Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều địa phương và doanh nghiệp hướng đến phát triển xanh

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sản xuất theo hướng xanh hóa và phát triển bền vững ngày càng được các địa phương và doanh nghiệp hướng đến và đã hành động với kế hoạch và chiến lược cụ thể.

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, việc đặt mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ giúp các địa phương định hướng thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ và giám sát hiệu quả các hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững và được tín nhiệm và tôn trọng hơn.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Ảnh: N.Vinh

Thông tin này được ghi nhận tại sự kiện Diễn đàn “Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2022” (Vietnam Connect Forum) với chủ đề “Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” tại TPHCM vào chiều ngày 8-4.

Các địa phương hành động

Tại sự kiện, đại diện chính quyền các địa phương đã chia sẻ về việc đã xây dựng và ban hành chiến lược, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thành phố đang từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất sử dụng công nghệ lạc hậu trở thành khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng công nghệ cao thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động.

Theo ông Hoan, TPHCM đã có những chuyển động trong phát triển hạ tầng, đề xuất chính sách phù hợp, tháo gỡ các nút thắt thể chế. “Đây cũng là việc chuẩn bị hệ sinh thái cho làn sóng FDI xanh để đón các nhà đầu tư xanh đến với thành phố, phát triển một cách bền vững”, ông Hoan chia sẻ.

Ở Đồng Nai, Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ 10 và 11 đều đặt ra mục tiêu là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chính vì lẽ đó mà 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động thì bắt buộc phải xử lý nước thải tập trung. Một số doanh nghiệp gần đây đã theo xu hướng đổi mới công nghệ, đối với công đoạn có ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động thì doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang dùng robot.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đây là một xu thế góp phần vào việc tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Đồng Nai.

Trong khi đó định hướng của tỉnh Thanh Hóa là phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi hủy hoại môi trường sống. Thanh Hóa đang ban hành rất nhiều nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường đến vấn đề phát triển bền vững. Thu hút đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa phải đạt công nghệ cao, phù hợp với điều kiện của tỉnh, không ảnh hưởng đến nguồn nước, không ảnh hưởng đến môi trường sống cho hiện tại và cả tương lai.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, cũng chia sẻ quan điểm phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới là “phát triển nhanh và bền vững”, đồng thời “phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu”. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt đề ra mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, đánh giá cao về nỗ lực của Việt Nam trong các cam kết mạnh mẽ về môi trường cũng như định hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Theo ông Alain Cany, mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng Việt Nam còn nhiều việc phải làm, cần thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là việc biến rác thải thành năng lượng.

“Các doanh nghiệp thuộc EuroCham đang có một số dự án để thúc đẩy mục tiêu carbon bằng 0, ví dụ như nhà máy sản xuất Lego tại Bình Dương đã đưa ra cam kết xây dựng nhà máy không carbon. Họ dùng điện áp mái và các nguồn năng lượng sạch”, ông Alain Cany cho biết.

Mặc dù cũng đánh giá cao những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của các địa phương và doanh nghiệp, nhưng theo TS. Tạ Đình Thi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, theo đánh giá chung của Chính phủ và một số tổ chức quốc tế cho thấy, nền kinh tế của Việt Nam phát triển chưa bền vững. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Các cân đối kinh tế vĩ mô chưa ổn định bởi sự phát triển còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên; vốn đầu tư, thâm dụng lao động, sử dụng tài nguyên, năng lượng chưa hiệu quả; ô nhiễm môi trường gia tăng, cường độ phát thải khí nhà kính cao…

Trong khi đó, trong chuỗi giá trị toàn cầu, mục tiêu tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa bằng các quy định, các tiêu chí cần đáp ứng trong nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia và ký kết. Điều này thể hiện rõ nét và khẳng định mạnh mẽ rằng, tăng trưởng xanh không chỉ là xu hướng lâu dài mà chính là nhu cầu, là yêu cầu trước mắt và cấp thiết của thực tiễn hiện nay.

“Nếu nền kinh tế của chúng ta chậm “xanh hóa” các ngành hàng, nếu các doanh nghiệp chậm “chuyển đổi xanh” từ mô hình hoạt động đến quy trình sản xuất, đầu tư, thương mại, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác và phát triển”, ông Thi nói và lưu ý: “Thập kỷ này và nhiều thập kỷ tới, chắc chắn xu hướng cạnh tranh trên toàn cầu sẽ là “cạnh tranh xanh””.

Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng, các điều kiện cần và đủ để thực thi chuyển đổi xanh, như đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và những chi phí tài chính khác cũng không dễ dàng đáp ứng, nhất là trong bối cảnh khó khăn và còn nhiều thách thức như hiện nay.

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỉ đô la, trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần tới 70% từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu được xác định là khu vực tư nhân.

Liên quan vấn đề này, ông Thi đề xuất: Việt Nam phải cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới