Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Nhẵn túi’ vì Covid-19, thanh niên Trung Quốc bán tháo vật dụng cá nhân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

‘Nhẵn túi’ vì Covid-19, thanh niên Trung Quốc bán tháo vật dụng cá nhân

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Nhiều người tiêu dùng trẻ ở Trung Quốc bắt đầu thanh lý những món đồ mỹ phẩm, áo quần khi bị mất việc, thu nhập giảm giữa lúc nền kinh tế trong nước bị dịch Covid-19 giáng đòn nặng nề.

'Nhẵn túi' vì Covid-19, thanh niên Trung Quốc bán tháo vật dụng cá nhân
Giới trẻ Trung Quốc đang chọn lối sống tối giản bằng cách giảm mua sắm và thanh lý tủ đồ của họ. Ảnh: Reuters.

“Giải phóng” tủ đồ, chủ trương lối sống tối giản

Khi ngày có nhiều người Trung Quốc mất việc, nghỉ việc không lương hoặc bị giảm lương do tác động của dịch Covid-19, nền kinh tế tiêu dùng của Trung Quốc bắt đầu đảo ngược.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở Trung Quốc, thay vì quay trở lại với thói quen mua sắm từng giúp thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ đang “xả tủ đồ” để bán và chủ trương lối sống tối giản trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Với mức thu nhập hằng tháng 7.000 nhân dân tệ (988 đô la Mỹ), Tang Yue, người tự nhận mình là “nghiện mua sắm”, cho biết, trong ba năm qua, cô mua mọi thứ từ son môi Chanel cho đến mẫu iPad mới nhất.

Nhưng giờ đây khi lương bị cắt giảm do các khóa học quản trị du lịch ở ngôi trường nơi cô đứng lớp bị tạm dừng, thói quen mua sắm không cưỡng lại được của cô cũng biến mất.

Cô nói: “Cơn bùng phát dịch Covid-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh. Khi chứng kiến sự sụp đổ của nhiều ngành kinh doanh, tôi nhận ra rằng tôi không còn vùng đệm tài chính nếu có chuyện gì đó không may xảy ra với tôi”.

Tang Yue lập ra một bảng biểu Excel để liệt kê gần 200 mỹ phẩm và hàng trăm món áo quần mà cô mua sắm bấy lâu. Sau đó, cô đánh dấu màu đỏ vào những món đồ thiết yếu mà cô muốn giữ lại. Trong hai tháng qua, cô đã thanh lý nhiều món đồ trên các chợ đồ cũ trực tuyến và thu về gần 5.000 nhân dân tệ.

Jiang Zhuoyue, 31 tuổi, làm kế toán ở một công ty kinh doanh thuốc Đông y truyền thống ở Bắc Kinh, cũng bắt đầu chuyển sang lối sống tối giản. Cô cho hay gần đây, cô đã bán gần 50 món đồ thời trang cũ khi lệnh phong tỏa giúp cô có thời gian để dọn dẹp lại tủ đồ của mình.

Cô nói: “Dịch bệnh tạo cho tôi cơ hội suy nghĩ lại điều gì cần thiết đối với tôi và tầm quan trọng của việc hoạch định tài chính”.

Một số người khác thậm chí bán cả thú cưng khi họ cân nhắc rời bỏ các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, những nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ.

Dòng hashtag #ditchyourstuff (tống khứ đồ đạc của bạn) đang là xu hướng gây chú ý trên các mạng xã hội Trung Quốc trong những tuần gần đây, thu hút hơn 140 triệu lượt xem.

Buôn bán đồ cũ lên ngôi

Nếu xu hướng sống tối giản mới hình tiếp tục duy trì một khi cuộc khủng hoảng Covid-19 qua đi hoàn toàn, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng ngành tiêu dùng Trung Quốc và gây tổn thương hàng ngàn doanh nghiệp từ các nhà bán lẻ lớn cho đến những nhà hàng, phòng tập gym, tiệm thẩm mỹ ở các góc phố.

Một cuộc khảo sát gần đây của hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey&Co cho thấy 20-30% người được hỏi ý kiến ở Trung Quốc nói họ sẽ tiếp tục thận trọng bằng cách mua sắm ít lại.

“Lệnh phong tỏa giúp nhiều người tiêu dùng nhiều thời gian và lý do để nghiền ngẫm và cân nhắc điều gì quan trọng đối với họ”, Mark Tanner, Giám đốc Công ty nghiên cứu và tư vấn thị trường China Skinny ở Thượng Hải, nhận xét.

Ông cho rằng trong những ngày bị cầm chân ở nhà, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc lọc ra những món đồ họ không cần và quyết định bán lại chúng để căn hộ của họ đỡ bề bộn.

Giờ đây, săn lùng các món hàng cũ đại hạ giá là một thói quen mới đối với người tiêu dùng Trung Quốc khi sĩ diện dùng đồ cũ bắt đầu tan biến.

Idle Fish, chợ trực tuyến buôn bán đồ cũ lớn nhất Trung Quốc, một đơn vị thành viên của Alibaba, ghi nhận doanh số giao dịch hàng ngày đạt mức kỷ lục trong tháng 3.

Các nhà nghiên cứu chính phủ Trung Quốc dựa báo doanh số giao dịch hàng cũ ở Trung Quốc có thể cán mốc 1.000 tỉ nhân dân tệ (141 tỉ đô la) trong năm nay.

Xu Chi, nhà phân tích ở Công ty chứng khoán with Zhongtai Securities, nhận định một số người tiêu dùng Trung Quốc có thể nhanh chóng hình thành thói quen giảm mua sắm nhanh chóng dựa vào một giả thuyết khoa học nổi tiếng cho rằng con người mất 21 ngày để hình thành thói quen mới.

Ông nói: “Chúng tôi tin rằng thói quen mua sắm của người dân sẽ đi theo giả thuyết nổi tiếng này. Điều này có nghĩa là khi phần lớn người dân ở Trung Quốc bị cầm chân ở nhà trong hơn một tháng và không mua sắm gì cả, họ sẽ phá bỏ thói quen mua sắm và hình thành thói quen giảm mua sắm.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới