Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhật thay đổi “văn hóa” làm việc quá sức để giữ người

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhật thay đổi “văn hóa” làm việc quá sức để giữ người

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Tình trạng khan hiếm lao động khiến nhiều công ty Nhật Bản phải tìm cách giữ chân nhân viên bằng cách thay đổi văn hóa làm việc quá giờ, cho phép họ về sớm hơn hoặc làm việc ở nhà và tạo điều kiện cho họ nghỉ phép nhiều hơn.

Nhật thay đổi
Các nhân viên công sở trên đường đến văn phòng làm việc ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Giới trẻ oán ghét lề lối làm việc cũ, tìm kiếm sự tự do

Khi còn làm nhân viên cho một ngân hàng Nhật Bản, Chihiro Narazaki không được giao các phần việc thuận lợi nhất vì chúng được ưu ái dành các đồng nghiệp lớn tuổi. Các ý tưởng của cô không được khuyến khích và cô thường phải ở lại công ty muộn chỉ để hoàn thành những công việc giấy tờ thường ngày.

Người phụ nữ 29 tuổi này thấy rõ tương lai của mình khi nhìn vào hình ảnh của cha cô, một nhân viên kinh doanh trong ngành dược phẩm, cũng đầu tắt mặt tối vì công việc.

Quyết tâm tránh số phận đó, cô đã tìm được một công việc mới: bán phần mềm cho công ty Cybozu. Narazaki nói rằng bây giờ cô có thể tự đặt ra các mục tiêu, tiếng nói của cô được sếp lắng nghe và sự hiện diện của cô tại công ty là không bắt buộc.

“Đôi khi tôi làm việc ở nhà, đi gặp gỡ khách hàng và sau đó trở về nhà để làm thêm công việc. Chúng tôi có rất nhiều sự tự do”, Narazaki nói và cho biết cô đang theo học một lớp yoga.

“Tại nơi làm việc trước đây của tôi, những gì bạn làm được phụ thuộc vào độ tuổi của bạn. Thật đáng xấu hổ vì bạn không thể sử dụng hoặc phát triển kỹ năng của bạn”, Narazaki than phiền.

Khi tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản xuống mức thấp nhất trong 26 năm, các công ty ở nước này đang cạnh tranh gay gắt để thu hút các nhân viên tài năng. Nhưng những người trẻ tuổi mới gia nhập lực lượng lao động thường oán ghét với lề lối làm việc khiến môi trường doanh nghiệp Nhật Bản trở nên “khét tiếng” toàn cầu, đó là: số giờ làm việc trong ngày kéo dài, hệ thống kỷ luật, tôn ti trật tự nghiêm ngặt từ trên xuống và bổng lộc dựa trên lòng trung thành và thâm niên làm việc.

Xung đột ý thức hệ trong phong cách làm việc đang tái định hình văn hóa làm việc quá khắc nghiệt của Nhật Bản đến mức có một thuật ngữ để ám chỉ điều này: karoshi (chết vì làm việc qua mức).

Các công ty và giới chức Nhật dần thay đổi

Nhiều công ty Nhật Bản giờ đây yêu cầu nhân viên tập trung vào khách hàng thay vì các vị lãnh đạo công ty, tự đặt ra các mục tiêu thay vì chờ đợi mệnh lệnh và cho phép họ làm việc ở nhà, tránh làm việc quá giờ và dành nhiều thời gian cho các kỳ nghỉ.

Các chuyên gia nguồn nhân lực cho biết sự thay đổi này vẫn chưa thực sự trở thành một chuẩn mực bình thường ở Nhật Bản nhưng nó đang ngày xuất hiện rộng rãi và tác động đến tăng trưởng kinh tế cũng như năng suất lao động.

Các cải cách về giờ làm việc được giới hiệu hồi tháng 4 vừa qua có thể thúc đẩy nhanh thay đổi này. Các công ty Nhật Bản sẽ bị xử phạt nếu không giới hạn số giờ làm việc trong ngày hoặc không tạo điều kiện cho nhân viên nghỉ phép.

Hồi tháng 12- 2016, ông Tadashi Ishii (giữa), Chủ tịch công ty quảng cáo Dentsu cúi đầu xin lỗi tại một cuộc họp báo ở Tokyo và sau đó tuyên bố từ chức sau khi một nữ nhân viên của công ty này tự tử do áp lực công việc. Ảnh: Kyodo

Yoshie Komuro, Giám đốc công ty Work-Life Balance, đơn vị tư vấn chính phủ Nhật Bản về các cải cách lao động, nói: “Các công ty Nhật Bản từng thiết lập hệ thống chấm điểm nhân viên dựa trên số giờ làm việc, đó là cách để nhân viên thăng tiến trong thế giới doanh nghiệp.

Giờ đây, vấn đề đối với các doanh nghiệp là làm sao để nhân viên có thể làm việc hiệu quả trong bối cảnh nguồn nhân lực đang ngày càng hạn hẹp ở Nhật Bản”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã dần cải cách luật lao động kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, giúp các bà mẹ nuôi con nhỏ dễ dàng tìm kiếm các công việc bán thời gian, cắt giảm số giờ làm việc và giảm mức chênh lệch thu nhập quá lớn giữa người lao động toàn thời gian và người lao động hợp đồng.

Kể từ đó, số giờ làm việc trung bình ở Nhật Bản đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong số các nền kinh tế công nghiệp phát triển G7, trong khi đó, năng suất lao động của Nhật Bản cũng tăng nhanh nhất trong G7.

Nhờ các thay đổi về giờ giấc làm việc theo hướng linh động hơn, công ty phần mềm Cybozu đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm ở mức hai con số.

Các nhân viên lớn tuổi ở Cybozu nói rằng công ty từng bắt buộc nhân viên làm việc đến kiệt sức. Từng có thời điểm 28% lực lượng lao động của công ty này bỏ việc trong vòng một năm vì làm việc quá tải.

Giờ đây, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc ở Cybozu chỉ 5% mỗi năm và công ty đã ngưng đăng tuyển dụng ở các trang web tìm kiếm việc làm.

Lao động đến kiệt sức từng là niềm tự hào của người Nhật

Suốt cơn bùng nổ kinh tế của Nhật Bản vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, các nước phương Tây đối mặt với các cuộc đình công thường xuyên của giới công nhân thì các công ty Nhật Bản vươn lên nhờ lợi thế công nghệ cũng như sự cống hiến và kỷ luật của các công nhân có tay nghề cao.

Văn hóa làm việc của Nhật Bản vào thời đó đòi hỏi nhân viên phải nỗ lực tối đa cho bất cứ nhiệm vụ nào dù lớn và khó khăn đến mức nào và không được chất vấn các mệnh lệnh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, lề lối làm việc khắt khe này phát triển thành một não trạng chiều lòng các vị lãnh đạo trong công ty, thay vì khách hàng.

Hồi đó, hình ảnh những “người làm công ăn lương” mệt lử rời những cao ốc văn phòng vào đêm khuya là niềm tự hào quốc gia, thể hiện đạo đức và sự bền bỉ trong công việc của người Nhật Bản. Tuy nhiên, sau hai thập kỷ kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trì trệ và vô số các vụ tự tử và lên cơn đau tim do áp lực công việc, hình ảnh này trở thành biểu tượng của một hệ thống lương bổng dựa vào thâm niên làm việc lạc hậu, đang kìm hãm Nhật Bản.

Theo Hiroaki Izumi, Tổng Giám đốc bộ phận kiểm soát tuân thủ pháp lý ở công ty bảo hiểm nhân thọ Sumitomo Life Insurance, vào thời kỳ đó, các chi nhánh của công ty ông trên toàn quốc phải tổ chức các cuộc họp nội bộ liên miên và không cần thiết đồng thời phải phải soạn tỉ mỉ các bản tóm tắt cập nhật tình hình kinh doanh.

Điều này khiến các nhân viên chỉ còn ít thời gian cho các nhiệm vụ đơn giản nhưng hữu ích, chẳng hạn thiết kế các tờ rơi quảng cáo giải thích các dịch vụ và sản phẩm cho khách hàng hoặc cải thiện các quy trình bảo vệ quyền riêng tư của họ.

Hồi đó, Izumi thường chỉ rời văn phòng làm việc vào lúc 9 giờ hoặc 10 giờ tối. Giờ đây, ông hiếm khi ở lại làm việc đến sau 6 giờ tối. Ông đã sử dụng thời gian rảnh trong ba năm qua để hoàn tất chương trình tiến sĩ luật. Tính tổng cộng, Sumitomo Life Insurance đã giảm thời gian làm việc quá giờ khoảng 5% kể từ năm 2016.

Motohisa Kawamura, Phó Tổng giám đốc ở bộ phận hoạch định nhân sự của Sumitomo Life Insurance, nói: “Chúng tôi thực hiện các cải cách này vì cảm nhận khủng hoảng. Chúng tôi cần cắt giảm các công việc không cần thiết và tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Chúng tôi cần bảo đảm rằng các nhân viên phải có thời gian học các kỹ năng mới và sáng tạo”.

Theo Reuters

Vị trí đặt bình chọn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới