Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhất cử lưỡng tiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhất cử lưỡng tiện

Ngô Minh Trí

(TBKTSG) – Theo thông cáo mới nhất từ tập đoàn Truyền thông News Corp, thuộc sở hữu của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, thì tập đoàn này đã chính thức bán quyền kiểm soát ba kênh truyền hình bằng tiếng Hoa cho một đơn vị nội địa Trung Quốc. Từ nay, Quỹ đầu tư truyền thông Trung Quốc (China Media Capital – CMC) sẽ thay thế News Corp quản lý hai kênh truyền hình Xing Kong International, Channel Mainland China, cùng kênh chiếu phim bằng tiếng Hoa là Fortune Star Chinese.

Năm ngoái, Quỹ đầu tư CMC được thành lập bởi hai cổ đông là tập đoàn Truyền thông Thượng Hải (Shanghai Media Group – SMG), tập đoàn truyền thông lớn thứ hai tại Trung Quốc, và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (China Development Bank – CDB). Cả SMG lẫn CDB đều thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc và Quỹ đầu tư CMC được cho là có số vốn khoảng 5 tỉ nhân dân tệ (tương đương 739 triệu đô la Mỹ).

Giới phân tích cho rằng, việc News Corp bán cổ phần, nhượng quyền kiểm soát cho thấy tập đoàn truyền thông này đang chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Ấn Độ, một thị trường đang nổi lên.

Năm ngoái, News Corp đã tái tổ chức việc kinh doanh kênh truyền hình vệ tinh Star TV tại châu Á, tách Trung Quốc và Ấn Độ ra thành những thị trường riêng để có chính sách khai thác phù hợp. Nhưng thực sự, việc chuyển hướng đầu tư của News Corp không phải do thị trường Trung Quốc kém hấp dẫn hơn Ấn Độ, mà bởi vì nhà đầu tư News Corp hình như đã chán ngán với những quy định về pháp lý quá rắc rối của chính quyền Bắc Kinh.

Vào cuối những năm 1990, thị trường hơn một tỉ dân của Trung Quốc đã thu hút mạnh các tập đoàn truyền thông nước ngoài. Không riêng gì News Corp mà hai đại gia truyền thông khác là Viacom và Time Warner cũng hăng hái tìm đến Trung Quốc với kỳ vọng sẽ đem làn sóng phim truyện Hollywood đến với giới trẻ đông đảo và khát khao hội nhập của nước này.

Thế nhưng, chỉ sau một thời gian, những quy định pháp lý về việc người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực truyền thông tại Trung Quốc ngày càng tỏ ra chặt chẽ, nhiêu khê và phiền toái hơn. Từ năm 2005, Bắc Kinh đã ban hành hàng loạt quy định hạn chế quyền sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trong các đài truyền hình địa phương cũng như hệ thống cửa hàng dịch vụ.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng hạn chế việc phân phối dịch vụ truyền hình của các tập đoàn nước ngoài, quy định tỷ lệ (rất ít) phim nước ngoài được chiếu trên hệ thống truyền hình Trung Quốc hoặc can thiệp vào lịch chiếu phim, buộc dừng chiếu những bộ phim ăn khách như phim Avatar mà không đưa ra sự giải thích thỏa đáng nào. Các tập đoàn truyền hình nước ngoài phần lớn chỉ có thể cung cấp nội dung ở khu vực tỉnh Quảng Đông, là nơi có cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài đông đảo, còn ở các khu vực khác thì gần như không thể.

Hoạt động với quá nhiều trói buộc khiến News Corp không có chọn lựa nào khác ngoài việc chuyển quyền kiểm soát về cho một đơn vị nội địa. Không riêng gì News Corp, người ta dự báo rồi các tập đoàn truyền thông khác cũng sẽ dần từ bỏ thị trường Trung Quốc. Tuna Amobi, nhà phân tích của Standard & Poor’s, dự báo: “Sự ra đi của News Corp báo hiệu một xu hướng mà sẽ có nhiều công ty – như Viacom và các công ty khác – có thể sẽ đi theo: nối gót News Corp rời khỏi Trung Quốc”.

Trước khi News Corp ra đi, một loạt các công ty truyền thông khác cũng ngậm ngùi rời bỏ thị trường Trung Quốc bởi những ràng buộc về pháp lý. Đáng chú ý là mỗi khi có một doanh nghiệp nước ngoài ra đi đều có một doanh nghiệp Trung Quốc nổi lên đảm trách công việc thay thế. Twitter, Flickr, WordPress, Yahoo, YouTube… đều đã rời khỏi thị trường Trung Quốc. Đầu năm nay, Google cũng đã rút lui khỏi thị trường Trung Quốc vì không chấp nhận yêu cầu kiểm duyệt nội dung kết quả tìm kiếm trên Internet mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra.

Như thế, sau một thời gian hợp tác để nâng cao năng lực các doanh nghiệp truyền thông nội địa, khi thấy doanh nghiệp trong nước đã đủ lực, Trung Quốc liền tìm cách “đuổi khéo” các tập đoàn truyền thông nước ngoài bằng các chính sách luật pháp. Đó có thể xem như “nhất cử lưỡng tiện”, Trung Quốc vừa có thể kiểm soát tốt hơn dòng thông tin truyền thông trong nước, vừa có thể “bảo hộ” để giúp các doanh nghiệp nội địa làm chủ thị trường trong nước. Ngoài ra, còn có những “tam, tứ tiện” khác như doanh nghiệp nội địa sẽ mượn được kênh giao tiếp của các tập đoàn nước ngoài nhằm tiếp cận thị trường quốc tế.

Nhưng thực ra, không có cái gì là không trả giá. Tờ Guardian của Anh Quốc nhận xét, việc News Corp bán cổ phần, nhượng quyền kiểm soát và rút ra khỏi Trung Quốc thể hiện rõ sự thất bại trong việc kinh doanh độc lập tại nước này. Điều đó đồng nghĩa với việc người ta sẽ nghi ngờ tính ổn định của môi trường kinh doanh cũng như những ràng buộc pháp lý gây nhiều khó khăn khi đầu tư vào Trung Quốc. Giới đầu tư sẽ không còn đủ niềm tin rằng họ có thể thiết lập một công việc kinh doanh độc lập tại Trung Quốc mà không bị sự chi phối của nhà cầm quyền.

Hơn nữa, những trói buộc về mặt pháp lý hay những biện pháp bảo hộ cũng có thể dẫn đến hạn chế tiềm năng phát triển của thị trường truyền thông Trung Quốc. Năm ngoái, trong Hội nghị truyền thông thế giới tại Bắc Kinh, ông trùm truyền thông Rupert Murdoch của News Corp từng cảnh báo, Trung Quốc sẽ gặp phải nhiều khó khăn nếu không chịu cởi mở thị trường truyền thông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới