Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều dấu hỏi đặt ra sau khi BKAV “mở khóa” iPhone X

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều dấu hỏi đặt ra sau khi BKAV “mở khóa” iPhone X

Chí Thịnh

Nhiều dấu hỏi đặt ra sau khi BKAV
Công ty BKAV đã tạo ra mặt nạ 3D kết hợp với một số hình ảnh 2D, vật liệu hoá trang để vượt qua cơ chế bảo mật Face ID. Ảnh: BKAV.

(TBKTSG Online) – Một số trang tin công nghệ cũng như người dùng điện thoại thông minh (smartphone) tại Việt Nam đang đặt dấu hỏi với cách thức vượt qua cơ chế bảo mật Face ID trên điện thoại iPhone X của Công ty BKAV.

Mở iPhone X bằng… mặt nạ

Theo nội dung đoạn video của Công ty bảo mật BKAV đăng tải trên Youtube (ngày 9-11) thì chuyên gia BKAV chỉ cần dùng một chiếc mặt nạ in 3D là có thể vượt qua cơ chế bảo mật Face ID (nhận diện khuôn mặt) trên iPhone X. Đoạn video này cho tới chiều 13-11 đã có gần một triệu lượt xem.

Sau khi mở khoá thành công iPhone X bằng mặt nạ trong đoạn video, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Công ty BKAV nói: "Tính năng bảo mật Face ID không đảm bảo về mặt an ninh theo như hãng Apple công bố".

Điều này đã khiến cho những người sử dụng iPhone X có chút lo ngại về điều kiện bảo mật.

Đoạn video của BKAV khá ngắn, chỉ đơn giản là quay lại phần mở khoá bằng mặt nạ, không mô tả quá trình làm mặt nạ cũng như việc nhận diện khuôn mặt chủ nhân iPhone X trước khi mở khoá bằng mặt nạ. Do đó, điều này đã tạo ra sự hoài nghi của người dùng smartphone về việc “liệu BKAV có dùng thủ thuật nào đó để qua mặt Face ID?”.

Sau đó, một số trang tin, tạp chí công nghệ nước ngoài như Wired, Cnet, The Verge… đăng tải thông tin BKAV qua mặt Face ID trên iPhone X nhưng kèm theo nhiều câu hỏi. Các trang tin này cho rằng đoạn video của BKAV không mô tả đầy đủ, chi tiết về quá trình làm mặt nạ, cách thức qua mặt cơ chế bảo mật Face ID…

Tạp chí công nghệ Wired đã nghi ngờ tính chính xác của thử nghiệm và đặt dấu hỏi về việc BKAV có dùng thủ thuật nào đó để qua mặt Face ID hay không. Marc Roger, chuyên gia về bảo mật, người đã từng “đánh lừa” được cảm biến vân tay năm 2013 cho biết: “Nhiều khả năng họ đã làm suy yếu tính chính xác của Face ID thông qua việc dạy thiết bị nhận dạng khuôn mặt chủ nhân cũng chính là mặt nạ”.

Chuyên gia bảo mật Rogers trong bài viết của tạp chí Wired đoán rằng, đội ngũ BKAV có thể đã "làm suy yếu" mô hình kỹ thuật số của điện thoại bằng cách dạy cho nó dựa trên khuôn mặt của chủ máy. Cơ bản là dạy cho chiếc điện thoại nhận diện khuôn mặt trông giống như chiếc mặt nạ của họ.

Sau đó, trên diễn đàn Tinh Tế cũng xuất hiện đoạn video trình diễn về việc có thể dạy cho điện thoại iPhone X làm quen với khuôn mặt được hóa trang (giống như đắp mặt nạ) và sau đó dùng chiếc khuôn mặt hoá trang này để mở khoá iPhone X. Sau một quá trình nhận diện khuôn mặt đã hoá trang, máy từ chối và yêu cầu nhập mật khẩu (pass code) một số lần; chiếc iPhone X đã có thể nhận diện và mở khóa bằng chính khuôn mặt chủ máy đã được hóa trang.

Theo thông tin từ diễn đàn Tinh Tế, nhờ máy học khuôn mặt đã hóa trang (qua những lần nhập mật khẩu) nên sau đó dù chủ máy vẫn giữ khuôn mặt hóa trang nhưng iPhone X vẫn có thể nhận diện và chấp nhận mở khóa. Như vậy, Face ID có thể nhận diện khuôn mặt hóa trang (kiểu như đắp mặt nạ) nhưng phải có quá trình học và cần có pass code.

Trong buổi ra mắt của iPhone X (ngày 12-9) tại Mỹ, đại diện hãng Apple khi giới thiệu tính năng nhận diện khuôn mặt (Face ID) đã cho rằng Face ID có khả năng phân biệt mặt thật và mặt nạ nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Đội ngũ kỹ sư của Apple đã cộng tác với những chuyên gia chế tạo mặt nạ nhà nghề và nghệ sỹ hoá trang của Hollywood để ngăn chặn những nỗ lực qua mặt Face ID.

BKAV có dùng pass code?

Theo thông tin trả lời trên trang web của BKAV (ngày 11-11) thì Công ty BKAV cho rằng họ đã không sử dụng pass code trong suốt quá trình chế tạo mặt nạ để qua mặt Face ID. BKAV cũng cho rằng họ biết về cách Face ID học những hình ảnh mới của khuôn mặt trong quá trình nhận diện.

Công ty BKAV cũng cho biết họ bắt đầu việc tạo mặt nạ 3D chuẩn bị vượt qua cơ chế bảo mật… từ khi nhận chiếc điện thoại iPhone X vào ngày 5-11. Chiếc mặt nạ được tạo ra từ một chiếc máy in 3D phổ biến; BKAV sử dụng bản in 2D cho một số bộ phận khác như mắt. Chi phí làm ra chiếc mặt nạ này khoảng 3,5 triệu đồng (150 đô la Mỹ).

Trước đó, các phóng viên ở tạp chí Wired cùng với một số chuyên gia hoá trang đã tạo ra những chiếc mặt nạ chi tiết hơn, tinh xảo hơn, có trị giá hàng ngàn đô la Mỹ… nhưng đã không thể vượt qua cơ chế bảo mật Face ID.

BKAV cũng cho biết thêm, cách đây 9 năm họ cũng đã từng vượt qua cơ chế bảo mật Face Recognition (nhận diện khuôn mặt) trên máy tính xách tay Toshiba, Lenovo, Asus. Tại hội thảo an ninh mạng Black Hat diễn ra tại Mỹ vào năm 2009, các chuyên gia bảo mật của BKAV đã vượt qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt trên máy tính xách tay Asus, Lenovo, Toshiba được thiết lập ở mức an ninh cao nhất.

Các trang tin, tạp chí công nghệ nước ngoài, báo chí trong nước… đã gửi nhiều câu hỏi cho Công ty BKAV về việc họ đã làm thế nào để “bẻ khoá” Face ID. Tuy nhiên, vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ Công ty BKAV về vấn đề này, ngoài một vài câu hỏi và trả lời được đăng tải trên trang web công ty BKAV.

Trả lời TBKTSG Online, đại diện truyền thông Công ty BKAV cho biết, vào sáng ngày mai (15-11) BKAV sẽ có buổi gặp mặt với các cơ quan truyền thông tại Hà Nội. Công ty BKAV sẽ giải đáp các câu hỏi về câu chuyện dùng mặt nạ mở khoá Face ID tại buổi gặp mặt này.

Mời đọc thêm

Nâng cao bảo mật giao dịch qua ATM và Ebanking

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới