Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều DN phản đối việc áp thuế tự vệ với phôi thép

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều DN phản đối việc áp thuế tự vệ với phôi thép

Văn Nam

Nhiều DN phản đối việc áp thuế tự vệ với phôi thép
Sản xuất phôi thép tại công ty Pomina – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp thép trong nước bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép nhập khẩu vì cho rằng thuế tăng chắc chắn sẽ làm cho giá sản phẩm thép đội lên cao.

Cần nhắc lại trước đây, vào ngày 25-12-2015, Bộ Công Thương ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam sau khi nhận được đơn đề nghị của bốn doanh nghiệp gồm Thép Hòa Phát, Thép Miền Nam, Gang Thép Thái Nguyên và Thép Việt Ý với đề nghị tăng thuế suất lên 45% với phôi thép và 33% với thép dài nhập khẩu. Theo các công ty đề nghị, lượng phôi thép nhập vào Việt Nam đã tăng rất nhanh, từ trên 588.000 tấn vào năm 2014 lên trên 1,5 triệu tấn năm 2015.

Tuy nhiên, ngay sau khi quyết định của Bộ Công Thương được ban hành thì đầu tuần này, một nhóm các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã lên tiếng bày tỏ sự không đồng tình với biện pháp tự vệ này bởi họ cho rằng việc áp dụng biện pháp tự vệ như vậy sẽ gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành thép.

Quan điểm phản đối việc áp thuế tự vệ được trình bày trong một đơn kiến nghị gởi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan đầu tuần nay do một số doanh nghiệp cùng đứng tên, gồm Công ty Cổ phần Thép Pomina, Công ty TNHH NatsteelVina, Công ty Liên doanh sản xuất thép VinauSteel, Công ty Sản xuất Thép Úc SSE, Công ty Cổ phần B.C.H, Công ty Thép Việt Đức…

“Các doanh nghiệp chúng tôi khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng nhà nước xem xét đình chỉ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép nhập khẩu (nguyên liệu đầu vào của thép thành phẩm) và không chấp nhận áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời là 45% đối với phôi thép nhập khẩu trong 200 ngày … nhằm tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, độc chiếm thị trường”, đơn kiến nghị viết.

Theo lập luận của các doanh nghiệp sản xuất thép nói trên, Việt Nam chỉ có thể áp dụng biện pháp tự vệ sau khi đã tiến hành điều tra và chứng minh được sự xảy ra đồng thời của các điều kiện: hàng hóa liên quan được nhập khẩu tăng đột biến về số lượng; ngành sản xuất cùng ngành bị thiệt hại, bị đe dọa nghiêm trọng; có mối quan hệ giữa lượng nhập khẩu đột biến và thiệt hại của doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, các đơn vị này nêu ra số liệu nhập khẩu phôi thép năm 2008, 2009 là gần 2,4 triệu tấn mỗi năm trong khi lượng nhập phôi năm 2015 chỉ còn bằng gần 63%, với khoảng 1,5 triệu tấn.

Các doanh nghiệp sản xuất thép nói trên khẳng định thị trường thép trong nước giai đoạn 2011 – 2015 bị thiệt hại nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân bên cạnh sự gia tăng lượng nhập khẩu. Một trong những nguyên nhân nổi trội là tình trạng dư thừa công suất trong nước, khi sản lượng thép cao gấp 2,3 lần so với nhu cầu, tình trạng đua nhau làm thép ở các địa phương với các dây chuyền thiết bị, công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, quản lý kém … dẫn đến sản phẩm kém sức cạnh tranh.

Từ đó, theo các doanh nghiệp thuộc nhóm phản đối nêu trên, chưa thể xem xét yếu tố mối quan hệ nhân quả “hiện tượng nhập khẩu đột biến và thiệt hại hoặc bị đe dọa thiệt hại” đối với ngành sản xuất thép trong nước.

“Ai là người hưởng lợi nếu áp dụng biện pháp tự vệ?”, đại diện các doanh nghiệp sản xuất thép nói trên đặt vấn đề và dẫn ra các hệ lụy: nếu tăng thuế suất thuế nhập khẩu phôi thép vào Việt Nam lên 45% (năm 2015 thuế này là 9%) thì giá  phôi thép trong nước sẽ tăng theo  và phần lớn các công ty sản xuất thép trong nước càng rơi vào thế phụ thuộc vào một hoặc một vài nhà cung ứng phôi thép trong nước. Như vậy vô hình chung chính sách áp thuế tự vệ chỉ làm lợi cho một vài “đại gia” thép lớn, chủ động được nguồn phôi nguyên liệu trong khi  số đông các doanh nghiệp sản xuất thép còn lại phụ thuộc phôi nhập khẩu sẽ gánh thêm chi phí, tăng giá thành sản phẩm, khả năng thua lỗ do phải giảm giá trong cuộc cạnh tranh.

Ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Việt Đức – doanh nghiệp sản xuất 350.000 tấn thép mỗi năm, phân tích phôi thép là nguyên liệu chiếm 85% tổng chi phí đầu vào sản xuất thép, khi giá phôi tăng (tác động của việc áp thuế) sẽ kéo theo giá thép trên thị trường tăng, thiệt thòi cuối cùng là người tiêu dùng.

Một trong những điểm đáng chú ý được ông Hải nêu ra là mặc dù trong năm 2015 giá thép liên tục giảm sâu nhưng các doanh nghiệp sản xuất phôi cán ra thép thành phẩm không bị khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp lãi cao.

“Việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành thép, đi ngược xu hướng toàn cầu hóa và gây thiệt hại cho người tiêu dùng”, ông Hải khẳng định.

Xem thêm:

>> Việt Nam điều tra tự vệ phôi thép và thép dài nhập khẩu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới