Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhật Bản lo ngại “chảy máu doanh nghiệp”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhật Bản lo ngại “chảy máu doanh nghiệp”

Thái Bình

Trung tâm điện hạt nhân Fukushima chậm được khôi phục khiến các doanh nghiệp Nhật khốn đốn vì mất điện.

(TBKTSG Online) – Các nhà kinh tế Nhật Bản lo sợ ngành công nghiệp trong nước sẽ bị “trống rỗng” khi có nhiều công ty di dời cơ sở sản xuất sang các nước khác.

Sự gián đoạn dây chuyền cung ứng trong nước do trận động đất lớn gây ra đã buộc nhiều công ty xem xét dời ra khỏi Nhật Bản. Ngoài ra, tình trạng thiếu điện có thể kéo dài vì chưa biết khi nào các lò phản ứng hạt nhân, hiện bị đình chỉ để kiểm tra, có thể hoạt động trở lại.

Sách trắng năm 2011 của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), công bố hôm thứ Sáu 8-7, nhấn mạnh tính cấp bách của tình hình và cho rằng Nhật Bản phải có biện pháp khẩn cấp để đảm bảo việc làm trong nước và gia tăng tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế nhằm tránh một cuộc “chảy máu doanh nghiệp”.

Công ty Renesas Electronics Corp là một ví dụ. Nhà máy chính của của Renesas ở Hitachinaka, tỉnh Ibaraki đã phải ngừng hoạt động suốt ba tháng sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11-3-2011. Sự gián đoạn của Renesas khiến nhiều nhà sản xuất xe hơi của Nhật và nước ngoài cũng phải dừng sản xuất vì Công ty Renesas chiếm 40% thị trường chip bán dẫn, còn gọi là bộ vi điều khiển, dùng trong các bộ phận của xe hơi. Một giám đốc điều hành của Renesas cho biết, công ty đã có kế hoạch chuyển nhiều hoạt động sản xuất ra nước ngoài để “tránh những tác động tiêu cực do các thảm họa tự nhiên trong tương lai”. Hiện nay, Renesas đã chuyển khoảng 8% khối lượng sản xuất ra nước ngoài, và có kế hoạch nâng tỷ lệ này lên 25% vào tháng 3-2013.

Sách trắng năm 2011 của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản
(METI), công bố hôm thứ Sáu 8-7 cho rằng Nhật Bản phải có biện pháp khẩn cấp để đảm bảo việc làm
trong nước và gia tăng tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế nhằm tránh một
cuộc “chảy máu doanh nghiệp”.

Mitsui Mining & Smelting Co. là một ví dụ khác. Công ty này kiểm soát khoảng 90% thị trường toàn cầu về sản phẩm lá đồng siêu mỏng dùng trong điện thoại thông minh và đã lập kế hoạch mở một nhà máy sản xuất mới tại Malaysia sau khi nhà máy chính của công ty ở Ageo trong tỉnh Saitama bị buộc phải đóng cửa khoảng một tháng sau thảm họa do tình trạng mất điện luân phiên. “Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thiết lập một hệ thống dự phòng ở nước ngoài,” một quan chức của Mitsui nói.

Trong tháng 12 tới, Công ty Hoya Corp – hiện có hai nhà máy tại Việt Nam – sẽ mở thêm một nhà máy ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, chuyên sản xuất lăng kính dùng trong ống kính máy ảnh kỹ thuật số và các sản phẩm khác. Hoya Corp bị buộc phải đa dạng hoá các cơ sở sản xuất sau khi nhà máy ở Akishima gần Tokyo đã phải ngừng hoạt động do mất điện luân phiên.

Sách trắng về kinh tế và thương mại quốc tế năm 2011 của METI cũng trình bày kết quả một cuộc khảo sát 216 công ty lớn trong nước và có 163 công ty trả lời, theo đó 69% số công ty này có khả năng đẩy mạnh việc chuyển dịch các hoạt động trong chuỗi cung ứng, một phần hoặc toàn bộ, ra nước ngoài; 18% ít có khả năng sẽ làm như vậy.Một quan chức của một nhà sản xuất các bộ phận điện tử cho biết, “Trừ khi chúng tôi có hành động, chẳng hạn như thiết lập một trụ sở thứ hai ở Trung Quốc, chúng tôi sẽ không thể để đối phó với các tình huống như động đất xảy ra ở Tokai hoặc Tonankai.”

Nhiều công ty cho rằng, tình trạng thiếu điện kéo dài do sự chậm trễ trong việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân là một mối quan tâm lớn.

Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng bởi trận động đất lớn của Nhật Bản cũng có tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất ở nước ngoài do các công ty Nhật không thể sản xuất và xuất khẩu linh kiện cùng các loại sản phẩm trung gian. Nhiều công ty Trung Quốc và Đài Loan chuyên sản xuất máy tính cá nhân chẳng hạn, đều dựa trên các bộ phận và sản phẩm trung gian nhập khẩu từ Nhật Bản. Giá trị xuất khẩu sản phẩm trung gian của Nhật chiếm 9,1% GDP trong năm 2008, tăng gấp đôi so với năm 1990.

Giờ đây các công ty ở các nước khác cũng thấy rằng, phụ thuộc vào nguồn cung cấp hàng hóa từ Nhật Bản là một nguy cơ, và quan điểm này đã góp phần giúp cho các công ty Nhật Bản nhận được lời mời di chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài.

(theo Yomiuri Shimbun)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới