Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Nhập khẩu tự động” mà chẳng tự động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Nhập khẩu tự động” mà chẳng tự động

Thái Hằng

Làm thủ tục nhập hàng hóa tại hải quan cảng Cát Lái. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Ngày 28-5-2010, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 24/2010/TT-BCT hay còn gọi là Thông tư 24, quy định việc áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng. Trong số đó có đồ gỗ nội thất, một số loại sắt thép, nhôm; một số mặt hàng tiêu dùng như thịt, phụ phẩm từ thịt, một số loại thủy sản, bánh kẹo, đồ uống…

Kể từ khi ra đời cho đến nay, Thông tư 24 đã trở thành một gánh nặng với nhiều doanh nghiệp. Điều đáng nói là mục tiêu kiểm soát nhập siêu của quy định này dường như chưa thấy hiệu quả.

Khổ với “tự động”

Một vị phụ trách nhập khẩu của một công ty thương mại không tiện nêu tên cho biết một lô hàng bánh kẹo của công ty nhập khẩu từ Singapore về đã nằm tại cảng gần 20 ngày.

Theo ông, thực ra chỉ mất khoảng ba ngày để tàu chạy từ Singapore về đến cảng Cát Lái, TPHCM. Sau khi hàng về cảng, doanh nghiệp mới có thể làm bộ hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu gồm vận đơn (bill of landing), hợp đồng nhập khẩu, đơn xin đăng ký nhập khẩu, chứng từ thanh toán.

Về nguyên tắc quy trình gửi hồ sơ và đăng ký với Văn phòng 2 Bộ Công Thương ở TPHCM mất bảy ngày làm việc. “Nhưng đã có những lô hàng tôi mất đến ba tuần lễ mới hoàn tất mọi thủ tục vì sau khi tiếp nhận… đúng bảy ngày thì nhân viên tiếp nhận ở văn phòng bộ mới thông báo cần điều chỉnh chỗ này, chỗ nọ trên đơn xin đăng ký. Và tôi phải chờ họ gửi trả bộ hồ sơ về rồi mới điều chỉnh, xong gửi lại ngay trong ngày”, vị này cho biết.

Chưa kể, theo doanh nghiệp, việc xin và cấp giấy phép đều phải thực hiện qua đường bưu điện bằng thư thường. Việc này không thể tránh khỏi khả năng bị thất lạc và phải mất khoảng 10 ngày trong điều kiện thuận lợi nhất. Ngược lại, có khi doanh nghiệp phải mất đến gần ba tuần lễ để hoàn tất thủ tục này.

Điều đáng nói là số lô hàng bị kẹt ở cảng không phải ít. Với nhiều doanh nghiệp nhập hàng thực phẩm thì thời gian “chết” nằm cảng là những ngày họ như ngồi trên đống lửa vì sợ hàng hóa bị hư hại trong điều kiện bảo quản rất hạn chế (nhiệt độ trong các container thường trên 50 độ C).

Đối với nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống bắt buộc phải đi container lạnh, sau ba ngày đầu tiên được miễn phí, ba ngày tiếp theo doanh nghiệp phải trả phí lưu kho bãi lần lượt là 66 đô la Mỹ và 88 đô la Mỹ/container/ngày cho loại 20 feet hay 40 feet. Trong các ngày tiếp theo, mức phí lại được nâng lên đến 110 đô la Mỹ/container/ngày. Chưa kể tiền điện cho các container lạnh tại cảng cũng không hề rẻ, trung bình 22 đô la Mỹ/ngày.

Tất cả những khoản phí này doanh nghiệp phải bấm bụng trả vì không thể để hàng hóa bị hư. Thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1, chỉ tính riêng lượng thịt đông lạnh nhập khẩu đến thời điểm này ở cảng Cát Lái lên đến gần 70.000 tấn, tương đương với vài chục container hàng tháng, đủ thấy gánh nặng mà các doanh nghiệp phải chịu cao đến mức nào.

Với một số công ty có lượng hàng nhập khẩu hàng tháng lớn, họ còn phải tốn chi phí để duy trì đội ngũ nhân viên chuyên trách việc khai báo kể từ khi Thông tư 24 ra đời!

Nhiều doanh nghiệp thắc mắc, chữ “tự động” trong cụm từ “giấy phép nhập khẩu tự động” dường như không còn đúng nghĩa của nó. Với quy trình đăng ký dài và tốn kém như vậy mà thời hạn hiệu lực của giấy phép chỉ có 30 ngày. Nếu sau đó doanh nghiệp cũng nhập cùng mã hàng như trước đó thì cũng phải… làm lại từ đầu thủ tục xin giấy phép nhập khẩu! Một doanh nghiệp nhập khẩu nhận xét, với các gánh nặng về thủ tục hành chính và xác suất được cấp phép, có thể nói ý nghĩa của chữ “tự động” dường như ngược lại với tên gọi của nó.

Hiệu quả đến đâu?

Sau những khó khăn ban đầu, giờ đây doanh nghiệp cũng trở nên quen với cách thức khai báo đối với các mặt hàng “nhập khẩu tự động” này (hoặc là đã thuê dịch vụ làm). Một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thịt cho biết hiện tại thời gian đăng ký xin cấp phép giảm trung bình xuống còn khoảng hai tuần lễ, thấp hơn nhiều so với các tháng trước đây.

Tuy vậy, nhân buổi công bố “Sách Trắng 2011 – các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến nghị” tại Hà Nội vào cuối tháng 11, Phòng Thương mại châu Âu ở Việt Nam một lần nữa lại nhắc việc cần thiết phải bỏ hoặc thay đổi Thông tư 24 vì gánh nặng hành chính không cần thiết đối với doanh nghiệp.

Ông Matthias Dühn, Giám đốc Phòng Thương mại châu Âu ở Việt Nam, nhận định Thông tư 24 được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam hạn chế nhập siêu nhưng hiệu quả thực tế cần phải xem lại.

“Trên khía cạnh kinh doanh, Thông tư 24 có thể làm các nhà nhập khẩu nản lòng nếu họ xem Việt Nam là thị trường quan trọng. Hơn thế, tất cả những chi phí phát sinh từ những thủ tục hành chính này cuối cùng cũng được tính vào giá thành sản phẩm và chính người tiêu dùng sẽ phải gánh chi phí này”, ông nói. Bên cạnh đó, Thông tư 24 còn đi ngược lại với tinh thần và mục đích của đề án cải cách thủ tục hành chính (Đề án 30) nhằm cắt giảm 30% thủ tục hành chính vào cuối năm 2010.

“Chúng tôi tin rằng việc giảm các thủ tục hành chính sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư nước ngoài và từ đó tạo thêm cơ hội phát triển cho Việt Nam”, ông Dühn nhấn mạnh.

Tại diễn đàn doanh nghiệp hồi đầu tháng 12 vừa rồi, đại diện Phòng Thương mại Úc cũng cho rằng thủ tục cấp phép nhập khẩu tự động đang làm tăng giá sản phẩm và gây ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu. Phòng Thương mại Úc nhận thấy rằng những biện pháp hành chính gần đây của các cơ quan quản lý Việt Nam đã áp dụng khiến cho một số mặt hàng như thịt, hải sản, trái cậy nhập từ Úc tăng giá mà không có sự cải thiện nào về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới