Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhật Bản: Sóng thần đẩy sản xuất ra nước ngoài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhật Bản: Sóng thần đẩy sản xuất ra nước ngoài

Ngô Minh Trí

Sản phẩm làm ra bị động đất và sóng thần vùi dập ở Nhật Bản khiến các doanh nghiệp muốn chuyển hoạt động ra nước ngoài. Ảnh: NYT.

(TBKTSG) – Cơn thiên tai kép vừa qua cùng với cuộc khủng hoảng hạt nhân đã khiến ngành công nghiệp Nhật Bản phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiểm ẩn và những tác hại lâu dài. Chính vì thế, các doanh nghiệp nước này đang xem xét chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài.

Cuộc khủng hoảng thiên tai và hạt nhân lần này tại Nhật Bản không chỉ phá sập những tòa nhà, san phẳng các thành phố mà còn tác động mạnh đến nền kinh tế. Một tháng sau cơn thảm họa, hoạt động sản xuất tại Nhật Bản vẫn còn bị đình trệ vì cơ sở hạ tầng hư hại và nguồn cung cấp điện không đáp ứng đủ. Về lâu dài, thiên tai vẫn là mối đe dọa mà nền sản xuất Nhật Bản không ứng phó nổi.

Chính vì những tác động lâu dài đó, các doanh nghiệp Nhật Bản đang xem xét đến việc chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài. Ông Heizo Takenata, Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản vào đầu những năm 2000, nhận xét: “Động đất và sóng thần làm tăng nguy cơ của Nhật Bản” và “điều đó thúc đẩy thêm nhiều công ty nhanh chóng di chuyển các nhà máy ra nước ngoài”.

Dù cho Nhật Bản được biết đến với khả năng thích nghi cao các thảm họa thiên nhiên như sóng thần và động đất thể hiện qua khả năng phục hồi nhanh chóng sau cuộc động đất tại Kobe vào năm 1995, nhưng quy mô của thảm họa hiện nay lớn hơn nhiều.

Theo nhận định của ông Takenata thì Nhật Bản mất đến 5% vốn liếng trong thiên tai vừa qua, cao hơn nhiều so với 2% trong cuộc động đất tại Kobe. Ngoài ra, bức xạ lan rộng từ Fukushima là điều chưa từng có. Lần này, Nhật Bản cũng khó có khả năng phục hồi như lần trước khi hiện tại nước này đang trong tình trạng nợ nần tăng cao và có ít thuận lợi hơn các đối thủ tại châu Á.

Một ví dụ là Công ty Renesac Electronic của Nhật Bản, là một trong những nhà sản xuất bộ vi xử lý hàng đầu thế giới.

Trước khi động đất xảy ra, Renesac Electronic đã thuê gia công tại nước ngoài khoảng 8% số chip của nó và dự kiến tăng tỷ lệ này lên thành 25% vào năm 2013. Nhưng hiện nay sau động đất, Renesac lập kế hoạch tăng tỷ lệ này lên cao hơn nữa và cho biết đang đàm phán để đưa việc sản xuất bộ vi xử lý điều khiển xe hơi, vốn đang được sản xuất toàn bộ tại Nhật Bản, sang một nhà máy tại Singapore thuộc sở hữu của GlobalFoundries Inc có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ. Renesas lo ngại việc trì trệ trong sản xuất có thể khiến nó mất đi các hợp đồng từ các nhà sản xuất ô tô thế giới.

Horio Seisakusho Co là nhà sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau, là một công ty chỉ có 52 công nhân nhưng chiếm đến 30% thị phần thiết bị quang học trong các đầu đĩa Blu-ray và đĩa phim. Mặc dù Horio Seisakusho Co hiện đang có hai nhà máy tại Trung Quốc và chưa có kế hoạch chuyển dịch ngay sản xuất ra nước ngoài nhưng công ty này cũng chịu một áp lực và giống như nhiều công ty khác.

Masahiko Horio, Tổng giám đốc của Horio Seisakusho Co, nói rằng: “Có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ giống chúng tôi tại khu vực này, một số chủ doanh nghiệp lo ngại sẽ mất đi công việc làm ăn nếu không giao hàng đúng hẹn”. Mặc dù việc chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài không phải đơn giản, nhưng mọi công ty bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn đều có kế hoạch thực hiện.

Xu hướng này sẽ càng trở nên phổ biến hơn, khi nhiều công ty từng cam kết rằng các công ty Nhật Bản nên sản xuất ngay trong nước, nhưng trong thực tế vẫn có kế hoạch chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài ngay cả khi chưa xảy ra thảm họa. Một trong những lý do của sự dịch chuyển này là chi phí lao động cao cùng những quy định chặt chẽ về môi trường của Nhật Bản.

Những bất ổn do thiên tai gây ra càng làm cho xu thế chuyển dịch sản xuất đó mạnh thêm lên. Tập đoàn xe hơi Nissan là một ví dụ. Dù Nissan chỉ sản xuất 25% số lượng xe hơi của mình tại Nhật Bản, nhưng đã chuyển việc sản xuất nhiều mẫu xe ra nước ngoài từ năm ngoái. Nissan cũng cho biết sẽ tạm thời nhập khẩu động cơ V6 từ nhà máy ở Decherd, Tennessee, Hoa Kỳ, thay cho sản lượng bị giảm đi sau khi nhà máy tại Iwaki bị hư hại thay vì nỗ lực khôi phục nhà máy này.

Yoshio Ishizaka, cựu cố vấn điều hành của Toyota Motor, nói rằng: “Tôi nghĩ rằng vẫn đang có một số khu vực thuộc nền công nghiệp Nhật Bản nên xem xét việc chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài”. Mặc dù Toyota lên tiếng phủ nhận, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng hãng ô tô này sẽ đóng cửa nhiều cơ sở cũ của nó tại Nhật Bản.

Cách khu vực xảy ra động đất hàng trăm dặm, Công ty Nakayama Iron Works Ltd, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất máy nghiền đá, băng tải dây đai, máy tái chế nhựa đường dùng trong xây dựng đường sá, cũng đang tìm kiếm các nhà cung cấp tại Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan để đảm bảo nguồn cung cấp các linh kiện quan trọng vốn được sản xuất tại Nhật Bản.

Tất nhiên, khi xu hướng chuyển dịch thực sự diễn ra mạnh mẽ, các quốc gia có ưu thế về nhân công, chi phí sản xuất thấp sẽ chính là những điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Việt Nam, có quá trình hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp Nhật Bản, có thể tận dụng cơ hội mới này để đẩy mạnh công nghiệp hóa nếu biết cải thiện nhanh hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và môi trường pháp lý.

(Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới