Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều băn khoăn về gói cho vay 100.000 tỉ đồng ưu đãi 4% lãi suất

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Gói cho vay ưu đãi 4% lãi suất với quy mô 100.000 tỉ đồng hiện đang được các cơ quan quản lý thảo luận, nhưng khả năng thực thi và cơ chế thực hiện vẫn là dấu hỏi lớn.

Tại buổi đối thoại trực tuyến “Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích” mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết dự kiến trong thời gian tới có thể triển khai gói cho vay cấp bù lãi suất 3.000 tỉ đồng.

Theo đó, quy mô dư nợ cho vay của gói này có thể đạt 100.000 tỉ đồng với lãi suất được hỗ trợ tương ứng khoảng 3-4%.

Gói hỗ trợ này được triển khai từ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, gần đây gợi ý về gói hỗ trợ lãi suất trên 2.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, với dư nợ dự kiến khoảng 60.000 tỉ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp vượt đại dịch Covid-19.

Quy mô còn nhỏ, khó cho vay dưới chuẩn

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá con số dự kiến đưa ra là 3.000 tỉ đồng hỗ trợ 4% lãi suất, quy mô này được cho là vẫn còn nhỏ. “Tôi cho rằng quy mô này quá nhỏ, không thấm vào đâu để tạo ra sức bật giúp nền kinh tế phục hồi rõ nét”, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh, nhận định.

Theo ông Nghĩa, trên thị trường hiện nay đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ, dù giảm lãi suất đến ba lần từ năm ngoái đến nay, nhưng doanh nghiệp vẫn “kêu” chưa đủ. Do đó, nếu gói hỗ trợ lãi suất này muốn thực hiện thì cần tạo dấu ấn riêng, còn không thì không cần thực hiện.

Nhưng quy mô nhỏ chưa phải là trở ngại duy nhất, đối tượng cho vay ưu đãi cũng là một chủ đề quan trọng mà các chuyên gia thảo luận. Nếu giữ nguyên tiêu chuẩn cho vay như hiện nay thì các ngân hàng rất khó thực hiện, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được là rất ít.

“Với điều kiện cho vay một là không có nợ xấu, hai là đảm bảo doanh thu, ba là có lợi nhuận, bốn là có tài sản đảm bảo, thì đến cả Vietravel hay Vietnam Airlines chắc chắn đều đứng ngoài cuộc”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Ủng hộ gói hỗ trợ trên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết đối tượng chính sách này nên hướng đến tất cả doanh nghiệp chịu ảnh hưởng Covid-19. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế chính sách rõ ràng vì các ngân hàng sẽ không dám cho vay dưới chuẩn nếu không có quy định pháp lý cụ thể.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng Tổng cục Thống kê, cho rằng hiện nay đa phần doanh nghiệp bế tắc ở chỗ không vay vốn được vì điều kiện ngặt nghèo. “Gói hỗ trợ thừa nhưng không ai vay được, nếu ngân hàng không gỡ được thì sẽ bế tắc. Sắp tới tung ra gói hỗ trợ này nhưng có thể không nhiều người vay vì vẫn đứt gãy công đoạn sản xuất”, ông nêu vấn đề.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, sắp tới NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng cơ chế cho chính sách hỗ trợ mới, nhưng mục tiêu quan trọng nhất vẫn là kiểm soát lạm phát vì nếu không thì gói hỗ trợ gây hiệu ứng ngược. Đại diện NHNN cũng nhắc lại bài học gói hỗ trợ năm 2009 và sau đó lạm phát đã lên đến hai con số, để lại nhiều hệ lụy vĩ mô.

Phải có nguồn tiền cho vay

Theo ông Nghĩa, một vấn đề quan trọng là nguồn tiền cho gói hỗ trợ này. Nếu theo đề xuất hiện tại là từ nguồn ngân sách thì rất khó, vì điều kiện của quản lý tiền ngân sách là tuyệt đối có rủi ro bằng 0.

Ngược lại, Bộ Tài chính có thể đứng ra để xúc tiến gói hỗ trợ này, nhưng không chỉ cần tăng quy mô mà cần phải huy động từ các nguồn lực khác thì mới khả thi, như vay thêm từ phát hành trái phiếu, hay nguồn dự trữ ngoại hối (hiện đã lên mức rất cao so với thời điểm như năm 2009).

Mặt khác, để xây dựng cơ chế hỗ trợ thì ông Nghĩa cũng nhấn mạnh rằng ngân sách gói hỗ trợ và các ngân hàng thương mại phải thanh toán song phẳng với nhau, chứ không phải là tính vào chuyện trừ thuế của doanh nghiệp. Theo đó, cần có quy chế đặc biệt dùng cho gói này để không ảnh hưởng tới bộ luật nào, gói này thực hiện xong thì kết thúc.

Trên khía cạnh khác, ông Hùng, Hiệp hội ngân hàng, cho rằng trong giai đoạn qua các chính sách giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại chủ yếu thực hiện cắt giảm lợi nhuận dựa trên các khoản vay nợ hiện hữu, tức dùng nguồn lực của chính ngân hàng. Nguồn lực của các ngân hàng thương mại sẽ sớm bị bào mòn trong thời gian tới, dưới áp lực của nợ xấu, khi ngân hàng vẫn còn đứng trước áp lực về nợ xấu, trích lập dự phòng trong thời gian tới.

Đại diện cho nhóm các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vietravel, cho rằng lúc này doanh nghiệp rất cần “oxy” để thở, cần thanh khoản để tồn tại, còn các ngân hàng lại báo lãi lớn là rất phản cảm.

Bên cạnh đó, nguồn lực để cứu trợ doanh nghiệp thì vẫn còn dư địa nếu nhìn vào thặng dư ngân sách. “Giờ không có thời gian để bàn chuyện giải cứu bao nhiêu “oxy”, cứ lắp máy thở rồi tính tiếp”, ông kiến nghị.

1 BÌNH LUẬN

  1. 100 ngàn tỷ là con số khiêm tốn. Chỉ riêng Agribank thời gian qua đã giải ngân hơn 100 ngàn tỷ với lãi suất ưu đãi từ 4-5% cho khách hàng. Như vậy có nghĩa là nếu tính toàn hệ thống ngân hàng thì dòng vốn ưu đãi đã lên đến nhiều trăm ngàn tỷ. Vốn không thiếu mà chỉ đang thiếu cơ chế tài chính và cơ chế giải ngân phù hợp mà thôi. Các TCTD lâu nay tận dụng nguồn lực của họ để hỗ trợ khách hàng, sức lực cũng có hạn, không thể kéo dài mãi. Cách an toàn, hợp lý nhất là hỗ trợ lãi suất thông qua TCTD và NHNN bổ sung thêm nguồn tái cấp vốn khi cần thiết. Việc cho vay an toàn và hiệu quả là việc của các ngân hàng và khách hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới