Nhật Bản tham gia đàm phán TPP
Thái Bình
![]() |
Một nông dân Nhật biểu tình hôm qua 14-3 phản đối quyết định của Thủ tướng Shinzo Abe đưa Nhật Bản tham gia đàm phán TPP. Ảnh Shuji Kajiyama |
(TBKTSG Online) – Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay 15-3 đã công bố Tokyo sẽ tham gia các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với hy vọng điều đó sẽ giúp Nhật khai thác được sự tăng trưởng ngoạn mục của khu vực và tạo động lực đẩy mạnh công cuộc cải cách cần thiết cho nền kinh tế trì trệ lâu ngày của Nhật Bản.
Quyết định tham gia đàm phán hiệp định TPP là “mũi tên thứ ba” trong chính sách kinh tế của ông Abe, gọi là “Abenomics”, bên cạnh các gói kích cầu và các biện pháp tài khóa-tiền tệ lỏng lẻo mà ông triển khai ngay từ khi trở lại chức vụ thủ tướng tháng 12 năm ngoái. Các chính sách này đã làm đồng yen Nhật yếu đi so với các ngoại tệ khác, góp phần thúc đẩy xuất khẩu của các tập đoàn như Sony, Toyota, Mitsubishi…
“Các nước đang nổi lên ở châu Á đang lần lượt nối nhau chuyển sang nền kinh tế mở. Nếu Nhật Bản tiếp tục duy trì một mình một nền kinh tế hướng nội, chúng ta sẽ không có cơ hội tăng trưởng. Đây là cơ hội cuối cùng của chúng ta. Nếu để lỡ cơ hội này, Nhật Bản sẽ bị bỏ lại đằng sau”, Thủ tướng Abe nói trong buổi họp báo sáng nay.
Theo thăm dò dư luận, 70% dân chúng Nhật ủng hộ chính sách kinh tế của ông Abe. Nhưng giới kinh tế học và lãnh đạo doanh nghiệp vẫn hoài nghi; họ cho rằng thách thức là ở chỗ ông Abe có thể vượt qua cản trở của các nhóm lợi ích để tự do hóa nền kinh tế hay không.
Hiệp ước TPP do Mỹ đề xuất ba năm trước, hiện có 10 nước tham gia đàm phán, gồm Mỹ, Canada, Mexico, Úc, New Zealand, Chile, Peru, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Cuộc đàm phán thứ 16 vừa kết thúc hôm thứ Tư tại Singapore và cuộc đàm phán thứ 17 tại Peru đang được chuẩn bị, xoay quanh vấn đề cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng nông sản và dệt may. Nhiều vấn đề gai góc khác vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng, chẳng hạn như luật lệ để xử lý tranh tụng giữa doanh nghiệp và nhà nước, điều hành các doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ bản quyền, quyền tiếp cận các dịch vụ tài chính, trao đổi qua biên giới quốc gia các dữ liệu điện tử, bảo vệ công nhân khi xảy ra tranh chấp thương mại v.v… Tuy nhiên, các quan chức hy vọng các nước tham gia đàm phán TPP sẽ đạt được một hiệp ước vào cuối năm này, khi các nhà lãnh đạo họp thượng đỉnh tại Bali, Indonesia vào tháng 10 tới.
Để tham gia đàm phán, trước hết Nhật Bản phải tiến hành thảo luận song phương với từng nước thành viên TPP, chấp nhận tất cả những thỏa thuận đã đạt được và nhận được sự đồng thuận của các nước này. Trong nước, Thủ tướng Abe còn phải vượt qua được sự chống đối của giới nông dân đang lo ngại việc nhập khẩu tự do nông sản của các nước TPP như Việt Nam, New Zealand, Úc sẽ đe dọa cuộc sống của họ.
(theo Reuters)