Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhập cấp tập, cảng quá tải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhập cấp tập, cảng quá tải

Hệ thống giàn gắp container của cảng Vict ở Nhà Bè trông thật hiện đại nhưng cảng Vict vẫn ứ đọng container hàng nhập – Ảnh: HỮU THẮNG

(TBKTSG Online) – Tình trạng ứ đọng hàng nhập khẩu tại các cảng ở TPHCM không chỉ đơn thuần là do các doanh nghiệp nhập khẩu hay các điều kiện khách quan về cầu đường, mà còn do chính tại cung cách điều hành bốc dỡ hàng hóa và cả năng lực tiếp nhận container của các cảng.

Nhập hàng nhiều vì dự đoán giá sẽ tăng

Trong buổi làm việc chiều 29-5 tại cảng Cát Lái, quận 2, TPHCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng hàng chục ngàn container hàng hóa xuất nhập khẩu dồn ứ tại các cảng khu vực phía Nam, nhất là các cảng tại TPHCM, là do nhập siêu.

Năm tháng đầu năm 2008, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái tăng 21% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó hàng nhập khẩu tăng trên 43%.

Tại cảng Vict (Vietnam International Container Terminals) của Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 tại quận 7, lượng hàng hóa về cảng từ đầu năm đến nay tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Vũ Đức Liêm, Trưởng phòng khai thác cảng Vict, cho biết, hiện áp lực của hàng hóa vượt quá khả năng của cảng là rất lớn, 60.200 container các loại đang bịt kín toàn bộ diện tích kho cảng.

Trong lúc đó, hai cảng nội địa là ICD Phước Long, ICD Transimex Sài Gòn cũng thông báo từ 1-6 tới cũng sẽ không tiếp nhận hàng từ cảng Vict nữa vì hai cảng nội địa này cũng đang gần như bị quá tải.

“Hiện cảng chúng tôi có khoảng 700 container tồn đã trên 60 ngày. Trong khi đó, phía chủ hàng vẫn tiếp tục thông báo sẽ nhập hàng về cảng trong vài ngày tới”, ông Liêm tỏ vẻ khổ sở.

ICD Biên Hòa, một “cảng cạn” ở Đồng Nai, là cánh tay nối dài cho các doanh nghiệp ở Đồng Nai nhập khẩu hàng qua các cảng ở TPHCM, sau đó dùng sà lan kéo container về “cảng cạn” này để bốc dỡ hàng và làm thủ tục hải quan.

Ông Quách Tiến Thịnh, Giám đốc ICD Biên Hòa, cho biết: “Khách hàng ở Mỹ nói với tôi là hàng xuất của họ sang Việt Nam nhiều tới mức mà bây giờ họ còn thiếu cả container rỗng để đóng hàng đưa sang Việt Nam”, ông cho biết.

Theo ông Thịnh, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đã dự đoán từ cuối năm ngoái là giá hàng hóa trên thị trường hiện đang hình thành mặt bằng giá mới cao hơn, nên đã tranh thủ ký hợp đồng nhập khẩu ồ ạt trong những tháng đầu năm nay.

Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm nay đạt 37,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 67% so với cùng kỳ, trong đó nhập siêu trong 5 tháng đã lên đến 14,4 tỉ đô la Mỹ, khiến cho nhập siêu cả năm có thể vượt xa mốc 20 tỉ đô la Mỹ mà nhiều chuyên gia dự đoán.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Trancimex, công ty đang quản lý ICD Trancimex ở quận Thủ Đức, than phiền các nhà nhập khẩu trong nước không có kế hoạch nhập khẩu, giống như không lượng sức, không tính tới khả năng thanh toán, mà ồ ạt nhập hàng về. Khi hàng về tới cảng thì không có khả năng tài chính để giải tỏa hàng.  

Khi hàng nhập về nhiều, vì những lý do khác nhau, như sự hạn chế của cầu đường dành cho xe kéo container, doanh nghiệp khó vay vốn ngoại tệ khó khăn đã làm hàng ứ đọng dây chuyền và một khi lô hàng trước ứ đọng mà container cứ chất lên cao như núi thì nhà nhập khẩu trước muốn rút hàng ra để làm thủ tục hải quan hay kéo hàng về kho cũng không dễ dàng.

Tình trạng ứ đọng còn kéo dài

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên (trái) đang kiểm tra lượng container tồn kho tại cảng Cát Lái, quận 2, TPHCM chiều 29-5 – Ảnh: Văn Nam

ICD Trancimex là cánh tay nối dài của 3 cảng lớn trong thành phố là cảng Cát Lái, Vict và Khánh Hội. Sức chứa của ICD Trancimex hơn 2.000 TEU (mỗi TEU tương đương container 20 feet). Nhưng hiện nay, “cảng cạn” này có hơn 1.000 container hàng nhập đang nằm ứ đọng bình quân hơn nửa tháng và việc hạ bãi container cho hàng xuất khẩu cũng gặp khó khăn.

Việc ứ đọng container ở các cảng đã gây hiệu ứng tới các ICD. Ông Thiện cho biết do khả năng tiếp nhận container có hạn nên ICD Trancimex hiện tại cũng ưu tiên giải tỏa hàng cho hàng nhập khẩu là khách hàng của các hãng tàu lớn, có uy tín.

Thông thường, hàng chứa trong container khi nhập về 3 cảng nói trên sẽ được trung chuyển về ICD Trancimex hay một số “cảng cạn” khác để bốc dỡ hàng hóa và làm thủ tục hải quan, nhờ vậy giảm tải được hàng hóa ứ đọng tại cảng.

Tuy nhiên, theo ông Thiện, kể từ ngày 1-4 năm ngoái, một số cảng đã thu phí trung chuyển container về các ICD với mức thu 250.000 đồng/container 20 feet và 400.000 đồng/container 40 feet. Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế các doanh nghiệp kéo container về ICD, mà bốc dỡ hàng hóa và làm thủ tục hải quan tại một số cảng. Đến khi hàng hóa ứ đọng tại các cảng quá nhiều thì đầu tháng 4 năm nay, các cảng có thu phí hàng nhập trung chuyển về ICD lại bỏ khoản thu này để giải tỏa hàng ứ đọng cho nhanh.

“Nhưng đã quá muộn, họ chịu hết xiết mới nhả ra nhưng theo tôi biết, hàng nhập từ Hồng Kông, Singapore đang chuẩn bị về một đợt rất nhiều nữa”, ông Thiện nói và dự báo hàng nhập khẩu ứ đọng còn kéo dài.

Ngược lại, bây giờ, các cảng lại thu phí hàng xuất trung chuyển qua ICD với mức thu rẻ hơn hàng nhập trước đây, 125.000-216.000 đồng/container tùy theo dung tích của container và tùy theo cảng. Tương tự như hàng nhập, các công ty vận tải container thường kéo hàng xuất khẩu đóng container tới ICD để hạ bãi, làm thủ tục hải quan và sau đó đưa tới cảng để xếp lên tàu.

Một doanh nghiệp nhập khẩu, không muốn nêu tên, cho biết hàng nhập của công ty ông bị ứ đọng gần cả tháng qua, mặc dù công ty có đủ điều kiện tài chính để nộp thuế, làm thủ tục hải quan. “Container chất cao như núi, các container hàng của tôi ở bên dưới làm sao kéo ra. Muốn kéo ra thì phải bốc các container ở trên trước, điều này  khó thực hiện do bãi chứa của cảng có hạn, mà doanh nghiệp chủ hàng có container ở trên không chịu kéo ra làm thủ tục thì đội ngũ bốc xếp của cảng cũng chịu thua”, ông giải thích.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng ứ đọng hàng tại các cảng là tình trạng cơ sở hạ tầng ở thành phố như bến bãi, cầu tàu ở các cảng, đường sá… hiện nay không thể đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa đã tăng gấp 2 lần  từ năm 2005.

Trước đây, các cảng thường chỉ tiếp nhận tàu chở vài trăm container hàng và đội ngũ cũng như phương tiện bốc xếp thích ứng với tàu dạng này, nên tàu nhập vào cảng chỉ cần 1-2 ngày là lấy hết hàng xuống bãi. Còn hiện nay, nhiều tàu có tải trọng lớn, chuyên chở gấp rưỡi, gấp đôi nên các cảng gắp container từ trên tàu xuống và bốc xếp hàng không kịp, kéo theo ứ đọng dây chuyền, dưới nước thì các tàu xếp hàng chờ nhau, trên bến thì chủ hàng cũng xếp hàng chờ, còn hàng xuất thì bị vạ lây khi tàu nhập và hàng nhập chiếm chỗ ở cảng.

Trong khi đó, đại diện cảng Sài Gòn thông báo hiện tại còn đến hơn 350.000 tấn hàng cần giải tỏa trong khi xe vận chuyển container chỉ được phép hoạt động ban đêm, lại phải qua cầu Tân Thuận 1 từng xe vì tải trọng cầu chỉ cho phép 25 tấn.

Cần một giải pháp tổng thể

Giải quyết khó khăn trước mắt của cảng Vict, ông Nguyễn Hữu Thịnh, đại diện của Hải quan thành phố yêu cầu cảng liệt kê danh sách của các doanh nghiệp đang có hàng tồn tại kho và lượng hàng cụ thể, sau đó hải quan sẽ làm thủ tục xuất hàng ngay tại cảng mà không cần phải làm thủ tục hải quan tại cảng nội địa như quy định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đề nghị các cơ quan chức năng địa phương ngồi lại với nhau để thống nhất một giải pháp tổng thể, tránh hiện tượng giải quyết theo kiểu bịt chỗ này lại xì chỗ khác. Trong thời gian sớm nhất, Ban Giám đốc các cảng cần chú ý giải pháp phân luồng hàng hóa xuất nhập khẩu để chia nhỏ áp lực. Bộ phận khai thác các cảng phải làm việc với các chủ hàng để hạn chế các mặt hàng xa xỉ phẩm như ô tô bốn chỗ, nước hoa tiếp tục nhập về cảng.

Ngay trong tháng 6, các cảng phải lập danh sách các doanh nghiệp có hàng đang tồn đọng tại cảng với từng chủng loại hàng nhập khẩu để Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp nhập hàng thiết yếu nhưng thiếu vốn để giải tỏa hàng. Song song đó, các cảng phải sàng lọc để cung cấp danh sách các doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô nhưng để quá lâu không chịu nộp thuế để đưa hàng ra khỏi cảng.

Dự kiến trong chiều mai 30-5, UBND thành phố sẽ có buổi họp khẩn cấp để bàn hướng giải tỏa lượng hàng hóa đang nằm chờ tại các cảng ở địa phương.

Đầu tuần sau, một đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Hải quan sẽ làm việc với các địa phương và đại diện các cảng khu vực phía Nam để thống nhất hướng giải tỏa nhanh lượng hàng hóa nhập khẩu đang bịt kín các cảng để lấy mặt bằng và phương tiện phục vụ hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Xuất khẩu bị vạ lây

Bà Nguyễn Thị Tố Lan, Trưởng chi nhánh Công ty cổ phần Vinacafé Tây Nguyên tại TPHCM, cho biết do ở các cảng hiện nay hàng nhập tồn đọng quá nhiều, bến bãi kẹt cứng nên việc xuất cà phê của công ty thường bị chậm 5-10 ngày, ít cũng 2-3 ngày.

Lúc cao điểm, Vinacafé Tây Nguyên xuất 80-100 container cà phê mỗi ngày còn nay cuối mùa nên chỉ 20-40 container nhưng việc làm thủ tục hàng xuất chậm chạp còn hơn lúc cao điểm. “Tàu đã vào ăn hàng nhưng việc chất container lên tàu rất khó khăn”, bà Lan nói.

Trước đây, các cảng cho phép nhà xuất khẩu vận chuyển container đến và hạ bãi container ở cảng trước khi tàu chạy 4-5 ngày, nay vì hàng nhập ứ đọng ở cảng, nên các cảng chỉ cho phép hạ bãi container trước khi tàu chạy có 2-3 ngày.

Điều này dẫn tới việc thanh toán tiền xuất khẩu cũng chậm lại, vì theo theo phương thức FOB, sau khi xếp hàng lên tàu, nhà xuất khẩu mới lấy được tiền.

Một cán bộ xuất nhập khẩu của Công ty cổ phần Inexim Đak Lak cho biết ngoài việc xuất hàng chậm chạp, tình trạng container hàng nhập ứ đọng ở cảng còn làm cho các nhà xuất khẩu thiếu container rỗng để đóng hàng. Với một số hãng tàu có lượng container ít, tình trạng thiếu container càng nghiêm trọng.

HỒNG VĂN-VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới