Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhân tài công nghệ Trung Quốc ở nước ngoài không muốn về nước

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Văn hóa làm việc độc hại, với số giờ làm việc cao mỗi tuần trong những môi trường căng thẳng khiến Trung Quốc không thể thu hút nhân tài nước ngoài, ngay cả những người gốc Hoa.

Văn hóa làm việc nhiều giờ là đặc trưng của các công ty công nghệ Trung Quốc. Ảnh: Getty

Nản lòng với văn hóa làm việc nhiều giờ

Sau khi bị Amazon sa thải vào tháng 1, Mark Liu, kỹ sư phần mềm người Canada gốc Hoa, lên chuyến bay trở về quê hương ở miền trung Trung Quốc. Chàng trai 30 tuổi này quyết định nghỉ ngơi ở nhà và dành thời gian cho bố mẹ và ông bà trước khi tìm công việc mới. Nhưng anh cho biết không có ý định chọn bến đỗ mới ở Trung Quốc, thay vào đó, anh vẫn tìm kiếm cơ hội ở Canada dù làn sóng sa thải công nghệ hiện nay chưa có dấu hiệu dừng lại.

Liu, người đã chuyển đến Canada định cư vào năm 2019, chia sẻ: “Tôi vẫn chưa cân nhắc kế hoạch làm việc ở Trung Quốc vào thời điểm hiện tại”

Trong vài tháng qua, khi làn sóng sa thải nhân sự trong lĩnh vực công nghệ dâng cao và Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới sau ba năm thực hiện chính sách ‘zero Covid’, các kỹ sư Trung Quốc làm việc tại Mỹ và Canada đã phân vân nên ở lại quay trở về quê hương

Băc Kinh đang nỗ lực thu hút nhân tài về nước trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ với Mỹ đang sôi sục. Tuy nhiên, sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống do văn hóa làm việc nhiều giờ gây căng thẳng, thậm chí độc hại hơn ở các công ty công nghệ trong nước đã làm nhụt chí những người Trung Quốc làm việc ở nước ngoài khi họ xem xét trở về quê hương

Mark Liu là một trong số họ, dù đôi khi anh tự hỏi liệu có phải là lựa chọn đúng đắn khi chọn làm viêc một nơi cách quê nhà hơn 9.000 km chỉ để thoát khỏi tình trạng làm thêm giờ liên miên và sự quản lý khắc nghiệt.

Sau khi tốt nghiệp với tầm bằng cử nhân vào năm 2014, Liu gia nhập một ngân hàng nhà nước ở Thượng Hải, nơi sếp của anh đặt ra yêu cầu rõ ràng với nhóm làm việc của anh rằng số giờ làm thêm “bắt buộc” của họ phải là 46 giờ mỗi tháng.

“Nếu bạn không đạt được yêu cầu làm thêm 46 giờ, sếp sẽ phê bình bạn. Và trong năm làm việc thứ hai của tôi ở ngân hàng này, thời gian làm thêm được nâng lên 50 giờ mỗi tháng”, Liu nói, đồng thời cho biết thêm công ty anh cũng thường xuyên yêu cầu nhân viên tham gia các buổi họp sau giờ làm việc.

“Công ty tôi tìm đủ cách để thao túng và kiểm soát nhân viên. Tôi có cảm giác công ty không cư xử nhân viên như là đối tác và người hỗ trợ, mà chỉ đơn thuần là người đã được trả lương để làm việc”, Liu nói.

Luật lao động của Trung Quốc quy định thời gian làm việc là 8 giờ mỗi ngày và 40 giờ một tuần, nhưng thực tế, có rất ít chủ sử dụng lao động hành tuân thủ.

Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, thời gian làm việc trung bình hàng tuần hiện nay của nhân viên ở các công ty nước này là 47,9 giờ. Trong khi đó, tại Mỹ vào tháng 1-2023, thời gian làm việc trung bình của tất cả nhân viên làm việc trong các lĩnh vực phi nông nghiệp tư nhân là 34,7 giờ mỗi tuần, theo Cục Thống kê lao động Mỹ.

Các công ty Trung Quốc nổi tiếng với các giá trị làm việc chăm chỉ, tiêu biểu cho “văn hóa 996” của lĩnh vực công nghệ, nghĩa là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong sáu ngày một tuần. Trong khi một số công ty công nghệ đã giảm giờ làm trong hai năm qua trước phản ứng chỉ trích dữ dội trên các mạng xã hội, thì chế độ làm việc 40 giờ mỗi tuần vẫn là giấc mơ xa vời đối với nhiều nhân viên công nghệ, những người cũng bị coi là già ngay khi họ đến tuổi 35 và có nguy cơ bị bị sa thải.

Nhân viên đến văn phòng làm việc trong giờ cao điểm ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Môi trường làm việc ít tự do

Trên 1Point3Acres, một cộng đồng trực tuyến dành cho nhân viên công nghệ Trung Quốc ở nước ngoài, các bài viết so sánh văn hóa làm việc của Trung Quốc và Mỹ xuất hiện thường xuyên trong vài tháng qua, vì nhiều người dùng đang cân nhắc việc quay trở lại Trung Quốc.

“So với các công ty ở Mỹ, môi trường làm việc ở công ty ở Trung Quốc ít tự do hơn và tài năng không được coi trọng”, một người dùng cho biết.

Điều này có thể gây bất lợi cho Trung Quốc, nước đang khát nhân tài công nghệ, đặc biệt là những người có kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu ở nước ngoài, trong bối cảnh Bắc Kinh phải đối mặt với sự kiểm soát tiếp cận công nghệ cao từ Mỹ và các đồng minh.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc,  từ các công ty nhà nước đến các công ty tư nhân mới thành lập, đang chịu sức ép lớn hơn, buộc họ phải đưa ra các gói thù lao ấn tượng để thu hút các kỹ sư tài năng.

Neo, một kỹ sư chip người Trung Quốc, làm việc tại bờ biển phía tây nước Mỹ, cho biết mỗi ngày, anh đều tự hỏi liệu có nên trở về quê hương hay không. Nhưng giờ đây, anh quyết định ở lại Mỹ. Anh nói: “Khối lượng công việc ở Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều, nhưng lương có thể không cao. Cho đến nay, tôi chưa thấy bất kỳ kỹ sư trẻ của Trung Quốc chọn con đường trở về”.

Hầu hết nhân tài Trung Quốc quyết định về nước vì họ đã chạm ngưỡng giới hạn trong công việc ở Mỹ và nhận thấy họ có cơ hội đảm nhận một vị trí cao hơn ở cấp phó chủ tịch hoặc cấp điều hành trong một công ty Trung Quốc.

“Thường thì những người này đã có thẻ xanh vào thời điểm đó, vì vậy, họ có thể ở lại Trung Quốc lâu hơn nếu muốn, hoặc quay lại Mỹ sau một thời gian”,  Neo nói.

Sự khác biệt trong văn hóa làm việc giữa hai nước cũng cũng là điều mà Neo cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra quyết định không về nước.

Vì vợ mới sinh con nên Neo thường tham dự cuộc họp buổi sáng khi đang trên giường ngủ, trước khi ăn sáng, cho em bé ăn và dắt chó đi dạo. Sau đó, anh mới đến văn phòng làm việc của công ty.

“Tôi không thể tưởng tượng mình sẽ được phép làm những điều này nếu quay trở lại Trung Quốc. Và bất cứ khi nào có vấn đề xảy ra ở đây, mọi người có thể tập trung vào việc tìm ra giải pháp hơn là “thủ phạm”. Không ai cạnh tranh với nhau bằng cách ở lại văn phòng làm việc sau giờ làm chính thức”

Dù Liu đang cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống ở Canada nhưng anh không loại trừ khả năng trở lại Trung Quốc trong tương lai.

“Có ai thực sự muốn đi xa nhà đến một nơi không có cha mẹ, người thân, bạn bè ở bên cạnh và không thể nói tiếng mẹ đẻ không? Tôi nghĩ mọi người sẽ muốn quay trở lại Trung Quốc nếu điều kiện cho phép, để giúp xây dựng đất nước hoặc chỉ để đoàn tụ với gia đình”.

Theo SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới