Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhanh chóng khôi phục và gia tăng niềm tin xã hội trong mùa dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhanh chóng khôi phục và gia tăng niềm tin xã hội trong mùa dịch

An Nhiên

(TBKTSG) – Việt Nam đã đi được một đoạn đường cách ly xã hội lần thứ nhất. Dù con đường phía trước sẽ còn lắm chông gai với nhiều hoạt động tiếp tục bị đóng băng, tuy nhiên cũng đã đến lúc chúng ta cần phải nghĩ đến việc xây dựng chiến lược thoát ra khỏi tình trạng trì trệ hiện nay, nếu như không muốn nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu hoàn toàn.

Điều quan trọng nhất là cần phải đảm bảo các hoạt động kinh tế sớm quay trở lại trạng thái bình thường trong thời gian sớm nhất. Ảnh: Thành Hoa

Hiện tại có khá nhiều kịch bản cho dịch bệnh hiện nay, trong đó trường phái lạc quan nhất tin rằng dịch bệnh sẽ đạt đỉnh và sau đó khống chế thành công ngay trong tháng 4 này tại Việt Nam, hoặc chậm nhất là vào tháng 6 năm nay. Kịch bản bi quan hơn dự kiến ít nhất phải đến hết năm nay, trong khi cũng có quan điểm cho rằng các biện pháp cách ly xã hội sẽ tắt mở theo từng giai đoạn, nhằm giảm tải lên hệ thống y tế, và theo đó đỉnh dịch sẽ khó lòng được xác định sớm trong ngắn hạn.

Dù theo hướng nào, điều quan trọng nhất là cần phải đảm bảo các hoạt động kinh tế sớm quay trở lại trạng thái bình thường trong thời gian sớm nhất, ngay cả khi phải sống chung với dịch bệnh trong một thời gian dài nữa, khả năng đang hiển hiện hơn bao giờ hết theo như đánh giá của một số chuyên gia y tế gần đây. Khi đó, đòi hỏi Chính phủ, cơ quan quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp phải có những giải pháp ứng phó phù hợp, linh hoạt, để vừa duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa ngăn ngừa dịch bệnh có thể lan rộng, trong đó các chính sách kiểm soát y tế, phòng chống lây lan cần được ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, cần phải nhanh chóng khôi phục và gia tăng niềm tin trong xã hội, theo đó việc minh bạch và công khai thông tin là điều cần thiết nhất trong bối cảnh hiện nay, đồng thời phải đảm bảo thông tin chính xác thì người dân mới có thể đủ tin tưởng để cho mọi thứ sớm hoạt động lại bình thường, giúp nền kinh tế phục hồi.

Có thể nhìn vào bài học của Trung Quốc, dù nước này đã sớm công bố số lượng thương vong tại tâm dịch Vũ Hán, nhưng các quốc gia khác hoặc chính người dân Trung Quốc vẫn nghi ngờ các số liệu được công bố thấp hơn thực tế rất nhiều, khiến xã hội nước này vẫn luôn ở thế đề phòng.

Một số lãnh đạo của các nước phát triển gần đây thậm chí còn chỉ trích hành động che giấu thông tin của Bắc Kinh, khiến các nước khác không đề phòng và thiếu dữ liệu, thông tin cơ sở để có các biện pháp ứng phó phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, thực tế là không ít chính phủ phương Tây cũng bị chỉ trích vì đã đánh lừa công chúng về đại dịch trong giai đoạn đầu.

Hay như chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) tháng 3 của Trung Quốc đã bật lại mạnh mẽ, lên trên vùng 50 điểm, dấu hiệu cho thấy các điều kiện kinh tế đang mở rộng trở lại, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn không mấy tin tưởng vào số liệu đó và cho rằng nước này “xào nấu” số liệu. Hoặc dù số liệu đó là thật thì giới phân tích cũng cho rằng sự phục hồi theo dạng chữ V như vậy khó bền, nhất là khi nước này vẫn có thể đối mặt thêm các đợt dịch mới.

Thực tế theo một số phân tích đã chỉ ra, trước các chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc về việc giao mục tiêu phục hồi nền kinh tế, với dữ liệu tiêu thụ điện thường xuyên được sử dụng như một thước đo cho tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trở lại khi báo cáo với Bắc Kinh và truyền thông ra công chúng, dẫn đến nhiều công ty và các quan chức địa phương đang dối trá bằng cách tăng mức tiêu thụ điện, dù không có công nhân làm việc do nỗi lo sợ vẫn tràn ngập, cũng như tô hồng các số liệu báo cáo khác như là cách hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Điều này cho thấy nếu chỉ đơn thuần đưa ra các mục tiêu cứng nhắc, áp đặt mà không có cơ sở kiểm soát, đánh giá, thì chỉ khuyến khích những hành động đối phó và các báo cáo gian dối, càng gây mất niềm tin. Hay như việc đặt ra các chỉ tiêu khống chế tối đa người nhiễm bệnh, những con số thấp trước mắt có thể giúp trấn an nhiều người, nhưng việc áp trước các con số cứng nhắc có thể vô tình thúc đẩy các hành động báo cáo thiếu sót hoặc xét nghiệm không đủ trên diện rộng, dẫn đến số ca nhiễm bệnh bị bỏ lọt.

Do đó, việc chạy theo thành tích chống dịch hay đo lường khả năng phục hồi kinh tế theo các chỉ số cũ kỹ, thiếu ý nghĩa, có thể gây ra những hiệu ứng ngược. Thay vào đó, chính quyền nên có các cơ chế kiểm soát, đánh giá, xây dựng các chỉ tiêu đo lường phù hợp và sát với thực tế nhất, đồng thời có các biện pháp truyền thông tin cậy và hạn chế các tin giả, như thế mới khiến xã hội sớm có niềm tin trở lại về triển vọng tương lai, dù có thể phải tập quen dần và sống chung với con virus, nhưng đã thôi không còn quá sợ hãi như lúc đầu khi đã phần nào hiểu chính xác hơn về ảnh hưởng của nó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới