Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhật Bản và Singapore săn nhân tài rời Hồng Kông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhật Bản và Singapore săn nhân tài rời Hồng Kông

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) – Một dự luật về thu hút nhân tài ngành tài chính từ Hồng Kông sẽ được chính phủ Nhật Bản công bố vào cuối tháng 6, sớm hơn dự định một tháng. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ  đang đặt trụ sở tại Hồng Kông cũng tuyên bố sớm dời sang Singapore.

Lao động tay nghề cao từ Hồng Kông, bao gồm người địa phương và cộng đồng nước ngoài, đang được các nước trong khu vực mời gọi.

Không còn muốn bám trụ “cảng thơm”

Trong một cuộc thăm dò do tờ Ming Pao thực hiện cuối tháng 5 khi luật an ninh được công bố, hơn 37% số người khảo sát nói rằng đang xem xét việc rời khỏi Hồng Kông. Vốn có mối quan hệ mật thiết với đặc khu, Đài Loan và Anh là hai địa điểm được ưa chuộng nhất cũng công bố những hỗ trợ cần thiết đối với người có quốc tịch Hồng Kông.

Các công ty tư vấn định cư nước ngoài tiết lộ, số cuộc hẹn tư vấn đã tăng gấp 3-4 lần trong năm tháng đầu năm nay. Phần lớn người giàu Hồng Kông chọn các chương trình mua bất động sản để có quyền định cư để các nước châu Âu, Mỹ, Canada, Úc và New Zealand. Bất động sản ở Nhật và Malaysia cũng được các công ty tư vấn giới thiệu.

Số đông còn lại trông chờ vào chính sách đối với công dân Anh ở hải ngoại (BNO) của chính phủ Anh. Hiện số người Hồng Kông mang hộ chiếu BNO là 350.000 người, nhưng hộ chiếu này chỉ cho phép họ nhập cảnh không cần visa vào Anh trong sáu tháng mà không được quyền định cư và làm việc. Chính phủ Anh hứa sẽ thay đổi chính sách và tiếp nhận đến 3 triệu người Hồng Kông đủ điều kiện cấp hộ chiếu BNO.

Việc có được quốc tịch Anh là một con đường dài. Nhiều người Hồng Kông không đủ kiên nhẫn chờ đợi. Tình hình nhìn bên ngoài có vẻ yên ắng, nhưng bên trong là những đợt sóng ngầm. Michelle Chan – một phóng viên Hồng Kông – nói về tâm sự của một người bạn cô về sự lựa chọn ra đi hay ở lại: “Bạn tôi đưa ra một ẩn dụ thú vị. Di cư sang Anh giống như bước xuống chiếc xuồng cứu sinh mà mọi người thèm khát. Giống như một lựa chọn không ai muốn cho đến khi tàu Titanic bắt đầu chìm. Trước đó, mọi người vẫn sinh hoạt bình thường. Nhạc vẫn chơi, hành khách vẫn khiêu vũ".

Nhật Bản và Singapore săn nhân tài rời Hồng Kông
Vị trí trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông lung lay khi Trung Quốc tuyên bố luật an ninh mới. Ảnh: Reuters

Cộng đồng người nước ngoài lên đến 650.000 người ở xứ “cảng thơm” và có một lịch sử định cư lâu đời. Nhưng giờ Hồng Kông không còn là miền đất lành sau những bất ổn từ tiềm tàng trở thành hiện thực khó chấp nhận. Họ đã chuẩn bị sẵn hành lý và những kế hoạch để rời khỏi Hồng Kông khi các cuộc biểu tình dữ dội nổ ra ở đây.

Đề cương “thủ đô tài chính Tokyo”

Các dự thảo nhằm biến Tokyo thành trung tâm tài chính quốc tế được chính phủ Nhật Bản công bố cuối tuần rồi, sớm hơn dự định một tháng. “Kế hoạch thúc đẩy Tokyo thành trung tâm tài chính có tầm rất quan trọng”, Seiji Kihara, một thành viên trong nhóm soạn thảo thuộc Đảng Dân chủ Tự do Nhật (LDP) đương nhiệm, phát biểu. Các đề nghị đưa ra bao gồm nới lỏng các quy định về tài chính ngân hàng, tập trung hơn nữa vào các yếu tố môi trường, xã hội và chính quyền.

Ông Kihara đặc biệt lưu ý tình hình Hồng Kông sau khi Bắc Kinh công bố luật an ninh quốc gia mới tại đặc khu này. Kế hoạch này được công bố chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu rằng đất nước mặt trời mọc sẵn sàng “chào đón tài năng nước ngoài với chuyên môn và kỹ năng đặc biệt, bao gồm từ Hồng Kông”.

Biến thủ đô Tokyo thành trung tâm tài chính quốc tế là một cương lĩnh của đảng LDP trong cuộc bầu cử thượng nghị viện năm ngoái. Luật an ninh mới ở Hồng Kông giảm bớt sức hấp dẫn của hòn đảo này đối với các tập đoàn ngân hàng toàn cầu, nhưng lại có thể là mở đầu mới cho người Nhật Bản.

Singapore là xu hướng?

Một khảo sát cuối năm 2019 của AmCham Hồng Kông cho thấy 1/4 doanh nghiệp đang xem xét giảm bớt quy mô công ty hay chuyển toàn bộ hoạt động của họ ra nước ngoài. Anh và các nước thuộc khối Thịnh vượng chung là lựa chọn đầu tiên bởi mối quan hệ lịch sử lâu dài, hệ thống giáo dục tương tự và đặc biệt là… nói tiếng Anh.

“Chúng tôi sẽ dọn đến Singapore”, một doanh nhân Mỹ đã lập một startup về công nghệ tài chính (fintech) được hai năm ở đặc khu này. Startup gọi vốn được hơn 100 triệu đô la trong năm 2018 và thuê 75 nhân viên địa phương. Nhưng ông đã quyết định giảm quy mô của “đại bản doanh Hồng Kông” để chuyển sang một văn phòng vệ tinh.

Singapore là địa điểm ưa chuộng nhất trong khảo sát của AmCham. Có đến 28% doanh nghiệp họ e ngại chảy máu chất xám ở Hồng Kông, trong khi 15% nói rằng họ gặp khó khăn trong thuê mướn nhân sự hay lo lắng về tương lai khi không tuyển được người.

“Phần lớn các công ty tham gia khảo sát nói rằng họ chưa muốn rời khỏi Hồng Kông ngay. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Hồng Kông như là một trung tâm thương mại chiến lược và có thể thay thế ở châu Á. Nguy cơ và rủi ro tăng dần có thể đẩy bật họ ra khỏi vị trí đó”, Chủ tịch Amcham Tara Joseph phát biểu.

Những ông lớn có những động thái đầu tiên. Hãng công nghệ Uber tuyên bố rời Hồng Kông để quay trở lại Singapore. Cách đây hai năm, Uber đã bán lại mảng kinh doanh Đông Nam Á cho hãng Grab đóng ở Singapore để rảnh tay chinh phục thị trường Đông Bắc Á.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới