Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhận diện lại con người

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Từ Patrick Modiano của Nobel văn chương năm 2014 đến Annie Ernaux của Nobel văn chương 2022, nước Pháp vẫn được coi là nơi tạo ra những tên tuổi Nobel với tần suất cao. Nhưng hãy bỏ qua cái nhìn gắn với chiều kích quốc gia (dù điều ấy xứng đáng là một vinh dự), việc đi sâu vào sự nghiệp tác phẩm của hai nhà văn Nobel gần nhất của nước Pháp cho thấy một tiến trình tinh thần khá thú vị.

Từ Patrick Modiano đến Annie Ernaux

Patrick Modiano viết rất nhiều, tiểu thuyết có, tiểu thuyết pha trộn hồi ức có, tiểu thuyết tư liệu có, và gần như ông cho ra mắt sách một cách đều đặn, đa số là những cuốn sách mỏng. Ông có một lối viết đặc thù, cuốn người đọc đi vào không gian Paris và ngoại ô của nó ở những thời kỳ lịch sử tạo nên các khoảng không gian co giãn với biên độ lớn, đầy phức tạp: thời Đức tạm chiếm.

Ở mỗi cuốn sách, Patrick Modiano thường cung cấp những bản đồ tinh thần của những cuộc đời ẩn mật, những lai lịch mờ khuất, nói chính xác là những con người không sống bằng danh phận thực của mình trong một Paris nhiều giãn cách. Lối viết của ông có sắc thái “thị dân” cùng những mối quan tâm đến thị dân.

Dù trong bối cảnh tăm tối thì các nhân vật vẫn đi lại, chuyện trò, gặp gỡ, trốn chạy, đeo bám, buông bỏ… theo cách của những thị dân trong một không gian sinh tồn đặc hữu của một Paris nửa này là u uẩn, nửa kia là phồn hoa, nửa này là ánh sáng, nửa kia là những khoảng tối khôn dò.

Đọc các tác phẩm của Patrick Modiano, từ Quảng trường ngôi sao, Lai lịch, Một gánh xiếc qua, Phố của những cửa hiệu u tối, Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, hay bộ ba cuốn Kho đựng nỗi đau, Con chó mùa xuân, Hoa của phế tích… (đều đã được dịch sang tiếng Việt), độc giả dễ hình dung văn nghiệp của ông được tạo nên bởi nhiều cuốn sách, nhưng thực chất, ông chỉ viết một tác phẩm duy nhất về “người Paris”.

Người yêu thứ thi ca cô đọng trong các cuốn sách của ông có thể đi qua nhiều cuốn sách chỉ để được trải nghiệm một Paris mờ ảo, một cuộc kiếm tìm nhân diện nào đó trên bản lược đồ Paris của thời quá khứ như đi vào một cuốn phim chậm rãi, tối giản, kiểu cách mà khoa học. Người đọc sống ngoài văn hóa Paris thì sẽ gặp một con đường đi vào Paris – theo ngõ văn học – đi vào tinh thần của một đô thị trôi nổi, nơi buông bắt những số phận nổi trôi.

Và hãy thử hình dung, nếu độc giả từng mê đắm không gian tiểu thuyết hào hoa (dù tàn nghiệt) của Patrick Modiano, hay trước đó là J.M.G. Le Clézio (nhà văn Pháp đoạt giải Nobel 2008 có những tiểu thuyết đầy chất lãng mạn và suy tưởng), khi đứng trước một kệ sách, liệu họ có thể chọn những cuốn sách có lối viết hướng vào trực diện đời sống như Annie Ernaux không? Trước hết, có vẻ như cần đến một sự cởi mở trong tiếp nhận.

Nhìn vào ký ức như một đối tượng

Nobel văn chương gọi tên J.M.G. Le Clézio, rồi Patrick Modiano và đến Annie Ernaux có thể là vô tình, nhưng hoàn toàn có thể suy diễn như một sự cung cấp những gợi ý về mặt phong cách, tư duy văn học.

Câu trả lời ở đây là độc giả từng mê Patrick Modiano hoàn toàn có thể đọc Annie Ernaux với một tâm thế khác, trong một thước đo giá trị khác. Vẫn là những cuộc kiếm tìm căn tính con người, soi tìm nhân diện con người trong cuộc đời, nhưng ở Annie Erneux, vấn đề mang tính đương đại, và ngược lại, tính đương đại tạo ra vấn đề cho văn chương của bà.

Có thể củng cố lập luận này khi đọc cuốn Một chỗ trong đời của Annie Ernaux (tựa gốc: La place, Nguyễn Thị Thùy An dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2016). Cuốn sách nói về nỗ lực của một người cha đi qua chiến tranh, làm đủ thứ nghề lao động phổ thông để kiếm sống (kể cả từng lấp hố bom), nhưng vì muốn đổi thân phận và tạo điểm xuất phát mới trong giai cấp xã hội cho đứa con gái, ông mở một tiệm cà phê.

Loại hình kinh doanh hướng tới sự hưởng thụ này đã đẩy ông bước vào thế giới tiểu tư sản với những “bài học thích nghi” dở khóc dở cười. Ông sống trong sự mắc kẹt giữa gốc gác nông dân và những đòi hỏi thích ứng của đời sống một ông chủ quán cà phê (dĩ nhiên là phải) ra vẻ tiểu tư sản. Nhưng bi kịch không dừng ở đó, một ngày nọ ông lại bế tắc trong một bi kịch khác: khoảng cách giữa ông và đứa con gái được ăn học và lớn lên trong đời sống mới ngày càng lớn dần, ông gần như không đối thoại được với nó.

Đứa con gái trưởng thành đã viết một cuốn sách dựng lại chân dung người cha nông dân cô độc giữa một xã hội tư sản. Trong cuốn sách đó, người cha trở nên không tên, nhạt nhẽo, lúng túng… Đứa con gái đi từ chỗ cảm thông đến chỗ nhìn người cha như kẻ vô hình trong đời sống:

“Tôi nghĩ rằng ông không còn có ích gì với tôi nữa. Từ ngữ của ông, ý tưởng của ông không được dùng trong các bài học môn tiếng Pháp hay triết học, ngay cả trong ngày nghỉ có ghế tựa dài trải nhung đỏ ở nhà các bạn học cùng lớp. Mùa hè, từ cửa sổ phòng để ngỏ, tôi nghe thấy tiếng ông nện xẻng đều đặn lên lớp đất ải. Bây giờ tôi viết có lẽ bởi vì lúc đó chúng tôi không còn gì để nói với nhau nữa”. (trang 71).

Hình ảnh người cha chở con đi học, ngày mưa cũng như ngày nắng qua lại giữa hai bờ sông; ký ức về buổi sáng người cha dẫn đứa con gái 12 tuổi đi tìm cửa vào thư viện thành phố vì trước đó họ chưa từng đặt chân vào thư viện…, tất cả sẽ còn xoay vần trong đời sống đứa con gái đã thuộc về thế giới tư sản trí thức, bỏ lại ở nhà ga cũ một người cha chỉ thấy chỗ của mình khi được ở lại với gốc rễ giai cấp của mình.

Cuốn sách này xuất bản năm 1983, đánh dấu thành công trong văn nghiệp của Annie Ernaux, được xem là một tự truyện và trải nghiệm về những vấn đề đời sống, xuất thân của chính bà (Annie Ernaux sinh năm 1940, trưởng thành trong một gia đình thuộc tầng lớp nông dân ở Yvetot, vùng Normandy; và tương tự tình tiết trong cuốn sách, cha mẹ của bà từng có một tiệm tạp hóa có đặt mấy chiếc bàn bán cà phê tại quê nhà).

Với giải Nobel được trao cho nữ văn sĩ Annie Ernaux, Viện Hàn lâm Thụy Điển xác định trao cho một sự nghiệp bởi “lòng can đảm, sự nhạy bén sắc lạnh mà bà sử dụng để khám phá căn nguyên, sự bất hòa và những hạn chế của ký ức cá nhân”. Nhưng nói cụ thể hơn, có lẽ điều đặc sắc nhất trong văn chương của Annie Ernaux – nhà văn được ví như người viết “biên niên sử” của xã hội Pháp đương đại – là những phê phán cấu trúc xã hội, những tình thế mà con người bị mắc kẹt và trở nên vô hình trong mắt kẻ khác.

Cuốn Hồi ức thiếu nữ (tựa gốc: Mémoire de fille, Bảo Chân dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2021) lại làm một tự truyện về sự bất lực trong hóa giải một mối quan hệ yêu đương nóng bỏng, mà chỉ có con đường viết ra một cách thuần chất, trần trụi thì mới là một cuộc vượt thoát trước sự đè nặng của ký ức và những định kiến.

Tình yêu, khoái cảm, nỗi đau, sự tuyệt vọng của da thịt… của một cô gái tuổi 18 với những bạn trai trong cuốn sổ ghi “Sự kiện” đã được tái hiện trên cuốn sách. Một thế hệ những nữ sinh Pháp cuối thập niên 1950 bước vào đời với những hoài vọng, tình yêu sôi nổi hiện sinh, cả với những giới hạn liên quan đến cơ thể và cả ý thức giữa sự tách bạch cơ thể với tinh thần: “Hình như tôi không tự đặt cho mình câu hỏi tôi còn trinh tiết hay không. Trong tư tưởng mình tôi đã trở lại thành cô gái còn trinh”. (trang 182).

Điều thú vị là ngay cả khi dệt lại hồi ức, ngòi bút tài năng của Annie Ernaux có lối thể hiện độc đáo. Bà nhìn tiệm cà phê của người cha nông dân qua một cuốn tiểu thuyết mà người con gái viết về cha. Khi viết về những cuộc tình nóng bỏng thời thiếu nữ đi cùng với những nguy cơ phán xét “tiết hạnh”, bà tạo ra một cô thiếu nữ của tuổi mười tám, hai mươi như một đối tượng để “tái hiện” gián tiếp.

Đây không phải là một sự “đào thoát” của tác giả trong vai trò chứng nhân, mà đây chính là một yếu tính, phương pháp của văn chương đương đại: người viết khảo sát ký ức và thân phận mình như một đối tượng, điều mà người đọc đã gặp gỡ Patrick Modiano, và lại gặp ở Annie Ernaux, dù phong cách văn chương ngôn ngữ ở họ có khác nhau.

1 BÌNH LUẬN

  1. Con người hiện đại hay con người tinh khôn đã xuất hiện khoảng từ 4 vạn năm trước. Nhưng để hiểu được con người đến tận hôm nay thì thiên hạ vẫn mãi tiếp tục bàn luận và lý giải. Câu chuyện này chắc không có hồi kết cho dù có bao nhiêu giải văn chương Nobel đi nữa. Bởi vì, rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, cái gọi là “văn minh ngày nay” chưa chắc đã bằng hoặc hơn văn minh ngày xưa. Kể cả bên cạnh đời sống vật chất thì đời sống tâm linh con người cũng là vấn đề bí ẩn chưa thể kiến giải được. Biết vậy, nhưng vẫn phải bàn. Nếu không con người sẽ có nguy cơ bị lãng quên ngay cả chính thân phận của mình ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới