Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhập siêu từ Hàn Quốc – nỗi lo mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhập siêu từ Hàn Quốc – nỗi lo mới

Nguyễn Duy Nghĩa

(TBKTSG) – Tháng 10-2009, Việt Nam – Hàn Quốc đã thỏa thuận nâng cấp mối quan hệ lên thành “đối tác chiến lược”, phấn đấu đến năm 2015 tăng gấp đôi kim ngạch song phương lên mức 20 tỉ đô la Mỹ và từng bước cân bằng cán cân thương mại. Từ đó, thương mại hai nước tăng nhanh, chỉ đến năm 2011 đã đạt 17,7 tỉ đô la Mỹ, cho thấy hai bên sẽ sớm đạt mục tiêu về kim ngạch hai chiều này. Song, khi tách bạch việc xuất khẩu và nhập khẩu mới nhận ra rằng nhập siêu từ bạn hàng này ngày càng có vấn đề, khiến ý tưởng “từng bước cân bằng cán cân thương mại” chắc là còn xa vời.

Năm 2011, nhập siêu của cả nước là 10,16 tỉ đô la Mỹ, riêng nhập siêu từ Hàn Quốc là 8,46 tỉ đô la Mỹ, bằng 83,2% tổng nhập siêu của cả nước. Hàn Quốc trở thành thị trường Việt Nam nhập siêu lớn thứ hai sau Trung Quốc. (Nhập siêu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã tới 21,9 tỉ đô la Mỹ, song nhờ một số thị trường Việt Nam xuất siêu, nên tổng nhập siêu của cả nước mới chỉ còn 10,16 tỉ đô la Mỹ như trên).

Nhập siêu từ Hàn Quốc bộc lộ rõ qua cơ cấu hàng hóa trao đổi hai chiều. Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc dầu thô, than đá, cà phê, thủy sản, cao su… là những hàng thô; còn sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép gọi là hàng công nghiệp chế biến nhưng thuần túy là gia công, thậm chí là gia công thuộc công đoạn thấp.

Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, có giá cao như: máy vi tính, điện tử, linh kiện, ô tô nguyên chiếc, linh kiện ô tô, máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu, vải các loại, nguyên phụ liệu da giày.

Quan sát trên thị trường Việt Nam, vị thế của hàng Hàn Quốc cũng ngang ngửa với hàng Trung Quốc. Số lượng hàng Hàn Quốc tuy còn thua sút, nhưng mẫu mã, chất lượng, công năng thì có phần vượt trội. Người Việt Nam hiện đã quá quen với các nhãn hiệu Hàn Quốc từ những thứ cao lương mỹ vị, sâm “Cao ly chính gốc”, đến đồ gia dụng nhiều chức năng, thiết bị dễ sử dụng. Chăn, drap, gối, đệm Hàn Quốc về tới tận làng quê. Thời trang giá khá cao vẫn đắt khách. Mỹ phẩm cao cấp dù được cảnh báo hàm lượng chất độc hại không ít, nhưng rẻ hơn đồ Tây, nên vẫn được phái đẹp ưa dùng.

Một số hãng kinh doanh máy massage, máy chiếu tia hồng ngoại, đua nhau mở nhiều điểm chăm sóc miễn phí sức khỏe thay vì quảng cáo bằng các phương tiện truyền thống – một chiêu tiếp thị bán các thiết bị y tế này. Nhiều người Hàn Quốc đến miền Nam Việt Nam từ thời trước, sau chiến tranh, trong vai doanh nhân trở lại nước ta, thông thạo địa bàn, tập quán tiêu dùng, bắt đầu kinh doanh nhiều lĩnh vực hàng tiêu dùng đáp ứng nhu cầu các đối tượng khác nhau. Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) đã khai trương văn phòng đại diện tại TPHCM…

Nhập siêu từ Hàn Quốc trong hai năm gần đây tăng nhanh còn vì tính hai mặt “khó người khó ta – dễ người dễ ta” của Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) có hiệu lực từ 1-9-2009. Thi hành cam kết này, các nhà nhập khẩu của Hàn Quốc tới các cơ sở sản xuất Việt Nam lựa chọn hàng của ta để đưa vào hệ thống siêu thị toàn cầu của họ. Nhưng vì ta chỉ có hàng thô, gia công, nên dù được ưu đãi sau một năm áp dụng AKFTA, một số mặt hàng của ta xuất khẩu vào Hàn Quốc đạt kim ngạch chưa tới 100 triệu đô la Mỹ.

Tận dụng cơ hội mới, các nhà phân phối lớn của Hàn Quốc vào Việt Nam xây khách sạn lớn, mở hệ thống đại lý tới tận thị trấn, huyện lỵ. Hàn Quốc đưa sang Việt Nam càng nhiều hàng có giá, một số mặt hàng vượt qua mốc 1 tỉ đô la Mỹ. Kết cục nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc năm 2008 chiếm 34% tổng nhập siêu của Việt Nam, năm 2009, tỷ lệ đó nhích lên 37%, năm 2010  lấn tới 50%, đến năm  2011 vọt lên  83%.

Nhập siêu từ Trung Quốc vẫn chưa tìm ra phương thuốc chữa trị, nay lại thêm gánh nhập siêu từ Hàn Quốc, làm cho bệnh nhập siêu của Việt Nam càng trầm kha.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới