Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhật Bản ‘tuyên chiến’ với đĩa mềm sử dụng trong bộ máy hành chính

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ trưởng Các vấn đề số hóa Nhật Bản, Taro Kono tuyên bố sẽ hủy bỏ các điều luật đòi hỏi dữ liệu gửi cho chính phủ phải lưu trữ bằng đĩa mềm và các thiết bị truyền thông lạc hậu khác như đĩa CD, đĩa MD…

Trong bài viết trên Twitter hôm 30-8, Bộ trưởng  Taro Kono nói ông đang “tuyên chiến” với đĩa mềm, một công nghệ lưu trữ dữ liệu đã không còn sử dụng rộng rãi trong nhiều thập niên, như là một phần của chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số hóa, giúp người dân có thể gửi dữ liệu trực tuyến.

Kono giải thích rằng có khoảng 1.900 điều luật của Nhật Bản yêu cầu doanh nghiệp và người dân phải nộp các đơn từ, dữ liệu cho chính phủ trên đĩa mềm. Ngoài ra, còn có 157 điều luật yêu cầu họ gửi dữ liệu cho chính phụ trên đĩa quang, đĩa từ và băng từ.

Bởi vì những điều luật đó không yêu cầu một cơ chế gửi dữ liệu trực tuyến nên về mặt kỹ thuật, nó ràng buộc các doanh nghiệp và công dân sử dụng công nghệ mà nhiều người tiêu dùng thậm chí không thể tìm thấy ở cửa hàng ngày nay. Sony đã ngừng bán đĩa mềm vào năm 2011.

Phát biểu tại cuộc họp ngày 30-8, Bộ trưởng Taro Kono nói: “Chúng tôi sẽ xem xét lại các điều luật ngay lập tức. Ngày nay, bạn có thể mua đĩa mềm ở đâu trên thế giới này?”.

Hãng IBM bắt đầu bán đĩa mềm vào năm 1973 và loại thiết bị lưu trữ dữ liệu di động này cuối cùng phổ biến đến mực các cơ quan chính phủ Nhật Bản áp đặt quy định nộp dữ liệu trên đĩa mềm và sau đó và đĩa CD-ROM. Hiện nay, đĩa mềm hầu như không còn được sử dụng bởi chúng có nhược điểm: dung lượng lưu trữ thấp và dễ bị hư hỏng theo thời gian bởi các yếu tố môi trường. Các loại thẻ nhớ giao tiếp qua cổng USB và các thiết bị lưu trữ bằng quang học (đĩa CD, DVD…) đã thay thế cho đĩa mềm từ hàng chục năm qua.

Một nguyên nhân khác khiến các cơ quan chính quyền ở Nhật Bản vẫn tiếp tục sử dụng đĩa mềm là vì họ cho rằng gửi dữ liệu qua internet không an toàn.

Kono, ứng cử viên thủ tướng tiềm năng, là người chỉ trích mạnh mẽ nền hành chính kém hiệu quả đất nước, bao gồm việc tiếp tục sử dụng những công cụ lạc hậu như máy fax hay dấu mộc (hanko) để gửi tài liệu và chứng nhận các giấy tờ chính thức chẳng hạn giấy chứng nhận kết hôn. Ông đã cố gắng hạn chế việc sử dụng cả hai công cụ này khi còn là Bộ trưởng cải cách hành chính từ năm 2020 đến năm 2021, nhưng đến nay, chúng vẫn được sử dụng rộng rãi

Ông nói: “Tôi đang tìm cách loại bỏ máy fax”.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát vào tháng 5-2022 cho thấy máy fax vẫn được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản, với phần lớn (54%) các công ty cho biết họ đang sử dụng máy fax.

Theo cuộc khảo sát, hợp đồng chiếm phần lớn (56%) trong các dữ liệu được gửi qua fax, tiếp theo là hợp đồng thuê nhà (44%), tài khoản công ty (31%), tài liệu nhạy cảm về thương mại (28%) và tài liệu chứa các chi tiết ngân hàng nhạy cảm (26%).

Các rào cản pháp lý trên gây khó khăn cho việc áp dụng rộng rãi hơn công nghệ hiện đại như lưu trữ đám mây trong bộ máy hành chính Nhật Bản, theo báo cáo của nhóm chuyên trách của một ủy cố vấn số hóa chính phủ hôm thứ 30-8. Nhóm này sẽ xem xét các điều luật trên và sẽ công bố phương án sửa đổi chúng vào cuối năm.

Ủy ban cố vấn số hóa cũng sẽ thành lập một nhóm có nhiệm vụ rà soát các dự luật trình ra quốc hội Nhật Bản xem có những điều khoản lạc hậu, không phù hợp với xã hội số hóa hay không.

Nhật Bản cũng đang thúc đẩy chương trình cấp thẻ căn cước thông minh có tên gọi My Number (mã định danh 12 số) mà công dân có thể sử dụng để ký điện tử các đơn nộp thuế trực tuyến, đăng ký trực tuyến các dịch vụ khác của chính phủ và sử dụng để đăng nhập ngân hàng trực tuyến cũng như ký kết các giao dịch.

Ông Taro Kono , người am hiểu về công nghệ, ủng hộ mạnh mẽ My Number và các giao dịch trực tuyến. Ông nêu chi tiết những khó khăn mà các chính quyền thành phố phải đối mặt trong việc phân phối trợ cấp khẩn cấp cho người dân trong đại dịch Covid-19. Ông lưu ý vào thời điểm đó, công dân cần đính kèm bản sao hộ chiếu với thông tin tài khoản ngân hàng để nhận được quyền lợi.

Nhật Bản không phải là chính phủ duy nhất chậm  bỏ sử dụng đĩa mềm. Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ mới thay đĩa mềm bằng các đĩa thể rắn để quản lý kho vũ khí hạt nhân vào năm 2019.

Theo Bloomberg, Zdnet, techradar

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới