Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhật Bản: Bất cập cơ chế lao động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhật Bản: Bất cập cơ chế lao động

Ông Koji Hirano có nguy cơ thành kẻ không nhà sau khi mất việc tại nhà máy Canon.

(TBKTSG) – Koji Hirano, 47 tuổi, cảm thấy đầu óc trống rỗng vì thất vọng khi ông và các đồng nghiệp ở nhà máy sản xuất máy ảnh kỹ thuật số Canon tại thành phố Oita miền nam Nhật Bản đột ngột được báo tin bị sa thải.

Nỗi thất vọng biến thành lo sợ khi họ được lệnh dọn ra khỏi căn hộ trong khu ký túc xá của công ty. Không có đồng tiền tiết kiệm nào từ khoản lương ít ỏi 700 đô la/tháng, ông chắc chắn sẽ thành kẻ không nhà.

Mất việc, mất luôn chỗ ở

Khủng hoảng kinh tế đã khiến nạn thất nghiệp và tuyệt vọng lan tràn khắp thế giới và Nhật không phải là ngoại lệ: tỷ lệ thất nghiệp tháng 12-2008 tăng lên 4.4% từ mức 3,9% của tháng trước, thêm hàng ngàn người bị ném ra đường phố.

Theo Bộ Lao động Nhật, từ tháng 10 năm ngoái đến nay đã có thêm 131.000 công nhân bị mất việc và từ nay đến hết tháng 3-2009, thời điểm kết thúc năm tài chính 2008-2009 sẽ có thêm 125.000 công nhân nữa mất việc.

Đáng chú ý là ở chỗ, đa số người thất nghiệp là công nhân “tạm thời” – những người làm việc theo hợp đồng ngắn hạn, lương thấp, ít được hưởng các quyền lợi về an sinh xã hội và không được bảo đảm về pháp lý như các công nhân “biên chế”.

Theo thống kê, trong 131.000 người đã mất việc, chỉ có 6.000 người là công nhân biên chế, số còn lại là công nhân “tạm thời”. Toàn bộ công nhân bị sa thải trong tháng qua từ các công ty lớn – Sony sa thải 8.000 người, Toyota 3.000 người, Isuzu 1.400 người, Honda 3.100 người, Canon 1.100 người… – đều là công nhân “tạm thời”.

Mất việc, mất luôn cả quyền lưu trú trong các ký túc xá của công ty, họ không có cách nào khác hơn là ra đường phố, có người ở suốt ngày trong quán café internet, có người quay về quê nhà ở nông thôn. Rải rác vài cuộc biểu tình đã xảy ra tại các thành phố công nghiệp ở Nhật. Tình cảnh của công nhân mất việc đã gióng lên tiếng chuông báo động đối với hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản và rộng hơn là cơ chế lao động của nền kinh tế lớn nhất châu Á này.

Khoảng cách biên chế – hợp đồng

Nhật Bản từng nổi tiếng là nơi có chế độ làm việc suốt đời: các công ty Nhật sử dụng người lao động từ khi mới vào nghề cho đến lúc nghỉ hưu, thậm chí còn tuyển con cái họ vào thay thế khi họ hết tuổi làm việc. Quyền lợi của công nhân – kể cả việc học hành, tu nghiệp, thậm chí cả chuyện cưới vợ gả chồng, đều do công ty đài thọ. Nhưng đó là chuyện quá khứ. Trong 15 năm gần đây, để tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp, Nhật đã áp dụng cơ chế làm việc theo hợp đồng kiểu phương Tây.

So với lao động “biên chế” (làm việc suốt đời), lao động theo hợp đồng được coi là lao động “tạm thời” hoặc lao động bán thời gian; công ty gọi họ là “haken” hoặc “kikan-jugyouin” (lao động hợp đồng). Công nhân hợp đồng vẫn phải làm việc toàn thời gian như công nhân biên chế nhưng hưởng lương thấp hơn và các quyền lợi khác cũng ít hơn.

Theo ông Ryoichi Miki, Tổng thư ký Nghiệp đoàn công nhân sắt thép và thiết bị thông tin toàn Nhật, bình quân lương tháng của một công nhân biên chế là 350.000 yen (3.900 đô la Mỹ), cao hơn 40% so với 210.000 yen (2.300 đô la) của công nhân “tạm thời”; sự chênh lệch này còn lớn hơn nữa nếu tính cả những khác biệt về tiền thưởng, lương hưu và các khoản phúc lợi khác.

Trước đây, toàn bộ công nhân trong các ngành công nghiệp Nhật Bản đều là lao động “biên chế”, nhưng một điều luật năm 1999, tu chính năm 2004, cho phép các công ty sử dụng lao động hợp đồng trong các dây chuyền sản xuất. Từ đó các doanh nghiệp Nhật tìm mọi cách giảm số lượng công nhân “biên chế” và gia tăng công nhân hợp đồng vì nhờ đó họ có thể giảm đáng kể chi phí nhân công.

Ông Kouchirou Fukudome, 47 tuổi, là một ví dụ: ông đã làm bảy năm trong nhà máy sản xuất động cơ của tập đoàn xe hơi Isuzu, qua nhiều hợp đồng ngắn hạn mà vẫn chưa được vào “biên chế”. Khi bị sa thải vào cuối năm ngoái, ông đã cùng vài chục đồng nghiệp cùng cảnh ngộ tổ chức biều tình trước trụ sở của Isuzu nhiều ngày liền.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Nhật Bản, đến cuối năm 2008 cả nước Nhật có khoảng 19 triệu công nhân hợp đồng, bằng 34,5% lực lượng lao động. Do tính chất “tạm thời”, những công nhân hợp đồng này dễ dàng bị sa thải hơn mỗi khi có biến động về sản xuất. Thậm chí họ còn bị khinh rẻ là “công nhân hạng hai” dù tay nghề của họ không thua kém công nhân biên chế. “Điều tệ hại nhất là họ bị coi như đồ vật chứ không phải là con người”, ông Miki nói.

Việc phân biệt đối xử công nhân “biên chế-hợp đồng” gây bức xúc trong xã hội Nhật, làm doãng rộng hố ngăn cách giàu nghèo ở một đất nước có tiếng là bình đẳng. Nhưng giới chủ công ty ở Nhật ra sức bảo vệ cơ chế lao động đó như một lợi thế cạnh tranh; họ cho rằng, nếu không có cơ chế sử dụng lao động hợp đồng, Nhật Bản sẽ đối mặt với nguy cơ “chảy máu việc làm” sang các nền kinh tế kém phát triển hơn như Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nơi khác.

Ông Takeo Fukui, Chủ tịch tập đoàn Honda, tuyên bố: “Ở Nhật không dễ gì cắt giảm lực lượng lao động biên chế. Nhưng bảo đảm công việc làm không phải là nhiệm vụ duy nhất của công ty, chúng tôi còn phải làm ăn có hiệu quả”.

Bất cập về chính sách

Nhiều năm qua, xã hội Nhật ít chú ý đến tình cảnh của người công nhân “tạm thời”. Thậm chí bộ luật về an sinh xã hội của Nhật cũng đã được thiết kế với quan niệm công nhân làm việc trọn đời và chủ sử dụng lao động có nghĩa vụ bảo đảm phúc lợi cho công nhân của mình; các nhà làm luật không lường được tình trạng thất nghiệp và bất ổn xã hội có thể xảy ra trên diện rộng ở một nước gần như luôn có việc làm cho mọi người.

Ví dụ, để được nhận bảo hiểm thất nghiệp, công nhân phải làm việc ít nhất 12 tháng liên tục cho một chủ sử dụng lao động, và được chủ đóng đầy đủ phí bảo hiểm thất nghiệp – một điều kiện mà công nhân “tạm thời” khó mà đáp ứng được vì hợp đồng lao động của họ có khi chỉ kéo dài hai tháng. Một quan chức của Bộ Lao động Nhật nhận xét, khoảng một nửa trong số 19 triệu công nhân tạm thời sẽ không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Nhật Bản tuy giàu nhưng cũng là nước có mạng lưới an sinh xã hội rất kém. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) quỹ trợ cấp thất nghiệp của Nhật chỉ chiếm 0,3% GDP, rất thấp so với các nước châu Âu. Mạng lưới này gần như bất lực trước tình trạng số người mất việc tăng nhanh, buộc cả xã hội phải vào cuộc.

Dịp Tết vừa qua, hàng chục căn lều đã được dựng lên trong một công viên cạnh trụ sở Bộ Lao động Nhật Bản để cung cấp chỗ ở tạm thời, bếp sưởi, chăm sóc y tế và thức ăn miễn phí cho khoảng 500 người thất nghiệp, do các tổ chức dân sự và thiện nguyện chủ trì trong thời gian các cơ quan nhà nước nghỉ tết.

Tại tập đoàn Canon, các công nhân bị sa thải đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp lên Thủ tướng Nhật, và theo chỉ đạo của Thủ tướng  Taro Aso, Canon đã đồng ý cho công nhân tiếp tục sử dụng ký túc xá thêm vài tháng nữa.“Cuộc khủng hoảng đang làm cho nước Nhật phải mở mắt nhìn vào tình trạng bất công xã hội đang gia tăng; đã có một bộ phận dân chúng bị gạt ra ngoài mạng lưới tương trợ truyền thống”, Giáo sư Masahiro Abe, chuyên về quan hệ lao động tại Đại học Dokkyo, nhận định.

Cần phải thay đổi

Tình cảnh bi đát của các công nhân bị mất việc cũng buộc Chính phủ Nhật xem xét lại cơ chế lao động và an sinh xã hội của đất nước. Một quan chức Bộ Lao động thừa nhận, Nhật Bản cần sửa chữa hệ thống lao động sao cho phù hợp với một thị trường lao động năng động hơn, trong đó không phải mọi người đều được bảo đảm công việc trọn đời, nhưng cũng không để cho người tất nghiệp bị rơi vào tình trạng tuyệt vọng về kinh tế. Các chính trị gia đối lập thì đòi hỏi bãi bỏ đạo luật lao động năm 2004.

“Chúng ta cần quay lại với ngày xưa”, ông Tsuyoshi Takagi, Chủ tịch nghiệp đoàn Rengo lớn nhất Nhật Bản, tuyên bố. Song, cho đến nay, chính phủ của Thủ tướng Taro Aso chỉ mới đồng ý thu hẹp điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp từ một năm làm việc xuống sáu tháng, và đang cố gắng gây sức ép buộc các doanh nghiệp đưa một phần công nhân hợp đồng lên diện công nhân “biên chế”. 

HUỲNH HOA (tổng hợp từ IHT, AP và FT)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới