Thứ Năm, 28/09/2023, 09:27
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Nhiều băn khoăn với dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều băn khoăn với dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Bảo Uyên

Nhiều băn khoăn với dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Theo kế hoạch, sau khi lấy ý kiến  đóng góp để chỉnh sửa, từ năm 2018, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới sẽ được triển khai trên cả nước – Ảnh: B.U

(TBKTSG Online) – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến áp dụng từ năm học 2018-2019. Được đánh giá là đã khắc phục được nhiều hạn chế của dự thảo công bố hồi tháng 12-2015, tuy nhiên, dự thảo mới này vẫn còn nhiều nội dung khiến người làm giáo dục và phụ huynh băn khoăn.


Trường THPT tự xét tốt nghiệp có đảm bảo tính công bằng?

Điểm mới đặc biệt trong dự thảo chương trình là việc xét tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá định kỳ do chính trường THPT thực hiện. Điều này có nghĩa, nếu dự thảo này được thông qua, từ sau năm học 2020, việc xét cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ được giao cho cấp trường. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá năng lực theo quy định của Bộ GD&ĐT sẽ được cấp bằng tốt nghiệp mà không phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay.

Tại cuộc họp báo công bố dự thảo này diễn ra ngày 12-4-2017, tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cần phải đổi mới thi cử để tạo điều kiện cho người dạy đổi mới cách dạy, người học đổi mới cách học theo chương trình mới.

Ủng hộ nội dung này trong dự thảo, thạc sĩ Hồ Sỹ Anh –  Viện Nghiên cứu giáo dục, trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, ở nhiều nước có nền giáo dục hiện đại như Hoa Kỳ, Hàn Quốc…, các trường THPT đều tự xét tốt nghiệp cho người học. Theo ông Anh, cách đánh giá học sinh qua kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay ở nhiều địa phương còn mang nặng bệnh thành tích và không thực chất; vì vậy, việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia là hợp với xu thế giáo dục hiện đại và tránh tiêu cực.

“Tất nhiên để làm được điều này, các trường và Sở GD&ĐT địa phương phải trang bị nhiều thứ. Không phải giao cho các trường tự làm là trường muốn làm gì cũng được. Việc giảng dạy ở trường cũng như công tác xét tốt nghiệp phải được Sở giám sát, kiểm tra chất lượng định kỳ. Kết quả kiểm định từ Sở cũng phải được công bố rộng rãi để dư luận biết nhằm tránh trường hợp trường chất lượng kém nhưng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp 100%”, ông Anh nêu ý kiến.

Cũng theo ông Anh, chuẩn đánh giá giữa các trường có sự chênh lệch là điều khó tránh khỏi; vì vậy, Bộ

Theo ghi nhận của TBKTSG Online, không ít phụ huynh ở TPHCM có con em đang học bậc trung học cơ sở (THCS) lo ngại việc con em mình có được xét tốt nghiệp công bằng không khi không phải thông qua một kỳ thi chung. Bà Bùi Thị Bạch Yến (phụ huynh có con đang học lớp 6, trường THCS Hoàng Hoa Thám, Q. Tân Bình) cho rằng: “Cùng một trường nhưng mức độ khó dễ trong việc đánh giá năng lực học sinh của mỗi giáo viên đã khác nhau. Vậy liệu những học sinh học các giáo viên có yêu cầu cao có thiệt thòi?”. Một số phụ huynh cũng băn khoăn về việc thi tuyển vào đại học nếu áp dụng quy định mới này. “Chúng tôi rất muốn biết kế hoạch tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT khi quy định này được thông qua để chuẩn bị từ bây giờ. Nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia, vậy lấy cơ sở gì để xét tuyển, chẳng lẽ lại quay về với hình thức tuyển sinh “3 chung” như trước kia?”, ông Trần Công Hân (phụ huynh có con đang học lớp 9, trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp) thắc mắc.

GD&ĐT không nên xếp loại bằng tốt nghiệp theo các bậc khá, giỏi, trung bình mà chỉ nên xét công nhận học sinh đã hoàn thành chương trình THPT.

“Quan trọng nhất vẫn là các trường, sở phải minh bạch thông tin để dư luận, phụ huynh, học sinh biết được chất lượng của trường và đưa ra lựa chọn. Trường nào đánh giá dễ dàng, hời hợt thì sẽ mất uy tín, tự làm hại mình thôi”, ông Anh nói.

Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG Online, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) lo ngại rằng,  việc để các trường tự xét tốt nghiệp có thể dẫn đến nhiều bất lợi cho học sinh, nguyên do sẽ có trường thả lỏng để học sinh hoàn thành môn học dễ dàng nhưng có trường sẽ đưa ra yêu cầu khắt khe.

“Cứ cho là Sở GD&ĐT có công tác giám sát, thẩm định chất lượng giảng dạy của trường, nhưng không có gì đảm bảo là công tác thẩm định ở mỗi địa phương sẽ đồng đều nhau, có thể ở thành phố lớn sẽ rất gắt gao, còn ở các tỉnh xa thì dễ dàng hơn. Như vậy thì khó mà đảm bảo công bằng cho học sinh được”, ông Phú nhận định.

Lo lắng điều kiện triển khai môn học tích hợp

Bên cạnh điểm mới là bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng đưa ra nhiều môn học mang tính tích hợp, đặc biệt là ở các lớp học cấp dưới. Chưa kể, nhiều môn học mới xuất hiện, như: Hoạt động nghệ thuật (lớp 10), Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (lớp 11, 12), Cuộc sống quanh ta (lớp 1, 2, 3,) Thế giới công nghệ (lớp 1, 2, 3), Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính (lớp 11, 12), Công nghệ và Hướng nghiệp (cấp THCS)…

Ông Anh đánh giá, đây là một chương trình giáo dục hay, giúp học sinh phát triển toàn diện; đặc biệt việc bổ sung thêm những môn học mới về công nghệ thể hiện chương trình giáo dục đã tiệm cận đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó chính là năng lực tin học. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên hiện có của các trường có đáp ứng được việc giảng dạy môn học tích hợp hay những môn mới nêu trên hay không là điều cần xem xét.

Đồng tình với quan điểm trên, hiệu trưởng một trường cấp 3 ở TPHCM đã đưa ra nhiều ví dụ cho thấy những trở ngại nếu áp dụng chương trình mới này. Cụ thể, môn Công nghệ ở nhiều trường do thiếu giáo viên chuyên môn nên giáo viên môn vật lý phải dạy thay. Vị này cho rằng, nếu tích hợp thêm nội dung hướng nghiệp, người dạy chắc chắn sẽ lúng túng. Chưa kể, nếu áp dụng công nghệ vào giảng dạy, liệu đội ngũ giáo viên với trình độ công nghệ tin học hiện nay có thể dạy được không, cơ sở vật chất các trường có đáp ứng được?

Còn theo ông Phú, những môn học mới mới này không những đòi hỏi trường phải có đội ngũ giáo viên có chuyên môn mà còn phải đảm bảo cơ sở vật chất phù hợp.

“Ví dụ như môn Hoạt động nghệ thuật, người có chuyên môn về nghệ thuật chưa chắc đã có nghiệp vụ sư phạm và ngược lại. Rất khó để trường tìm được giáo viên đủ năng lực dạy. Rồi quy mô không gian để học môn này hay môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là gì, sĩ số lớp bao nhiêu? Chúng tôi cần một khung chương trình học chi tiết để sớm chuẩn bị cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên. Hơn nữa, chương trình mới áp dụng ngay từ năm học 2018-2019 là quá cập rập”, ông Phú băn khoăn.

Theo kế hoạch, sau khi lấy ý kiến dư luận và có chỉnh sửa phù hợp, bắt đầu từ 2018, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới sẽ được triển khai trên cả nước, cho học sinh từ lớp 1. Riêng kỳ thi THPT quốc gia vẫn duy trì từ nay đến đến năm 2020. Chương trình tổng thể hướng tới giúp học sinh hình thành và phát triển 6 phẩm chất: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm. Các năng lực được đặt ra cho người học ở chương trình mới gồm: tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới