo thông tin của Chính phủ Trung Quốc, đầu tư trong nước suy giảm đã hạn chế nhập khẩu, nên xuất siêu của Trung Quốc đã tăng ba tháng liên tiếp và đạt 20 tỉ đô la Mỹ vào tháng 6, tăng 43,9% so cùng kỳ năm 2009 và có thể tiếp tục tăng cao trong những tháng cuối năm do tốc độ suy giảm nhập khẩu có thể vượt xuất khẩu trong những tháng tới. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối trong quí 2 tăng chậm nhất kể từ năm 1999, chỉ tăng thêm 7,2 tỉ đô la Mỹ lên 2.454 tỉ đô la Mỹ sau khi tăng 47,9 tỉ trong quí 1.

Tăng trưởng công nghiệp Trung Quốc đã giảm liên tiếp trong hai tháng gần đây và nguyên liệu tồn kho giảm, kể cả dầu và kim loại chế tạo. Theo UBS AG, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm từ 11,9% trong quí 1 xuống còn khoảng 8,5-9% trong sáu tháng cuối năm, gây bất an cho các nhà đầu tư do nhu cầu hạn chế tại các nước phát triển đang đẩy kinh tế toàn cầu lệ thuộc vào các nước mới nổi, dẫn đầu là Trung Quốc.

Như vậy, nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách tại nhiều nước phát triển và suy thoái tại châu Âu đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, tác động xấu đến xuất khẩu của Trung Quốc.

Theo đánh giá của Mỹ, việc tái cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc sẽ hỗ trợ xuất khẩu và việc làm tại Mỹ, nhưng tỷ giá nhân dân tệ vẫn thấp sau khi Trung Quốc nới lỏng tiền tệ.

Phía Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi tiến triển trong ba tháng tới khi Trung Quốc cam kết sẽ giúp cân bằng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, rất khó có thể đánh giá chính xác thực chất chính sách tỷ giá của Trung Quốc, vì hoạt động kinh tế còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác.

Chẳng hạn, việc PBC giảm tốc độ cung tiền trong tháng 6 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12-2008 và yêu cầu các ngân hàng phải tăng dự phòng rủi ro khi xóa bỏ neo tỷ giá so với đô la Mỹ, làm tín dụng quí 2 tăng chậm, ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, quyết định tăng giá nhân dân tệ xuất phát từ yêu cầu kiềm chế bong bóng tài sản và tăng trưởng nóng của kinh tế trong nước hơn là áp lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, do kinh tế Trung Quốc dựa quá nhiều vào xuất khẩu, nên Trung Quốc cũng không muốn để nhân dân tệ tăng giá mạnh mà tìm biện pháp thay thế nhằm tăng thu ngoại tệ, đảm bảo nguồn vốn cho việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đồng thời đẩy mạnh mua thêm euro và bảng Anh, khi những đồng tiền này đang mất giá, góp phần cải thiện cơ cấu dự trữ ngoại hối. Trung Quốc đang đẩy mạnh công nghiệp khai khoáng tại các nước đang phát triển, qua đó làm tăng giá trị nhập khẩu và giảm thặng dư thương mại…

PBC cho rằng, không có cơ sở để nhân dân tệ tăng giá mạnh khi Trung Quốc đang tiến dần tới cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Vì thế, khi cán cân thương mại tương đối cân bằng thì tốc độ tăng giá nhân dân tệ có nhiều khả năng sẽ dừng lại, mặc dù thặng dư trong quan hệ thương mại với Mỹ vẫn ở mức cao.

Nhân dân tệ tăng giá có thể gây tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu do họ phải đối mặt với nhu cầu yếu ớt ở nước ngoài và yêu cầu tăng lương. Một số nhà xuất khẩu phải đối mặt với áp lực tăng chi phí lao động khi 20 tỉnh, thành phố tại Trung Quốc nâng mức lương tối thiểu trong năm nay. Các công ty, bao gồm Toyota và Honda, phải tăng lương sau các cuộc đình công, làm tăng chi phí do phải trả lương công nhân bằng nhân dân tệ và thu về bằng đô la Mỹ hoặc euro.

Đối với thương mại và đầu tư quốc tế, nhân dân tệ tăng giá sẽ làm cho hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt hơn, góp phần tăng thêm sức cạnh tranh hàng hóa của những nước khác, nhất là tại những nước mà hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn. Các nền kinh tế xuất khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Cộng hòa liên bang Đức sẽ giành lại được đôi chút lợi thế từ các đối thủ Trung Quốc. Sức cạnh tranh của các nước xuất khẩu vào Trung Quốc cũng gia tăng, nhất là các nhà sản xuất xe hơi, các mặt hàng công nghệ và xây dựng. Các nhà đầu tư đã vay đô la, bán lấy nhân dân tệ để mua chứng khoán và bất động sản tại Trung Quốc cũng có thể bớt lo lắng khi gánh nặng nợ giảm đi.

Tăng trưởng kinh tế chậm dần tại Trung Quốc cùng với các biện pháp thắt chặt chi tiêu tại châu Âu và các nước phát triển có thể làm chậm quá trình phục hồi toàn cầu, ảnh hưởng đến châu Á, do kinh tế nhiều nước trong khu vực này phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước phát triển.

Tác động đối với Việt Nam

Đối với Việt Nam, nhân dân tệ tăng giá sẽ giúp cho các sản phẩm cùng loại của Việt Nam không phải cạnh tranh quá quyết liệt về giá với hàng hóa của Trung Quốc. Việt Nam cũng có thêm lợi thế trong việc thu hút đầu tư nước ngoài do chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam thì quyết định tăng giá nhân dân tệ chưa làm thay đổi cán cân thương mại giữa hai nước trong ngắn hạn, do nhiều mặt hàng của Trung Quốc vẫn quá rẻ so với hàng hóa sản xuất trong nước. Nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu bao gồm hàng tiêu dùng thiết yếu, nguyên phụ liệu và một số máy móc, trong khi xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô, nông sản thực phẩm tiểu ngạch giá trị rất thấp và không ổn định, nhập siêu từ Trung Quốc luôn ở mức cao và thường chiếm khoảng 70-80% tổng lượng nhập siêu hàng năm của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam trong năm tháng đầu năm 2010 đạt 7,37 tỉ đô la Mỹ, chiếm 23,32% tổng giá trị nhập khẩu. Riêng nhập siêu từ Trung Quốc đã lên tới gần 5,05 tỉ đô la Mỹ, xấp xỉ 90% tổng mức thâm hụt thương mại trong năm tháng qua.

Hàng hóa của Trung Quốc đắt lên sẽ hạn chế nhập khẩu, nhất là đối với các nguyên phụ liệu sản xuất, máy móc trang thiết bị nhập khẩu chính ngạch, giá nhập khẩu đầu vào cao thì sản phẩm làm ra cũng sẽ bị đắt lên và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đánh giá tác động của sự kiện này tới chi phí sản xuất, nhất là đối với ngành dệt may và chế biến gỗ mỹ nghệ, là hai ngành phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc.

Trong dài hạn, nhân dân tệ tăng giá sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải điều chỉnh và tìm kiếm thị trường mới, nhất là khi đồng euro và nhiều đồng tiền khác mất giá mạnh so với đô la Mỹ, trong khi hàng hóa nhập khẩu từ khu vực này thường có chất lượng cao hơn với thủ tục minh bạch và rõ ràng hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với cơ chế hoạt động bài bản trong nền kinh tế thị trường đích thực, hàng xuất khẩu sang những thị trường này cũng cho doanh thu cao hơn.

Có thể nói, nhân dân tệ tăng giá chỉ có tác dụng giảm nhẹ căng thẳng giữa các đối tác thương mại và thể hiện cam kết của Trung Quốc trong việc tái cân bằng kinh tế toàn cầu, nhưng tác dụng này chưa đủ lớn để có thể gây xáo trộn trên thị trường tài chính thương mại toàn cầu, ngoại trừ tác động tâm lý. Đối với Việt Nam, nhân dân tệ tăng giá buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh cơ cấu xuất nhập khẩu và chuyển hướng sang những thị trường khác, các doanh nghiệp cần theo dõi diễn biến tỷ giá và thị trường quốc tế để xây dựng chiến lược phát triển dài hạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới