Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều chính sách mới về hải quan khi tham gia TPP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều chính sách mới về hải quan khi tham gia TPP

Minh Tâm

Nhiều chính sách mới về hải quan khi tham gia TPP
Đại diện doanh nghiệp trao đổi với ông Huỳnh Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Đông Nai (giữa) trong giờ giải lao của hội nghị. Ảnh: Hòa Thu

(TBKTSG Online) – Khi tham gia Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), các chính sách về pháp luật hải quan của Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với quy định chung. Trong khi đó, những gì đang diễn ra hiện nay còn cách khá xa một số yêu cầu này.

>>> Hỏi đáp về TPP: Cần nắm những gì?

Thông tin với hàng trăm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… tại hội nghị đối thoại với Tổng cục Hải quan diễn ra sáng nay tại TPHCM, ông Âu Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho biết, có rất nhiều chính sách về hải quan sẽ thay đổi khi Việt Nam tham gia TPP.

Với hàng chuyển phát nhanh, TPP quy định doanh nghiệp được khai, nộp tờ khai và cơ quan hải quan có thể thông quan trước khi hàng hóa đến. Thời gian thông qua được rút ngắn xuống còn 6 giờ sau khi nộp các tài kiệu liên quan, hàng về đến sân bay, trừ những trường hợp nghi vấn. Bên cạnh đó, mức trị giá hàng hóa được miễn thuế đang được bàn bạc là dưới 200 đô la Mỹ (trên 4 triệu đồng), tăng gấp 4 lần so với mức dưới 1 triệu đồng như quy định hiện hành của Việt Nam.

Theo ông Tuấn, quy định về thời gian thông quan sẽ gây áp lực lên với cơ quan hải quan.

Thực tế hiện nay, theo phản ánh của đại diện công ty chuyển phát nhanh UPS ngay tại hội nghị đối thoại, các lô hàng phải chờ 2 -3 ngày, thậm chi 5 ngày mới được chuyển đi vì phải chờ các bước kiểm tra trước khi thông quan như kiểm tra văn hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm… Hàng hóa của doanh nghiệp phải “chở đi lòng vòng trong thành phố”.

Một lưu ý về chính sách hải quan trong TPP là chế độ với doanh nghiệp ưu tiên. Theo đó, mỗi nước sẽ xây dựng chương trình doanh nghiệp ưu tiên trên khung tiêu chuẩn của tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Các tiêu chí phải đảm bảo nguyên tắc là cụ thể và công khai. Tiến tới, các nước sẽ hướng đến khả năng công nhận lẫn nhau chương trình doanh nghiệp ưu tiên.

Với Việt Nam hiện nay, theo ông Tuấn, tiêu chí để đánh giá doanh nghiệp ưu tiên là tuân thủ pháp luật hải quan và có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn. Ông Tuấn cho biết, nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng yêu cầu về kim ngạch gây khó với họ. Hiện tại, số doanh nghiệp ưu tiên là dưới 20 đơn vị và Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện thí điểm chương trình này.

Có mặt tại buổi đối thoại, đại diện của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) nêu ý kiến, hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở phía Nam Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, những doanh nghiệp này không đáp ứng được yêu cầu về doanh nghiệp ưu tiên hiện nay.

Đại diện Jetro đề xuất, Việt Nam cần có những điều kiện sao cho phù hợp để những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở lĩnh vực sản xuất cũng được tham gia chương trình doanh nghiệp ưu tiên.

Một chính sách khá mở ở lĩnh vực hải quan được đàm phán tại TPP nữa là xuất xứ hàng hóa. Theo đó, TPP áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, trong đó cho phép doanh nghiệp tự khai báo xuất xứ và chịu trách nhiệm. Cơ quan hải quan nước nhập khẩu căn cứ khai báo của doanh nghiệp, bộ chứng từ lô hàng để xác định xuất xứ hàng hóa và xem xét áp dụng thuế suất ưu đãi đối với hàng hóa.

Theo ông Tuấn, cơ chế này hoàn toàn khác biệt với cách thức quản lý hiện tại của Việt Nam. Hện nay, để được hưởng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp phải nộp với cơ quan hải quan giấy chứng nhận xuất xứ C/O do cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.

Về vấn đề này, các nước đang tiếp tục đàm phán với hai quan điểm. Một là người xuất khẩu ((nhà sản xuất, công ty thương mại)  tự khai báo xuất xứ trên hóa đơn thương mại hoặc chứng từ thương mại. Khi thực hiện xuất khẩu sẽ chuyển cho người nhập khẩu để được hưởng ưu đãi. Quan điểm thứ hai là cho phép cả người nhập khẩu tự khai báo xuất xứ mà không cần xuất trình C/O do người xuất khẩu cấp.

Quan điểm của Việt Nam là đối với hàng xuất khẩu, trong giai đoạn chuyển đổi sẽ áp dung song song 2 cơ chế: tự chứng nhận xuất xứ cho doanh nghiệp được cấp phép và cơ chế cấp C/O truyền thống do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho doanh nghiệp không được cấp phép hoặc không muốn tự khai báo. Còn với hàng nhập khẩu: doanh nghiệp sẽ nộp C/O do người xuất khẩu cấp mà không cần xuất trình C/O của cơ uqan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp như trước đây.

Ông Tuấn nhấn mạnh, với cơ chế nào thì công chức hải quan đều phải có kiến thức về xuất xứ hàng hóa và có công cụ để kiểm tra.

Ngoài ra, TPP cũng đánh giá cao cơ chế xác nhận trước đối với mã số, trị giá hàng hóa nhằm giảm thời gian thông quan, tránh tình trạng khiếu nại, tranh chấp giữa doanh nghiệp và hải quan.

Theo yêu cầu này, trong vòng 150 ngày, sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu xác định trước từ doanh nghiệp, cơ quan hải quan phải ra phán quyết và phán quyết này có giá trị, hiệu lực trong vòng 3 năm, trừ trường hợp pháp luật thay đổi và doanh nghiệp sai báo sai. Hết 3 năm, doanh nghiệp có thể được gia hạn hoặc có văn bản xác định trước mới.

Đại diện một doanh nghiệp làm đại lý hải quan của Mỹ tham gia hội nghị nên ý kiến, cơ chế xác định trước rất quan trọng với các nhà đầu tư nước ngoài bởi đây là phương thức để họ biết hiệu quả trước khi quyết định đầu tư. Cơ chế này được đề cập trong dự thảo Luật Hải quan sửa đổi.

Tuy nhiên, theo vị này, vấn đề ông băn khoăn là quy trình làm thủ tục còn phức tạp và các điều kiện khá khó khăn với doanh nghiệp, nhất là với một công ty ngoại quốc. Đó là các yêu cầu về cung cấp hợp đồng, giao hàng hóa một lượt…

Vì vậy, ông đề xuất, Việt Nam cần xem xét lại điều kiện quy định trong dự thảo Luật Hải quan sửa đổi, phối hợp với các điều kiện trong TPP. Như vậy sẽ khuyến khích được doanh nghiệp đến đầu tư tại Việt Nam và Việt Nam sẽ đạt được những kỳ vọng khi tham gia TPP.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới