Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều đại biểu Quốc hội muốn duy trì HĐND các cấp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều đại biểu Quốc hội muốn duy trì HĐND các cấp

Tư Hoàng

Nhiều đại biểu Quốc hội muốn duy trì HĐND các cấp
Việc thử nghiệm bỏ Hội đồng Nhân dân có thể phải dừng lại. ảnh TG

(TBKTSG Online) – Tại phiên thảo luận về Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 24-11, nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến muốn duy trì mô hình Hội đồng nhân dân (HĐND) ở tất cả các cấp để thực hiện quyền giám sát của công dân.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói: “Nếu bỏ HĐND thì chính quyền không còn của dân, không do dân ở cấp độ địa phương nữa”.

“Ở đâu có Ủy ban nhân dân mà không có HĐND thì sẽ mất đi một công cụ pháp lý hữu hiệu. Nếu không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường thì tính đại diện của cử tri sẽ thế nào? Việc quyết định các vấn đề của địa phương có đảm bảo tính dân chủ không?”, ông Vinh đặt câu hỏi.

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng cần duy trì cả UBND và HĐND các cấp để đảm bảo mục tiêu ở đâu có quyền lực, ở đó có phải có sự giám sát của nhân dân.

Nhiều đại biểu có cơ hội nêu ý kiến đều chia sẻ các nhận định trên. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), cho rằng việc thí điểm mô hình bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường là “chưa đủ sức thuyết phục”.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), nhân cơ hội xem xét dự luật này, Quốc hội cần tuyên bố chấm dứt thí điểm và không cần tổng kết nữa.

Ông Sơn nói: “Thí điểm không tổ chức HĐND khá kỳ lạ và diễn ra quá dài. Không tổ chức HĐND quận, huyện, phường là tốt, là hay? Tôi cho là không phải. Đừng bao giờ quên HĐND là thành quả của nền dân chủ mà tất cả các nước làm. Nhiều nước thậm chí còn chuẩn bị làm nhưng chúng ta lại muốn bỏ”.

Những ý kiến trên của các đại biểu Quốc hội khác với ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch, người cho rằng “Nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ, hệ thống như hiện nay thì vô phương tăng lương, không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì đừng nghĩ đến việc tăng lương, nâng cao phúc lợi với dân. Không tăng lương thì đừng bao giờ hy vọng thu hút được một lực lượng cán bộ viên chức là thành phần tinh hoa”.

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình gần đây thừa nhận, bộ máy nhà nước đã quá cồng kềnh.

Thông báo của Văn phòng Chính phủ về ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng góp ý cho dự luật này cho biết, Thủ tướng đề nghị “quận, phường không tổ chức HĐND”.

Thủ tướng giải thích: Không tổ chức HĐND ở các đơn vị hành chính này không có nghĩa là bỏ vai trò đại diện của nhân dân ở địa bàn đó và bỏ giám sát đối với UBND mà việc này sẽ do HĐND thành phố trực thuộc trung ương thực hiện. UBND quận, UBND phường là cơ quan hành chính đại diện cho UBND thành phố, được giao thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định.

Việc bỏ HĐND cấp quận, huyện được triển khai ở một số địa phương nhưng chưa từng được tổng kết. Nếu Quốc hội thông qua Luật này để phù hợp với Hiến pháp 2013, việc thí điểm này sẽ bị dừng lại, và các địa phương này sẽ phải tổ chức bầu cử HĐND lại.

Xem thêm:

Có nên bỏ HĐND quận, huyện, phường?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới