Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhân lực và nhân sự

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhân lực và nhân sự

Thiên Triều

(TBKTSG) – Thú thật, trước tin nhà toán học Ngô Bảo Châu thành danh trên trường quốc tế, tôi có cảm giác vui, buồn lẫn lộn. Vui thì đã rõ; còn buồn là khi cùng khoảng thời gian ấy liên tiếp nổ ra những phanh phui về việc sử dụng bằng cấp giả trong giới quan chức.

Không rõ ở xứ ta có các “tháp ngà học thuật” hay không, chứ nhìn đâu cũng thấy viện, trường… Thậm chí còn muốn mở những “viện… cao cấp”. Thế nhưng, kết quả thì xin lấy vài thí dụ ngoài chợ. Tại sao gạo hương lài của ta vẫn không thơm bền như của láng giềng Thái Lan? Tại sao trái cây “ta” vẫn cứ “đẹt” hơn trái cây Thái về chất lượng và giá cả? Tại sao giá gạo của ta cứ phải lẹt đẹt sau lưng láng giềng, thậm chí cứ phải “tranh nhau phá giá” hoặc đến hẹn lại… hết gạo để xuất? Xin hãy cứ tạm so với dân Thái, khoan nói đến thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển hơn nữa.

Trong cái vui “chia sẻ” này, liệu có nên đặt câu hỏi: Những nhà khoa học thành danh ở nước ngoài, nếu về nước, sẽ làm được gì? Cũng đã có vô số tiến sĩ tốt nghiệp ở Tây, ở Tàu hồi hương và rơi vào cõi thinh lặng hoặc từ giã con đường học thuật. Nhiều năm đã trôi qua, sao vẫn cứ dùng khái niệm trải thảm đỏ cầu hiền từ nước ngoài về đóng góp để rồi chấm than với hai chữ “cơ chế”!

Cơ chế nào cho phép đùng một cái khơi khơi trưng ra bằng… tú tài, tiến sĩ để rồi sau đó đùng một cái lên quan? Vấn đề ở chỗ “khơi khơi” đó, chứ không chỉ là cái bằng giả! Khi một lãnh đạo xã 40 tuổi đầu, bỗng dưng lòi ra cái bằng tú tài giả, vấn đề không phải là tính trung thực của cá nhân ấy, mà còn là của cả tổ chức cơ sở ấy, vì tính liên đới “làm ngơ”!

Vấn đề không dừng ở đó mà còn là mấy ngàn dân, có khi lên đến cả vạn dân xã ấy đã và đang sống, làm ăn, hưởng mọi chính sách chế độ nhà nước như thế nào từ một lãnh đạo mà trình độ học vấn chưa xong lớp 12? Lãnh đạo như vậy làm sao đọc, hiểu các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước mà thi hành, vận dụng cho đúng? Làm sao biết và hiểu luật đủ để mà trị và an dân?

Cũng thế, khi một lãnh đạo sở thản nhiên lãnh đạo một ngành với một tấm bằng giả, thì vận hội nào cho tỉnh ấy, ngành ấy? Lãnh đạo kiểu cứ nắm ghế trước, kiếm bằng cấp sau, thì xã ấy, ngành ấy, tỉnh ấy sẽ đi về đâu? Cơ chế ở đó như thế nào mà để cho hiện tượng ngược đời đó xảy ra và tiếp diễn? Nếu ở đó, lãnh đạo xã hay ngành, khơi khơi sử dụng bằng giả, thì liệu có chấp nhận “nhắm mắt” cho bệnh viện ở đó nhận bác sĩ xài bằng giả vào làm việc không?

Còn nhớ có lần gặp các lãnh đạo của S21, cơ quan cải cách hành chính của Singapore, mới vỡ lẽ hóa ra những chàng trai, cô gái ra đón chính là ban giám đốc cơ quan chịu trách nhiệm ấn định phương hướng và lộ trình cải cách cả bộ máy hành chính của đất nước. Họ cùng các cộng sự đã đi khắp nơi, học mọi điều hay cái dở của thiên hạ về mà chiêm nghiệm tìm con đường riêng cho đất nước mình. Họ bảo chính phủ họ chọn người trẻ vào làm công tác cải cách để tránh sức ì.

Muốn thu hẹp khoảng cách với ASEAN, như khẩu hiệu của Hội nghị Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN, thì phải bắt đầu từ đâu?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới