Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều địa phương vẫn “đói” dự án FDI

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều địa phương vẫn “đói” dự án FDI

Quốc Hùng

Nhiều địa phương vẫn
Các địa phương thu hút được nhiều vốn FDI thì phần lớn vốn đầu tư vào ngành dệt nhuộm. Trong ảnh là máy móc thiết bị dệt may trong một hội chợ chuyên ngành mới đây tại TPHCM -Ảnh minh họa: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Trong bốn tháng đầu năm nay, có tới 23 địa phương trên cả nước không thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và có tới 15 địa phương trong tổng số 40 tỉnh, thành còn lại chỉ thu hút được một dự án FDI. Trong khi đó, các địa phương thu hút được nhiều vốn FDI thì vốn đầu tư vào ngành dệt nhuộm đang chiếm ưu thế.

Việc nhiều địa phương không thu hút được vốn FDI cũng lý giải phần nào của nguyên nhân sụt giảm nguồn vốn này trong bốn tháng qua so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phần lớn các địa phương không thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc là Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn… Thực chất, đây cũng là những địa phương thu hút được ít nguồn vốn FDI trong những năm qua.

Mặt khác, nguồn vốn thu hút được của 40 địa phương khác trong bốn tháng qua cũng không đều và có sự phân hóa rất lớn, như có tới 15 địa phương chỉ thu hút được 1 dự án FDI, nhiều tỉnh khác chỉ thu hút được 2-3 dự án.

Ngoài ra, theo cơ quan xúc tiến đầu tư trên, trong bốn tháng qua có nhiều dự án “siêu nhỏ” được cấp phép, rất nhiều dự án dưới 1 triệu đô la Mỹ; thậm chí có dự án chỉ 30.000 đô la Mỹ (ở Bình Thuận)…

Cũng theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, kết quả thu hút nguồn vốn FDI từ đầu năm đến nay cho thấy các tỉnh khu vực phía Nam, đặc biệt là khu vực miền Đông Nam bộ, có nhỉnh hơn trong thu hút đầu tư so với nhiều địa phương khác.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý một số dự án đầu tư có quy mô vốn lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư ở khu vực này lại rơi vào các dự án thuộc lĩnh vực dệt may, vốn là một trong những lĩnh vực mà trước đây mà các địa phương này không mấy mặn mà thu hút đầu tư vì đòi hỏi nhiều lao động phổ thông, diện tích đất sử dụng lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm nếu có công đoạn nhuộm, trong khi lại ít mang lại giá trị gia tăng.

Đơn cử như Đồng Nai hiện là địa phương dẫn đầu thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt hơn là 916 triệu đô la Mỹ trong bốn tháng đầu năm, chiếm 24,6% tổng vốn đầu tư đăng ký trong cả nước trong giai đoạn này. Thành tích này của Đồng Nai nhờ vào dự án 660 triệu đô la Mỹ vừa được cấp phép vào trung tuần tháng này do Công ty Hyosung Istanbul Tekstil Ltd. của Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư sản xuất và gia công các loại sợi công nghiệp trong khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 của tỉnh Đồng Nai.

Mặc dù Hyosung Đồng Nai đăng ký quốc gia đầu tư là Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thực chất dự án có nguồn vốn từ Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc). Hyosung cũng là nhà đầu tư lớn ở Đồng Nai trong nhiều năm qua với tên gọi Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 995 triệu đô la Mỹ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dệt may…

Theo giới phân tích, trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang vào những vòng đàm phán cuối thì việc Hyosung quyết định mở rộng đầu tư ngành dệt may ở Việt Nam để tận dụng lợi thế ưu đãi xuất khẩu vào các nước là điều dễ hiểu.

Nhờ có dự án này được cấp phép mà nguồn vốn FDI thu được của Đồng Nai hiện đã hoàn thành chỉ tiêu đặt ra cho cả năm nay là từ 900 triệu đô la Mỹ đến 1 tỉ đô la Mỹ.

Tương tự, TPHCM trong bốn tháng đầu năm nay thu hút khoảng 785 triệu đô la Mỹ vốn FDI, trong đó có một số dự án tăng vốn lớn trong lĩnh vực dệt may. Đơn cử, Công ty TNHH Worldon Việt Nam (Hồng Kông) đã tăng vốn thêm 160 triệu đô la Mỹ để mở rộng sản xuất, đưa tổng vốn mà doanh nghiệp này đăng ký đầu tư lên 300 triệu đô la Mỹ; hay Công ty TNHH Nobland Việt Nam thuộc tập đoàn may mặc Nobland International (Hàn Quốc) đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư từ 43 triệu đô la Mỹ lên 61 triệu đô la Mỹ.

Cũng trong thời gian này, tỉnh Bình Dương thu hút được hơn 400 triệu đô la Mỹ vốn FDI, trong đó có một số dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt may, như Công ty TNHH Yue Chang Việt Nam sản xuất dệt các loại dây giày, dây bện, dây thun và các loại dệt sợi, sợi màu dùng trong công nghiệp; hoặc Công ty TNHH May mặc Prominent chuyên sản xuất hàng may sẵn, các loại hàng dệt, trang phục dệt kim, đan móc…

Theo ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (Hepza), với dự báo thị trường dệt may toàn cầu sẽ tăng trưởng cùng với việc Việt Nam sắp tham gia ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính quyền TPHCM đã có chỉ đạo một số khu công nghiệp tiếp nhận các dự án trọng điểm ngành dệt may. Tuy nhiên, theo ông Hà, phần lớn các dự án dệt may mà Hepza lựa chọn cấp giấy chứng nhận đầu tư là những dự án dệt may cao cấp, đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại và sử dụng lao động ở mức vừa phải chứ không phải những dự án dệt may gia công như những năm trước.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) cho thấy trong bốn tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các dự án FDI là 3,7 tỉ đô la Mỹ, chỉ bằng 76,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 4 tháng đầu năm 2015, Đồng Nai là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 916,75 triệu đô la Mỹ, chiếm 24,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. TPHCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 784,93 triệu đô la Mỹ, chiếm 21,1%. Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 292.11 triệu đô la Mỹ, chiếm 7,8%.

Mời đọc thêm:

>>> DN dệt may nước ngoài mở rộng đầu tư vào TPHCM

>>> Thu hút vốn FDI vẫn giảm nhiều

>>> Dệt may nước ngoài đổ xô vào Việt Nam đón TPP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới