Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhật: Nông nghiệp là hoạt động tương lai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhật: Nông nghiệp là hoạt động tương lai

Dân số nông nghiệp ở Nhật đang già nhanh, số người trên 65 tuổi chiếm đến 60%.

(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh khủng hoảng công nghiệp và gia tăng thất nghiệp hiện nay ở Nhật, lĩnh vực nông nghiệp đang mang đến hy vọng bằng nhiều sáng kiến, theo tờ Tokyo Shimbun

Tại một cao ốc văn phòng ở Sakae, một trong những khu phố của Nagoya, nhà hàng Budo-no Kaze phục vụ các món ăn nhiều rau và xà lách trộn theo mùa. Mỗi ngày, buffet tự chọn của nhà hàng có giá vé 1.800 yen (khoảng 18 đô la Mỹ) được làm từ sản phẩm chuyên chở trực tiếp từ các nông trại và thu hút nhiều khách hàng, đa số là nữ.

“Chủ” nhà hàng là Iganosato Mokumoko Tezukuri Farm (IMTF), một hợp tác xã nông nghiệp ở Iga, thành phố phía tây Nagoya, do 18 nhà nông trong vùng lập ra vào năm 1988. Hiện nay, IMTF sử dụng 150 người làm việc theo hợp đồng vô thời hạn và 520 lao động có thời hạn hoặc thời vụ. Mỗi năm, IMTF tuyển bổ sung khoảng một chục người, đa số có bằng đại học, nhưng vẫn tiếp tục thiếu nhân sự. 

Nhà quản lý IMTF, Osamu Kimura, 57 tuổi, cựu nhân viên của Japan Agricultural Cooperatives (JA, trực thuộc Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp), cho rằng nông dân không thể bằng lòng với việc canh tác để sống, ông nảy ra ý tưởng tự sản xuất jambon và xúc xích, rồi phân phối khắp nơi. Ông Kimura cũng liên kết với người trồng lúa và trồng rau trong vùng và dần dần tiến tới bán các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như gạo chất lượng bán dưới nhãn hiệu Gohichigo, bia truyền thống hoặc bánh mì chất lượng. Ông cũng sản xuất và phân phối các món ăn truyền thống phục vụ ngày đầu năm. 

Đối với ông Kimura, lĩnh vực mới này là tương lai của nông nghiệp. Ngay cả thời khủng hoảng, doanh số vẫn không ngừng tăng và dự kiến sẽ đạt 4,4 tỉ yen trong năm tài chính này. Khoảng 70% doanh số phát sinh từ hoạt động dịch vụ, như công viên chủ đề nông nghiệp (1,8 tỉ yen) và nhà hàng (1,2 tỉ). Bằng chứng thành công của lĩnh vực này là IMTF đã mở thêm nhà hàng thứ bảy tại một cao ốc gần nhà ga trung tâm Nagoya. 

Tatsuaki Shinohara, 32 tuổi, đã từ bỏ vị trí công chức ở Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp để về làm việc ở IMTF với chức vụ giám đốc quản lý và tài chính. Hiện anh phụ trách triển khai các hoạt động mới và tài trợ dự án. Vào thời kỳ khó vay được tiền ngân hàng, anh đã yêu cầu các đối tác mua cổ phiếu do IMTF phát hành để vượt qua tình trạng thiếu tiền mặt. “Tôi muốn chứng minh rằng nông nghiệp là lĩnh vực tăng trưởng”, anh khẳng định. 

Để người nông dân làm việc cho IMTF có thể lãi cao, “chúng tôi mua sản phẩm của họ cao hơn JA từ 20 đến 30%. Chỉ khi nhà sản xuất có thu nhập ổn định thì chúng tôi mới đảm bảo được chất lượng và an toàn của sản phẩm”, ông Kimura giải thích. Trong ba năm qua, ông đã tuyển thêm 40 người theo hợp đồng vô thời hạn. “Nếu thu hút được các chuyên gia tiếp thị và thiết kế, chắc chắn các ý tưởng mới sẽ ra đời và mang lại lợi nhuận cao”, ông Kimura tin tưởng. Trong lúc xã hội Nhật đang lo sợ thất nghiệp, người đàn ông này lại đặt cược vào “một kỷ nguyên mới của nông nghiệp”.

Giáo sư Isoshi Kajii ở đại học Tokyo cho rằng chính phủ muốn nâng tỷ lệ tự cấp lương thực lên 50% (thay vì 40% hiện nay), nhưng các biện pháp hỗ trợ lao động nông nghiệp chỉ khỏa lấp được những khó khăn hiện thời. “Về lâu dài, có lẽ những biện pháp này sẽ không tiến tới đào tạo đủ các nhà nông trẻ”, ông lo ngại.

 Tuy nhiên, nông nghiệp nước này cũng gặp vấn đề nhân lực. Số nông dân Nhật giảm từ 14,54 triệu người năm 1960 xuống còn 2,99 triệu người năm 2008. Thêm vào đó là dân số nông nghiệp đang già nhanh, số người trên 65 tuổi chiếm đến 60%.

Trên cả nước Nhật, người ta ghi nhận tình trạng xin việc gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ tháng 4-2008, số người xin việc tăng mỗi tháng 30% ở quận Toyama thuộc miền trung. Tại Oita (miền nam), trong khi số trường hợp không tái ký hợp đồng trong lĩnh vực công nghiệp gia tăng hàng loạt, các JA trong vùng dự kiến tuyển thêm 50 người.

Theo tờ Mainichi Shimbun, số người Nhật đến tư vấn ở các trung tâm chuyên ngành để trở thành nhà nông đang gia tăng, dù không phải người xin việc nào cũng có thể làm được nghề này. Trong gói tái thiết kinh tế, chính phủ Nhật dành một khoản trợ giúp tạo ra 5.000 việc làm trong nông, lâm và ngư nghiệp. Nhưng đây là những nghề đòi hỏi không chỉ thể lực cao, mà còn phụ thuộc vào những bất thường của thời tiết. Chính vì vậy mà có không ít giới trẻ nhanh chóng bỏ nghề. 

TẤN LỘC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới