Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhật Bản nới lỏng chính sách lợi suất trái phiếu dài hạn, gây sốc cho thị trường toàn cầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm 20-12, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) bất ngờ tăng biên độ dao động đối với lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm từ 25 điểm cơ bản lên 50 điểm cơ bản xung quanh lợi suất mục tiêu 0%. Động thái này làm dấy lên đồn đoán BoJ chuẩn bị chuyển hướng khỏi chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng, gây sốc cho các thị trường trái phiếu và tiền tệ trên khắp toàn cầu, với đồng yen chứng kiến phiên tăng giá mạnh nhất so với đô la Mỹ trong 24 năm.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo, Nhật Bản hôm 20-12. Ảnh Kyodo/ Reuters

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và trái phiếu ở khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) cũng nhích lên khi các tài sản này bị giới đầu tư bán mạnh.

BoJ gây bất ngờ lớn

Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, hôm 20-12, BoJ thông báo giữ nguyên lãi suất qua đêm ở mức -0,1% và vẫn định hướng lợi suất mục tiêu đối với JGB kỳ hạn 10 năm ở mức xung quanh 0%. Theo chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, BoJ có thể mua không giới hạn JGB để đưa lợi suất trái phiếu JGB kỳ hạn 10 năm về 0% và lãi suất ngắn hạn xuống âm 0,1%.

Tuy nhiên, BoJ gây bất ngờ lớn khi cho phép lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm dao động trong biên độ 50 điểm cơ bản xung quanh mức lợi suất mục tiêu 0%, tăng so với biên độ 25 điểm cơ bản trước đây.

“Kể từ đầu mùa xuân năm nay, sự biến động trên các thị trường tài chính và vốn ở nước ngoài đã tăng lên, ảnh hưởng đáng kể đến các thị trường này ở Nhật Bản. Nếu những điều kiện thị trường như vậy vẫn tiếp diễn, điều này có thể tác động tiêu cực đến các điều kiện tài chính, chẳng hạn điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở Nhật Bản”, BoJ giải thích về lý do nới lỏng biên độ lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm.

Tại cuộc họp báo sau đó, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda nói sự thay đổi này là phản ứng đối với sự biến dạng của đường cong lợi suất. Lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm vốn đã giảm xuống dưới mức lãi suất ngắn hạn, được xem là điều bất thường.

Nhưng động thái này cũng diễn ra sau khi đồng yen suy yếu xuống các mức thấp trong lịch sử so với đồng đô la khi Mỹ nhanh chóng tăng lãi suất trong khi BoJ vẫn kiên trì với chính sách nới lỏng tiền tệ.

Đồng yen suy yếu làm tăng chi phí nhập khẩu, khiến BoJ bị chỉ trích vì tiếp tục nới lỏng chính sách.

Không một ai trong số 47 nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát dự đoán có sự thay đổi chính sách trong cuộc họp của BoJ.

Động thái bất ngờ của BoJ khiến lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm tăng lên mức hơn 0,43%, cao nhất kể từ năm 2015. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản giảm gần 2,5% khi giới đầu tư lo ngại lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.

Chốt phiên giao dịch hôm qua, đồng yen tăng giá 3,9% so với đô la Mỹ, lên mức 131,73 yen / 1 đô la. Đây là mức tăng giá mạnh nhất trong một ngày của đồng yen kể từ năm 1998. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm tăng lên lần lượt 10 và 11 điểm cơ bản, lên mức tương ứng 3,69% và 3,74% khi giới đầu tư bán mạnh các tài sản này (lợi suất di chuyển nghịch chiều với giá trái phiếu).

Tại khu vực sử dụng đồng euro (eurozone), lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp đều tăng.

Sáng 21-12, lợi suất JGB kỳ hạn 2 năm tăng 2 điểm cơ bản lên mức 0,01%, đánh dấu lần đầu tiên vượt mức 0% kể từ năm 2015.

Liệu Nhật Bản có đảo ngược chính sách tiền tệ?

Động thái trên của BoJ, diễn ra giữa lúc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu kìm hãm tốc độ tăng lãi suất, dẫn đến các suy đoán trái ngược về mục đích của BoJ.

Takashi Miwa, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tại Ngân hàng Nomura, nói: “Sự thay đổi chính sách (về lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm) nhằm mục đích cải thiện hoạt động của thị trường tài chính Nhật Bản, nó không phải là phản ứng đối với bất kỳ thay đổi nào trong nền kinh tế cơ bản của Nhật Bản”.

Ông cho biết thêm rằng sự thay đổi chính sách tiền tệ của BoJ tiếp tục phụ thuộc vào việc liệu lạm phát có duy trì trên mức mục tiêu 2% của BoJ hay không.

Susannah Streeter, nhà phân tích thị trường tại Công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown, nhận định: “Quyết định trên của BoJ có thể được coi là một động thái kiểm tra phản ứng thị trường cho khả năng rút lại gói kích thích tiền tệ đã được bơm vào nền kinh tế để cố gắng thúc đẩy nhu cầu và thúc đẩy giá cả”.

Tuy nhiên, bà lưu ý BoJ vẫn tiếp tục chương trình mua trái phiếu và khẳng định rằng đây chỉ là sự điều chỉnh nhỏ, chứ không phải động thái khởi đầu của việc đảo ngược chính sách nới lỏng tiền tệ.

Norihiro Fujito, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities Co., cho rằng ông Kuroda đang mở đường cho việc rút khỏi chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của BoJ vào cuối nhiệm kỳ của ông, kết thúc vào tháng 4 tới.

Naohiko Baba, nhà kinh tế của Ngân hàng Goldman Sachs, dự báo động thái tiếp theo của BoJ có thể là từ bỏ chính sách lãi suất âm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản đang ở mức cao nhất trong 40 năm, với CPI cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm tươi tăng lên mức 3,6% trong tháng 10, vượt xa mức lạm phát mục tiêu 2% của BoJ. Nhưng hồi tháng 10, BoJ dự đoán lạm phát cốt lõi sẽ tăng chậm lại ở mức 1,6% trong năm tài chính 2023, sau khi đạt mức trung bình 2,9% trong năm tài chính hiện tại.

Áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ đối với BoJ đã giảm bớt trong vài tháng qua khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 4,2% xuống 3,4%, giảm mức chênh lệch so lợi suất của JGB kỳ hạn 10 năm. Chênh lệch lợi suất thu hẹp làm giảm sức hấp dẫn của đồng đô la Mỹ so với đồng yen.

Gần đây, giá đồng yen cũng phục hồi mạnh mẽ sau khi chạm mức 151 yen /1 đô la Mỹ, mức thấp nhất trong 32 năm hồi tháng 10.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4-2023, nhiều lần nhấn mạnh rằng lạm phát cao chỉ là tạm thời, do đó, việc thay đổi chính sách tiền tệ vào thời điểm này là quá sớm.

Nikkei Asia đưa tin Thủ tướng Fumio Kishida đang xem xét lại thỏa thuận năm 2013 giữa chính phủ Nhật Bản và BoJ, theo đó, cho phép BoJ sử dụng các công cụ chính sách để đạt được mức lạm phát mục tiêu 2% càng sớm càng tốt.

Thỏa thuận, được đưa ra như một phần trong chương trình kinh tế của cố Thủ tướng Shinzo Abe, được cho là đã hạn chế tính linh hoạt trong chính sách của BoJ và thúc đẩy ngân hàng này thực hiện các biện pháp cực đoan như lãi suất âm, mua trái phiếu không giới hạn và kiểm soát đường cong lợi suất.

Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đang chịu áp lực khi chi phí năng lượng và lương thực tăng cao, siết chặt ngân sách các hộ gia đình. Hồi cuối tháng 10, chính phủ Nhật Bản đã tung ra một gói kích thích khổng lồ 200 tỉ đô la Mỹ để giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân.

Theo Nikkei Asia, Bloomberg, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới