Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Nhân vật’ của giao thông năm 2022: Cao tốc Bắc – Nam

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong năm 2022 này, nếu nói đến hạ tầng giao thông thì cao tốc có thể được xem là “nhân vật” nổi bật nhất. Việc đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống cao tốc Bắc – Nam cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc gỡ nghẽn cho hạ tầng giao thông và thực thi chiến lược phát triển kinh tế đất nước thông qua liên kết vùng. Đây là những vấn đề đã được nói đến từ lâu và giờ đây đã bắt đầu hiện thực hóa.

Một hạ tầng giao thông tốt sẽ tạo ra không gian phát triển quốc gia thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế từng vùng, tiến tới chấm dứt tình trạng phát triển hạ tầng, kinh tế theo địa giới hành chánh như trước đây.

Trong thời gian hai tuần trước Tết Nguyên đán, toàn bộ 25 gói thầu trong dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ lần lượt được khởi công. Trong lịch sử ngành giao thông vận tải Việt Nam, chưa bao giờ tiến độ thi công cao tốc lại nhanh như vậy.

Một đoạn cao tốc Bắc – Nam vừa đi vào hoạt động. Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Liên kết để phát triển quốc gia như một thể thống nhất

Chiều 21-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, không gian phát triển quốc gia thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế từng vùng.

Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 do Chính phủ xây dựng trên quan điểm quan trọng là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, ràng buộc bởi địa giới hành chính.

Về phát triển các hành lang kinh tế, dự kiến có 2 hành lang Bắc – Nam: Hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông và quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang – Cà Mau. Trong giai đoạn đến năm 2030 ưu tiên phát triển hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển.

Việc phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng là rất quan trọng để hình thành “các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia”. Trong đó, quy hoạch sẽ tập trung vào hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam và Đông – Tây; vành đai kinh tế ven biển nhằm kết nối hiệu quả cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn.

Bên cạnh hành lang kinh tế Bắc – Nam, việc ưu tiên phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây rất quan trọng.  Các hành lang Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; hành lang Lao Bảo – Đông Hà – Đà Nẵng; Mộc Bài – TPHCM – Vũng Tàu đều là những trục tăng trưởng quan trọng. Việc chú trọng thiết kế hướng Đông – Tây sẽ giúp nhiều cơ sở hạ tầng, nhất là các cảng biển tăng hiệu quả lên rất nhiều trong giao thương quốc tế.

Gỡ nút thắt cổ chai hạ tầng đang cản trở logistics

Hồi cuối tháng 11 tại hai sự kiện là Hội nghị triển khai chương trình hành động phát triển vùng Đông Nam Bộ và Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022, các diễn giả và đại diện cơ quan chức năng đều chỉ ra một điểm chung gây cản trở đà phát triển là logistics. Phải cấp tốc khơi thông các cục nghẽn trong mạch máu giao thông thì “cơ thể” logistics mới phát triển cường tráng được.

Nguyên nhân gây tắc nghẽn đã thấy rõ nhưng tháo gỡ thì không đơn giản chút nào vì cần nhiều biện pháp đồng bộ đi kèm từ hạ tầng đến công nghệ, nguồn nhân lực. Điểm đầu tiên cần tháo gỡ gấp là hạ tầng giao thông, đặc biệt ở phía Nam và thủ phủ logisstics là Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh thành TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép. Báo cáo Logistics Việt Nam được công bố tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 cuối tuần qua đánh giá, ngành này có quy mô khoảng 40 tỉ đô la Mỹ, xếp thứ 11 trong 50 thị trường logistics mới nổi.

Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng ở mức mức cao. Trong giai đoạn từ 2015 tới nay, khối lượng vận tải hàng hóa tăng bình quân khoảng 17%/năm, từ mức 1,15 tỉ tấn vào năm 2015 lên 1,64 tỉ tấn vào năm 2021, đóng góp trực tiếp của lĩnh vực logistics vào GDP hàng năm ở mức 4 – 5%.

Điểm nghẽn của logistics là cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu kết nối. Hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng nhu cầu vì đường nhỏ, tải trọng hạn chế, đặc biệt đối với hàng container, hàng công trình và còn quá nhiều giao lộ gây tắc nghẽn, xung đột giao thông. Việc vận tải đa phương tiện chưa phát huy hiệu quả vì thiếu kết nối giữa đường sắt – đường bộ – đường thủy nội địa.

Tại Hội nghị triển khai hành động về phát triển vùng Đông Nam Bộ, dẫn chứng trong 10 năm qua cả vùng chỉ hoàn thành 50 km đường cao tốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, ùn tắc giao thông đang là thách thức lớn của Đông Nam Bộ.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu vận tải đã vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống giao thông của vùng này. Nhiều quốc lộ chính yếu đã hết công suất khai thác và quá tải trong khi cao tốc liên vùng, những con đường hướng tâm, vành đai triển khai rất chậm.

Đến nay, vùng Đông Nam Bộ mới chỉ đưa vào khai thác 95/911km cao tốc theo quy hoạch. Kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải từ nay đến năm 2030 phải làm được gần 800 km đường cao tốc cho khu vực này, với tổng số tiền đầu tư gần 420.000 tỉ đồng.

Thi công đoạn cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu. Ảnh: TTXVN

Cao tốc Bắc – Nam tăng tốc

Bộ Giao thông Vận tải đã ấn định các mốc thời gian khởi công dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, đối với 12 gói thầu khởi công năm 2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Ban quản lý dự án khẩn trương thực hiện công tác chỉ định thầu, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải ngân vốn giải phóng mặt bằng đã bố trí năm 2022, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, đáp ứng tiến độ khởi công 12 gói thầu của 12 dự án thành phần trước ngày 31-12-2022.

Các nhà thầu chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức khởi công, sau khi khởi công phải thực hiện ngay việc triển khai thi công.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ đạo, đối với 13 gói thầu còn lại. Các Ban quản lý dự án tập trung chỉ đạo quyết liệt tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra và các đơn vị liên quan, hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán. Bộ trưởng yêu cầu nỗ lực để khởi công toàn bộ các gói thầu chậm nhất ngày 15-1-2023, tức trước tết Nguyên đán Quý Mão.

Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 là dự án đầu tiên có tốc độ thực hiện nhanh. Tại dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, thời gian thực hiện lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần mất khoảng một năm, tính từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, ở dự án giai đoạn 2, thời gian chỉ hơn 5,5 tháng.

Thời gian tổ chức thực hiện công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn xong các nhà thầu thi công ở dự án giai đoạn 1 khoảng một năm rưỡi, thì ở giai đoạn 2 chỉ 6 tháng.

Tính chung thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, gồm phê duyệt dự án và phê duyệt thiết kế dự toán thì mất khoảng 3 năm ở giai đoạn 1, đến giai đoạn 2 chỉ chưa đầy một năm.

Chỉ một tháng sau khi Quốc hội có Nghị quyết 44 phê duyệt chủ trương đầu tư, ngày 11-2-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 18 đề ra chi tiết các mốc tiến độ, nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương, kèm các cơ chế đặc thù để đảm bảo tiến độ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần ngay trong năm 2022. Đây cũng là cơ sở quan trọng khắc phục được tình trạng chậm trễ trong thủ tục chuẩn bị đầu tư vốn tồn tại ở nhiều dự án giao thông.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng đến năm 2050, mạng lưới đường bộ có 29.795 km quốc lộ và 9.014 km đường cao tốc.Đến năm 2030 sẽ tăng lên có 5.000 km đường cao tốc.

Nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 khoảng 900.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn cho các dự án đường bộ cao tốc khoảng 728.000 tỉ đồng.

Từ ngày 1 đến 15-1-2023 khởi công toàn bộ 25 gói thầu

Theo kế hoạch, ngày 1-1-2023, 12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 sẽ khởi công gồm:

  • Gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi dài 35,2 km.
  • Gói thầu 11-XL đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng dài 30 km.
  • Gói thầu XL02 đoạn Vũng Áng – Bùng dài 23,54 km.
  • Gói thầu XL01 đoạn Bùng – Vạn Ninh dài 30,29 km.
  • Gói thầu XL2 đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ dài 32,54 km.
  • Gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn dài 30 km.
  • Gói thầu 11-XL đoạn Hoài Nhơn – Quy Nhơn dài 23,5 km.
  • Gói thầu 12-XL đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh dài 22,1 km.
  • Gói thầu XL02 đoạn Chí Thạnh – Vân Phong dài 24,05 km.
  • Gói thầu XL02 đoạn Vân Phong – Nha Trang dài 30,85 km.
  • Dự án đoạn Cần Thơ – Hậu Giang: 1 gói thầu, chiều dài 37,65 km.
  • Gói thầu XL02 đoạn Hậu Giang – Cà Mau dà 22,4 km.
  • Với 13 gói thầu còn lại, các Ban quản lý dự án hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán để phấn đấu khởi công toàn bộ các gói thầu trước ngày 15-1-2023.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới