Thứ Hai, 7/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhật muốn thúc đẩy phát triển quan hệ khu vực

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhật muốn thúc đẩy phát triển quan hệ khu vực

(TBKTSG Online) - Đối với nước Nhật, hợp tác châu Á đang ngày càng mang dáng dấp của một chiếc phao cứu sinh. Việc GDP tụt giảm 12,7% trong quý 4-2008 và khả năng bị tụt giảm tương tự trong quý 1-2009 càng cho thấy tầm mức quan trọng của khủng hoảng tại Nhật.

Trong tháng 12-2008, thất nghiệp ở Nhật tăng 0,5 điểm, đạt tỷ lệ 4,4%. Tiêu dùng của các hộ gia đình giảm 0,4% trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12, chủ yếu do tình trạng dân số giảm, lương giảm và việc làm bấp bênh tăng cao. Đầu tư của các doanh nghiệp Nhật giảm 5,3%.

Những con số trên phản ảnh một nền kinh tế dễ bị tổn thương do quá lệ thuộc vào xuất khẩu. Trong tháng 12-2008, lượng hàng hóa của Nhật bán ra nước ngoài giảm đến 35%, riêng sang Mỹ là 36,9% và 36,5% sang châu Á. Nếu như hàng Nhật xuất sang Mỹ đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng, thì ở châu Á nó lại hướng đến các doanh nghiệp làm hàng tái xuất khẩu sang Bắc Mỹ và châu Âu.

Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi trong khu vực lại có những điều kiện thuận lợi hơn, bắt đầu là Trung Quốc. Tại cuộc gặp của Câu lạc bộ các đặc phái viên báo chí nước ngoài tại Tokyo hôm 17-2, ông Nobuhiro Tomatsu, chủ tịch của Global Link Advisor lưu ý: “Tỷ trọng xuất khẩu trong GDP của Trung Quốc không đến nỗi nhiều như người ta nghĩ. Tiêu dùng nội địa và đầu tư vào cơ sở hạ tầng là hai động cơ tăng trưởng quan trọng khác của nước này”. Doanh số bán lẻ ở Trung Quốc tiếp tục tăng và dân số ở độ tuổi lao động tăng cao sẽ kích thích tiêu dùng. “Tôi nghĩ Trung Quốc ngày nay giống Nhật những năm 1970 với nhu cầu tiêu dùng tăng rất cao và tín dụng có thể bùng nổ”, ông Tomatsu nói thêm.

Những nhận định này hoàn toàn tương phản với tình hình ở châu Âu và Mỹ, đồng thời nó cũng khuyến khích Nhật hướng sang Trung Quốc và các nước khác ở châu Á, theo Le Monde. Trên bài xã luận số ra ngày 16-2, nhật báo kinh tế Nihon Keizai lưu ý rằng “khủng hoảng mang đến những cơ hội tốt nhằm tăng cường hợp tác khu vực”. Những cơ hội đó chính là cuộc họp ba bên ngày 13-12-2008 tại Tokyo giữa lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật được kết thúc bằng việc tăng cường các hệ thống trao đổi ngoại tệ và đề nghị thành lập một Quỹ Tiền tệ châu Á theo kiểu IMF mà Trung Quốc rất tán thành.

Ngoài ra, tại cuộc họp thượng đỉnh Hàn - Nhật ở Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng Nhật Taro Aso cũng mong muốn thúc đẩy các cuộc thương lượng theo hướng thiết lập một hiệp định tự do mậu dịch song phương. Hiệp định này sẽ bổ sung cho những hiệp định đã ký với các nước thành viên ASEAN, hoặc việc Nhật tham gia vào “sáng kiến Chiang Mai” được phát động từ năm 2000 dựa trên việc trợ giúp tương hỗ giữa các ngân hàng trung ương trong khu vực trong trường hợp khủng hoảng tiền tệ.

Và sau cùng, Nhật cũng muốn giúp các nền kinh tế mới nổi trong khu vực vượt qua khủng hoảng khi tuyên bố sẽ dành ra 1.500 tỉ yen (khoảng 15,85 tỉ đô la Mỹ) cho khoản trợ giúp này. Tất nhiên đây là động thái trong cuộc chạy đua trở thành thủ lĩnh dẫn đầu trong khu vực giữa Nhật và Trung Quốc, và nó không được ảnh hưởng đến tầm quan trọng của bạn hàng lớn thứ hai của Nhật là nước Mỹ.

MINH TRƯỜNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới