Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhận định về xu hướng thị trường năm 2017

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhận định về xu hướng thị trường năm 2017

Julien Brun, Tổng giám đốc Công ty tư vấn CEL Consulting (*)

Nhận định về xu hướng thị trường năm 2017
Các diễn giả chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Quyên Nguyễn

(TBKTSG Online) – Thứ Năm vừa qua, Vietnam Supply Chain tổ chức “Diễn đàn quản trị chuỗi cung ứng hướng đến năm 2017”, có sự tham dự của nhiều chuyên gia quản trị cung ứng và doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực và ngành nghề. Nội dung thảo luận xoay quanh những cập nhật về thị trường trong nước, xu hướng tiêu dùng, tương lai dịch vụ logistics… Ông Julien Brun, Tổng giám đốc Công ty tư vấn CEL Consulting, có bài ghi nhận tóm lược những điểm chính của diễn đàn. TBKTSG Online giới thiệu cùng bạn đọc.

Thị trường tiêu dùng nội địa

Tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng tại khu vực thành thị và nông thôn trong năm 2017 được dự báo không có khác biệt lớn, mức tăng trưởng khoảng 5%.

Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng (Consumer Confidence Index) trong năm 2016 là 90 điểm, cao hơn năm 2015 (85 điểm), cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Chỉ số niềm tin năm 2017 được dự báo sẽ bình ổn ở mức 89 điểm. Người tiêu dùng cảm thấy tin tưởng hơn vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng phát triển và cải thiện mức sống.

Tuy nhiên những sự kiện về ô nhiễm môi trường và an toàn thực phẩm trong năm qua khiến người tiêu dùng cảm thấy bất an và quan tâm nhiều hơn đến hai vấn đế này. Khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam coi vấn đề an toàn thực phẩm là quan trọng nhất, trên cả công việc, chi phí sinh hoạt, và thiên tai. Chính vì vậy mà người tiêu dùng “trừng phạt” những thương hiệu bị sự cố về an toàn thực phẩm khiến cho doanh thu của những thương hiệu này giảm mạnh 30-60%.

Về xu hướng mua sắm của người Việt Nam, các chuyên gia nhấn mạnh về tầm quan trọng của Internet và thương mại điện tử (TMĐT) đối với những doanh nghiệp muốn tiếp tục cạnh tranh hiệu quả trong tương lai. Hơn 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi, và đây là thế hệ trẻ quen với việc sử dụng công nghệ và mạng Internet để thu thập thông tin về hàng hóa phục vụ cho quyết định mua sắm. Ngoài ra, xu hướng phụ nữ đi làm đang ngày càng tăng khiến cho nhu cầu mua hàng tiêu dùng qua kênh TMĐT cũng gia tăng.

Về thị hiếu thương hiệu, người tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là vẫn trọng thương hiệu Việt hơn thương hiệu quốc tế đối với các mặt hàng thực phẩm, nước giải khát, bia rượu, quần áo và sản phẩm vệ sinh nhà cửa vì hợp túi tiền.

Đối với những mặt hàng giá trị cao như xe máy, ô tô, mỹ phẩm, điện gia dụng và hàng điện tử tiêu dùng thì các thương hiệu nước ngoài lại được người tiêu dùng tín nhiệm hơn.

Sản xuất và xuất khẩu

Trước khi đi vào những vấn đề cụ thể của sản xuất, đại diện của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), đặt vấn đề về tầm quan trọng của trách nhiệm cộng đồng và nhấn mạnh rằng doanh nghiệp nên tập trung xây dựng uy tín đối với cộng đồng bằng cách đáp ứng những kỳ vọng của xã hội không chỉ ở cấp độ thương mại về giá cả và chất lượng, mà còn ở cấp độ lợi ích và phúc lợi bền vững.

Tại sự kiện, đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia đã chia sẻ quan điểm về những trở ngại cũng như thuận lợi của Việt Nam khi sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu.

Vấn đề đầu tiên là nguồn lao động, năng suất lao động và đặc điểm lao động Việt Nam. Các doanh nghiệp cho biết về việc mức lương tối thiểu trong năm 2017 sẽ tăng 7,3%, ít hơn so với những năm trước có thể được coi là một thuận lợi nhỏ đối với doanh nghiệp, vì trên thực tế, đứng trước áp lực cạnh tranh, doanh nghiệp sẵn sàng trả lương cao hơn cho công nhân để giữ người công nhân làm việc lâu dài.

Một doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng điện điện tử cho biết Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất toàn bộ hàng hòa xuất khẩu cho những thị trường chính của họ trên thế giới. Vì chất lượng giữa các doanh nghiệp lớn hầu như không có khác biệt đáng kể nên ai là người sản xuất và đáp ứng nhanh hơn sẽ chiến thắng. Đây chính là lý do mà doanh nghiệp này rất coi trọng nguồn nhân lực tay nghề cao, gắn bó hết lòng vì công ty và sẵn sàng đầu tư thay vì cắt giảm chi phí lao động.

Các doanh nghiệp đều cho rằng mức lương của Việt Nam trong nhiều năm tiếp theo sẽ vẫn có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Nhìn chung các doanh nghiệp cho rằng mặc dù năng suất lao động của người Việt Nam còn thấp, nhưng tâm thức cởi mở với những đổi mới của người Việt khiến cho việc triển khai những dự án cải thiện ở các nhà máy sản xuất rất thuận lợi.

Về vấn đề ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp đều cho rằng việc chuẩn bị sẵn sàng để nâng cấp và thích ứng với xu hướng công nghê mới là rất quan trọng. Đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay thế hệ trẻ của các gia đình nông dân đang từng bước thay thế cha mẹ họ và trở thành những nông dân hiểu biết về công nghệ. Mặc dù còn đang ở giai đoạn sơ khai nhưng xu hướng ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp sẽ ngày càng phổ biến.

Ngoài ra doanh nghiệp cũng nêu ra mong đợi về việc số hóa quy trình và thủ tục xuất nhập khẩu để giảm thời gian cũng như công sức thực hiện và xử lý giấy tờ.

Tương lai công nghệ hóa dịch vụ logistics

Đại diện của các doanh nghiệp logistics nội địa và quốc tế chia sẻ tình hình kinh doanh năm 2016 tương đối thuận lợi và tin tưởng vào triển vọng trong năm 2017.

Một bài học quan trọng đối với các doanh nghiệp logistics trong năm qua là trường hợp của điện thoại Samsung Galaxy Note 7. Những mặt hàng điện thoại giá trị cao như Samsung thường được vận chuyển bằng đường hàng không để đảm bảo cung ứng nhanh cho các thị trường. Tuy nhiên vì rủi ro cháy nổ lớn mà dòng điện thoại này không được phép đưa lên máy bay, gây trở ngại cho chuỗi cung ứng của Samsung và bài toán khó cho đối tác dịch vụ logistics của Samsung.

Ngoài ra những doanh nghiệp logistics cũng nhận thấy xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành logistics. Những bước tiến của lĩnh vực trí tuệ thông minh hiện được các doanh nghiệp hàng đầu thế giới triển khai thử nghiệm và có những kết quả khả quan sẽ là bàn đạp để trí tuệ thông minh được hiện thực hóa sớm hơn chúng ta nghĩ.

Đối với lĩnh vực kho vận, hiện nay những nghiên cứu về robot có thể thay thế con người thực hiện những thao tác soạn hàng, di chuyển hàng hóa và kiểm đếm hàng hóa đang được tiến hành và đã được thử nghiệm bởi các doanh nghiệp dẫn đầu.

Nhiều ý kiến cho rằng tương lai robot của thế giới có thể được nghiên cứu và phát triển ở những cường quốc kinh tế nhưng khả năng cao sẽ được sản xuất bởi những quốc gia như Việt Nam.

Ngoài ra công nghệ cũng có tầm ảnh hưởng rất lớn với thành công của ngành logistics khi mà TMĐT ngày càng phát triển mạnh mẽ. Những doanh nghiệp TMĐT hiện đã có những bước tiến trong việc sử dụng các thuật toán phân tích khối lượng dữ liệu số lớn để dự báo được người tiêu dùng sẽ mua gì trước khi bản thân họ biết họ cần sản phẩm đó. Như vậy việc mua bán qua mạng sẽ trở nên rất nhanh và năng động, và dịch vụ logistics cần phải bắt kịp được nhịp độ đó bằng những công nghệ thông minh.

Hầu hết các doanh nghiệp đều cảm thấy lạc quan vào kinh tế năm 2017. Mặc dù TPP có thể sẽ không được thông qua, nhưng điều đó cũng không thay đổi thực tế Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn xuất khẩu vào Mỹ. Ngoài TPP, Việt Nam còn có thể kỳ vọng vào những hiệp định thương mại khác như hiệp định thương mại Á-Âu được dự báo sẽ tăng 2,27% vào tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Đức Tâm ghi

Vietnam Supply Chain là một tổ chức độc lập phi lợi nhuận, đóng vai trò như một trung tâm chia sẻ các kiến thức và hoạt động trong ngành chuỗi cung ứng tại Việt Nam từ năm 2008 tới nay.

Mời xem thêm:

Nông nghiệp Việt và những thách thức trong quản trị logistics

Logistics: không cạnh tranh nổi vì chi phí vận tải

Để quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới