Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhân lực cho TMĐT: Cung chưa theo kịp cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhân lực cho TMĐT: Cung chưa theo kịp cầu

Đình Nghĩa

Nhân lực cho TMĐT: Cung chưa theo kịp cầu
Minh họa: Khều.

(TBVTSG) -Trong xu hướng thúc đẩy việc ứng dụng thương mại điện tử như một trong những giải pháp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại, các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến nguồn nhân lực cho hoạt động thương mại trực tuyến. Bên cạnh nhu cầu tuyển dụng nhân sự có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực khá mới mẻ này, các công ty cũng tìm kiếm và gửi nhân viên đến các khóa học chuyên ngành liên quan đến thương mại điện tử. Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp nói rằng để tìm được các khóa đào tạo có bài bản và theo đúng nhu cầu của họ là việc khá khó khăn.

Các chuyên gia thương mại nhận định hai năm gần đây có thể được xem là khoảng thời gian khá sôi động của việc dạy và học thương mại điện tử, bởi nhu cầu cử người theo học các khóa ngắn hạn theo từng chuyên ngành như tiếp thị trực tuyến, quảng cáo trực tuyến, bán hàng trực tuyến, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm và truyền thông xã hội tại các doanh nghiệp đang tăng lên. 

Nhu cầu tăng cao

Ông Nguyễn Bình Long, Trưởng phòng Công nghệ thông tin của Công ty Du lịch Vietravel, cho biết hiện doanh nghiệp này đang đẩy mạnh dịch vụ bán tour cho khách qua mạng (e-tour). Những yêu cầu được đặt ra cho đội ngũ nhân sự của bộ phận này rất cụ thể nhưng công ty vẫn khó tuyển dụng được nhân viên mới vừa am hiểu thị trường du lịch vừa giỏi một số kỹ năng như tư vấn trực tuyến cho khách, hướng dẫn khách các phương thức thanh toán trực tuyến và chăm sóc khách sau bán hàng…

Ở hệ thống siêu thị Thegioididong.com, nhân sự giỏi về thương mại điện tử đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút khách hàng và giúp gia tăng doanh số bán hàng, đặc biệt trong giai đoạn doanh nghiệp đang đẩy mạnh dịch vụ bán hàng qua mạng, theo ông Trần Nhật Linh, Giám đốc bán hàng trực tuyến của công ty.

Trong khi đó, theo ông Phạm Như Bách, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Mai Lan – một công ty trong ngành giấy, cho hay doanh nghiệp ông chỉ mới ứng dụng những tiện ích ban đầu của thương mại điện tử. Ngoài việc tận dụng trang web cho hoạt động thông tin về hoạt động doanh nghiệp, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, dịch vụ…, công ty cũng đang ứng dụng các giải pháp trực tuyến trong khâu quản lý chuỗi cung ứng, sản xuất, bán hàng, thanh toán tiền lương trong nội bộ, lập hóa đơn, quản lý công nợ và báo cáo thuế định kỳ hằng tháng với cơ quan thuế. Dự kiến, sắp tới, công ty sẽ tổ chức kênh chăm sóc khách hàng trực tuyến, làm thủ tục xuất khẩu trực tuyến.

Có lẽ đánh giá được những tiện ích mà thương mại điện tử mang lại có phạm vi rất lớn nên không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ mà cả các nhà xuất nhập khẩu nông sản, dệt may cũng liên tục cử nhân viên đi học các khóa về đấu thầu trực tuyến, xuất khẩu trực tuyến, chào giá và tìm kiếm khách hàng nhập khẩu…, càng làm cho thị trường đào tạo ngành này thêm sôi động.

Nguồn cung còn hạn chế

Tuy số lượng khóa đào tạo về thương mại điện tử ngày một tăng lên và ngày càng có nhiều nhà cung ứng tham gia vào hoạt động này nhưng theo ông Long, để tìm được một khóa học tương đối hoàn chỉnh và phù hợp với ngành du lịch thì khá khó khăn. Ông nhận xét các khóa đào tạo hiện chủ yếu là khóa ngắn hạn, với nội dung giảng dạy chủ yếu là các kiến thức tổng quát và giới thiệu ứng dụng thương mại điện tử trong khâu quản lý kinh doanh. Do đó, sau khi hoàn thành khóa học, các học viên chưa thể vận dụng có hiệu quả kiến thức đã học vào công việc thực tế. Trong trường hợp của Vietravel, ông Long cho biết công ty phải tự tổ chức các buổi tập huấn riêng cho nhân viên về lĩnh vực này.

Tương tự quan điểm của ông Long, ông Phạm Trường Khánh, Giám đốc tiếp thị Công ty Bảo hiểm Liberty, nói rằng công ty ông vẫn chưa tìm được nơi cung cấp các khóa đào tạo  riêng về triển khai thương mại điện tử trong ngành bảo hiểm. Do đó, Liberty khuyến khích nhân viên học trực tuyến trên mạng hoặc tham gia các khóa học của các đối tác như công ty IDM, công ty Maxus Global Media.

Ông Đỗ Mạnh Tuyên, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Vimua.com, nói rằng để ứng dụng tốt thương mại điện tử trong tác nghiệp hằng ngày, nhân viên công ty ông chủ yếu dựa vào các hình thức tự học và tích lũy dần kinh nghiệm trong quá trình làm việc.

Cũng theo các doanh nghiệp, hình thức đào tạo tại chỗ ngắn hạn hiện là cách thức ít tốn kém chi phí và thời gian nhất, có thể đáp ứng nhu cầu trước mắt của doanh nghiệp và giúp tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, về  mặt chiến lược, hình thức đào tạo này không giúp trang bị cho nhân viên những kiến thức có hệ thống và chuyên ngành kinh doanh của từng doanh nghiệp, do đó hiệu quả về lâu dài không cao.

Một hình thức đào tạo khác là thuê chuyên gia đến giảng dạy tại công ty, tuy tốn kém hơn nhưng có hiệu quả, giúp nhân viên cập nhật những kiến thức, ứng dụng mới trong thương mại điện tử và phù hợp với chuyên ngành kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Khánh, các tổ chức đào tạo nên có chương trình kết hợp giữa đào tạo và tư vấn sau đào tạo, giúp doanh nghiệp khách hàng ứng dụng tốt những nghiệp vụ đã học vào công việc kinh doanh. Bên cạnh đó, ông Bách cho rằng, trong khóa học ban tổ chức nên sắp xếp cho học viên có cơ hội tham quan và thực tập tại các doanh nghiệp đã ứng dụng thành công thương mại điện tử, kèm theo mức chi phí phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới